Năm 17 tuổi, Vedant Lamba (sinh năm 1999) lần đầu mua đôi Adidas NMD phiên bản giới hạn bằng chính 163 USD tiền túi. Anh cảm thấy mình "như một vị thần" khi đi đôi giày này.
"Lúc đó, tất cả cửa hàng chính hãng đều hết phiên bản này. Tôi đã phải lên mạng tìm các nhà bán lẻ khác và nhận ra giá trị của những đôi giày được bán lại cao ra sao", Lamba, nay là chủ sở hữu một cửa hàng thời trang và giày thể thao resell ở Mumbai (Ấn Độ), nói.
Thực tế, ngành công nghiệp resell, hay bán lại giày thể thao bản giới hạn với giá cao, dự kiến chạm mốc 30 tỷ USD trên toàn cầu vào năm 2030.
Ở Ấn Độ, đất nước tiêu thụ giày dép đứng thứ 2 thế giới, xu hướng sưu tập giày hiếm hay coi chúng như một món đầu tư giá hời đang bùng nổ mạnh mẽ.
"Người Ấn Độ luôn thích phô trương sự giàu sang bằng địa vị, vàng hay tài sản. Nay, giày thể thao cũng được coi như một yếu tố như vậy", Lamba nói với VICE.
0,1% cơ hội mua giày bản giới hạn
"Thị trường giày thể thao ở Ấn Độ chịu ảnh hưởng từ giới ngôi sao. Có nhiều người đã chi trả 10.000 USD sau khi thấy một nghệ sĩ đi đôi Air Jordan Dior, dù họ không biết gì về Jordan, chỉ biết Dior là thương hiệu cao cấp", Likhit Sreenivas (17 tuổi) nói.
4 năm trước, anh bắt đầu bán lại giày sneaker với giá cao.
Những đôi giày được ưa chuộng như Nike Air Jordan hay Adidas Yeezy thường được mở bán trong khoảng thời gian giới hạn với giá bán lẻ.
Các người bán trung gian thường kết nối với nhân viên tại cửa hàng chính hãng ở Mỹ, Dubai để "săn hàng". Hoặc họ có thể nhờ bạn bè, người thân ở nước ngoài mua giày với giá bán lẻ để tránh phải trả tiền thuế hải quan.
"90% những đôi giày thể thao bản giới hạn thường có sẵn ở Ấn Độ, song không dành cho đại chúng", Anchit Kapil (34 tuổi), đồng sáng lập hãng bán lẻ giày thể thao và thời trang CrepDog Crew, nói với VICE.
Anh cho biết các nhà cung cấp giày bán lại thường liên hệ trực tiếp với đơn vị bán lẻ, điều mà không khách hàng thông thường nào có thể làm được.
"Dù xếp hàng 2 ngày trước cửa tiệm hay ngồi chờ 5 tiếng trước máy tính, xác suất mà người dùng có thể đặt mua một đôi giày bản giới hạn chỉ là 0,1%", Kapil nói.
Để tăng cơ hội sở hữu đôi giày như ý, nhiều người đã thử sử dụng phần mềm gian lận (hay còn gọi là bot) để tự động hóa quy trình thanh toán, lưu lại thông tin thẻ tín dụng, kích cỡ và sở thích giày của người dùng để đẩy nhanh việc mua bán giày hiếm.
Ishan Chauhan, một nhà bán lại giày 18 tuổi từ Delhi (Ấn Độ), thừa nhận: "Tôi phải dùng bot Nike cho việc kinh doanh. Nó không đảm bảo bạn sẽ mua được giày, nhưng làm tăng cơ hội lên nhiều lần".
Món đầu tư hời nhưng rủi ro
Số lượng giới hạn, nhu cầu tăng cao khiến những đôi giày thể thao trở thành món đầu tư hời với Gen Z.
"Mỗi đôi giày đều như cổ phiếu, điểm khác biệt duy nhất là chúng được tiêu thụ ngay sau khi bán ra. Nếu 200 đôi được mở bán vào hôm nay, chỉ 180 đôi được đem bán lại. Do hàng giảm xuống, giá cả sẽ tăng lên nhanh chóng", Kapil nói.
Dù ngày càng nhiều người trẻ quan tâm đến chứng khoán, xu hướng "mua đi, bán lại" giày có ảnh hưởng và gần gũi hơn với với các "nhà đầu tư" trẻ tuổi. Ngoài ra, họ có thể đi và khoe "cổ phiếu" của mình một cách trực tiếp.
"Việc giới trẻ đổ xô vào ngành này cho thấy thị trường đang nóng lên, ai cũng muốn có phần. Nhưng hiếm người có kinh nghiệm thực tế", Kapil nhấn mạnh.
Dù công việc bán lại giày giá cao đem lại danh tiếng cho không ít người trẻ, nghề này cũng ẩn chứa nhiều rủi ro như lừa đảo.
Tháng 10/2020, Kabir Singh, khi đó đang tập bán lại giày sneaker, quyết định thành lập một nhóm chat độc quyền trên WhatsApp. Các thành viên phải trả phí 134 USD để tiếp cận các đơn hàng hiếm.
Thông qua nhóm này, Singh trở nên thân thiết với Sanchit Gupta (27 tuổi) và thường tìm đến người này để xin tư vấn. Sau nhiều tháng kinh doanh, Singh đã cho phép Gupta sử dụng tài khoản để giao dịch, kiếm tiền.
"Ban đầu, anh ta buôn bán sòng phẳng, có uy tín. Nhưng khi tôi bận ôn thi ở trường, Gupta đã nhận 134.000 USD từ khách hàng để mua giày. Tuy nhiên, không ai nhận được hàng dù đã thanh toán xong", Singh nói.
Anh cho biết Gupta không chỉ quỵt tiền mà còn công khai cáo buộc Singh lừa đảo.
"Gupta nói với mọi người rằng tôi là người chịu trách nhiệm cho tất cả những gì đã xảy ra. Họ bắt đầu dọa sẽ hành hung tôi nếu không trả tiền. Mọi chuyện tệ đến mức tôi không thể ngủ yên và cha mẹ tôi phải đưa cho Gupta 20.000 USD để ngăn những lời dối trá ấy", Singh kể.
Một phương pháp phổ biến khác thường được sử dụng để lừa những người bán trẻ tuổi là tung ra những đôi giày giả của các phiên bản giới hạn. Không ít người trẻ chấp nhận mua chúng với mức giá hời để thu lợi nhuận nhiều hơn khi bán lại cho khách hàng.
"Tôi từng nhận được một đôi giày giả khi cố mua chúng với giá tốt do không có nhiều vốn. May mắn là tôi đã kiểm tra lại chúng trước khi gửi cho khách hàng. Từ đó, tôi hiểu được sự quan trọng của việc xác minh thật - giả", Kavya Garg (18 tuổi) nói.
Thực tế, hầu hết người bán trẻ đều thấy công việc này không đem lại sự ổn định cho họ về lâu dài.
"Tôi không cho rằng ngành 'mua đi, bán lại' này là việc kinh doanh bền vững. Nó có thể duy trì trong vòng 5-10 năm tới, nhưng không phải mãi mãi", Rishubh SV (20 tuổi), chủ đại lý đến từ Bengalury, nói.