Chiều 24/11, UBND tỉnh Nghệ An họp thường kỳ tháng 11 năm 2023. Theo thông tin tại buổi họp này, trong phát triển kinh tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Nghệ An năm 2023 ước đạt từ 7-7,3%, mặc dù không đạt chỉ tiêu nhưng hết sức tích cực trong bối cảnh khó khăn chung. Đặc biệt, có 2 điểm sáng là thu hút đầu tư và kim ngạch xuất khẩu.
Đến thời điểm này, tỉnh Nghệ An đã thu hút được hơn 46.000 tỷ đồng, vượt mục tiêu 1,38 lần đề ra. So với cùng kỳ năm 2022, số lượng dự án cấp mới tăng 13%, tổng vốn đăng ký cấp mới tăng 1,4 lần. Riêng thu hút FDI lần đầu tiên vượt mốc 1 tỷ USD, đạt gần 1,3 tỷ USD, kỳ vọng đến hết năm 2023 đạt gần 1,5 tỷ USD.
Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 2,88 tỷ USD, tăng 13,51% so với năm 2022, đạt 100,4% kế hoạch, trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 2,45 tỷ USD, tăng 12,02% so với cùng kỳ. Trong kết quả này có đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp FDI và kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng khi nhiều dự án bước vào sản xuất.
Đối với Chương trình xây dựng nông thôn mới, dự kiến trong năm 2023, toàn tỉnh Nghệ An có thêm 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 35 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 6 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu; 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Thu ngân sách trong bối cảnh khó khăn nhưng vẫn đạt được kết quả đáng ghi nhận, cố gắng phấn đấu vượt trên 18.000 tỷ đồng.
Các lĩnh vực văn hóa xã hội của Nghệ An duy trì được kết quả rất tích cực. Giáo dục mũi nhọn luôn nằm trong tốp đầu của cả nước, công tác lao động việc làm, an sinh xã hội được quan tâm. Đặc biệt, trong điều kiện khó khăn nhưng công tác an sinh xã hội được tỉnh quan tâm. Đến nay, tỉnh đã xây dựng, sửa chữa được 5.322 căn cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở, gần đạt mục tiêu của năm 2023 là 5.500 căn.
Bên cạnh những kết quả đạt được, tại phiên họp Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung cũng chỉ rõ, phân tích các tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Đến thời điểm này, còn 4 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chưa hoàn thành; hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, tác động đến thu ngân sách. Giải ngân đầu tư công đến nay chưa đạt mục tiêu, thấp hơn so với kỳ vọng, có chương trình mục tiêu quốc gia còn đạt kết quả thấp.
Việc triển khai thực hiện 2 dự án hạ tầng giao thông chiến lược là Cảng nước sâu Cửa Lò và Cảng hàng không quốc tế Vinh đến nay vẫn chưa hoàn thành các thủ tục, chưa đạt kế hoạch, mục tiêu đề ra. Công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số có chuyển biến nhưng cần hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu.
Về giải ngân đầu tư công, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu các ngành, địa phương, chủ đầu tư phấn đấu đạt mục tiêu giải ngân trên 95%, thực hiện cơ bản giải ngân hết kế hoạch vốn năm 2022 kéo dài sang năm 2023. Đối với các dự án đã hoàn thiện thủ tục thì tập trung giải ngân, đối với các dự án mới thì cần quan tâm hoàn thiện thủ tục, nhất là các dự án đưa vào kế hoạch năm 2024. Trong thu, chi ngân sách, các ngành trong khối Tài chính cố gắng tập trung thực hiện mức cao nhất thu ngân sách; chi tiết kiệm, hiệu quả, chặt chẽ.
Cho rằng dự báo năm 2024 sẽ còn nhiều khó khăn, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An nhấn mạnh, UBND tỉnh này phấn đấu đạt mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP của năm 2024 từ 9-10%; thu ngân sách 15.854 tỷ đồng; tổng kim ngạch xuất khẩu 3 tỷ USD; GRDP bình quân đầu người 62-63 triệu đồng.