Đặt lộ trình xem xét sửa đổi Nghị định về quản lý thị trường vàng
Tại cuộc Họp báo, báo chí đã đặt câu hỏi về quan điểm của Ngân hàng Nhà nước trước ý kiến cho rằng sau 10 năm áp dụng để chống “vàng hoá” nền kinh tế, Nghị định 24/2012/NĐ-CP cần được sớm sửa đổi cho phù hợp với yêu cầu hiện nay, cần có thêm thương hiệu vàng khác để cạnh tranh với SJC .
Trả lời vấn đề này, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, cho biết: Trước đây khi xây dựng Nghị định 24/2012/NĐ-CP để áp ứng nhu cầu của nền kinh tế. Trong suốt 10 năm qua, không chỉ Ngân hàng Nhà nước mà các báo cáo, đánh giá, nhìn nhận đều cho thấy câu chuyện quản lý vàng đã tạo được sự ổn định trong quản lý kinh tế vĩ mô, từ đó kiểm soát lạm phát, kiểm soát được thị trường vàng, không tác động đến mặt bằng giá cả và các chỉ tiêu khác.
Tuy nhiên, theo Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước, sau 10 năm, do những tác động của tình hình kinh tế thế giới, tác động của hàng hóa vàng thế giới với Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước đã và đang cử các đoàn nghiên cứu, vừa đi kiểm tra tất cả các cơ sở kinh doanh vàng hiện nay, vừa đánh giá câu chuyện vàng thực tế trong nền kinh tế, nhu cầu thực của người dân như thế nào, vừa đánh giá câu chuyện giữa các thương hiệu vàng hiện nay ra sao?…
“Không phải Quốc hội đặt vấn đề Ngân hàng Nhà nước mới nghiên cứu mà việc này các đơn vị chức năng đã nghiên cứu hàng năm nay. Nghiên cứu một cách thấu đáo và cũng đặt ra lộ trình xem xét để sửa đổi Nghị định 24/2012 trong thời gian tới sao cho phù hợp, để đạt mục tiêu lớn và vẫn bảo đảm nhu cầu thị trường đối với vàng miếng cũng như vàng trang sức…” - Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định.
Cấp room tín dụng cần “gạn đục khơi trong”
Ngoài nội dung quản lý thị trường vàng, câu chuyện cấp room tín dụng tiếp tục là chủ đề “nóng” trong buổi họp báo của Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, trả lời câu hỏi về khả năng nới room tín dụng, ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ, cho biết: Số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước 3 năm trở lại đây, nhu cầu tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng thương mại đăng ký luôn xấp xỉ trên 20%, vượt xa khả năng cung ứng vốn của nền kinh tế.
Nếu cứ để các ngân hàng thương mại tăng trưởng tín dụng theo nhu cầu, áp lực với lạm phát là rất lớn. Khả năng để phục vụ nhu cầu tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng sẽ phải chạy đua tăng lãi suất huy động, dẫn tới lãi suất cho vay và nợ xấu tăng theo. Đây cũng là lý do mà Ngân hàng Nhà nước áp dụng room tín dụng.
Theo ông Quang, mỗi năm Ngân hàng Nhà nước đều đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng từ đầu năm. Định hướng tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước năm nay là 14%, nhưng đều có sự điều chỉnh linh hoạt tùy diễn biến thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và dựa vào sức khỏe của từng tổ chức tín dụng.
“Với những lĩnh vực ưu tiên, Ngân hàng Nhà nước sẽ có ưu tiên cho các tổ chức tín dụng có mức xếp hạng, phân loại cao hơn; ngoài ra điều chỉnh tăng thêm mức tín dụng cho các tổ chức tín dụng tham gia tái cơ cấu các ngân hàng thương mại yếu kém, các quỹ tín dụng nhân dân… Điểm trừ đối với các tổ chức tín dụng mà Ngân hàng Nhà nước thường xuyên có cảnh báo tham gia vào các lĩnh vực rủi ro như kinh doanh bất động sản, chứng khoán, tỉ trọng tốc độ tăng trưởng rất lớn vào lĩnh vực trái phiếu doanh nghiệp…”- ông Quang cho biết.
Về room tín dụng của các ngân hàng thương mại, đại diện Vụ Chính sách tiền tệ cho hay, hiện nay nhiều ngân hàng vẫn chưa sử dụng hết room tín dụng được cấp. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước khuyến nghị các tổ chức tín dụng tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế.
“Cho đến ngày 9/6, tín dụng tăng 8,15% so với cuối năm 2021, còn khá xa so với hạn mức tăng trưởng tín dụng mà Ngân hàng Nhà nước đã cấp cho các tổ chức tín dụng. Chúng tôi vẫn đang theo dõi số liệu từ từng tổ chức tín dụng theo từng ngày, có thể có tổ chức tín dụng gần hết room, đương nhiên sẽ có trạng thái “phòng thủ” để bảo đảm cân nhắc, cấp room tín dụng cho những khách hàng ưu tiên hơn. Chúng tôi nghĩ đây là giai đoạn cần “gạn đục khơi trong” để bảo đảm các tổ chức tín dụng tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên hơn, những khoản nợ chất lượng cao hơn”- ông Quang nêu quan điểm.
Đặc biệt, hiện có tình trạng một số ngân hàng đã cho vay cận room 15% với khách hàng lớn, ông Quang khuyến nghị cần đa dạng hóa danh mục tín dụng để giảm rủi ro, cân đối nguồn thu. “Định hướng mà Ngân hàng Nhà nước mong muốn là chuyển tải dần vai trò cung ứng vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế từ hệ thống ngân hàng sang các phân khúc khác của thị trường vốn”- ông Phạm Chí Quang khẳng định.
Theo Ngân hàng Nhà nước, dù lạm phát 5 tháng đầu năm chỉ tăng 2,25% song áp lực lạm phát với nền kinh tế nước ta là rất lớn, đặc biệt là lạm phát nhập khẩu vì độ mở nền kinh tế cao.
Trên thế giới, các nước đang tăng cường chính sách thắt chặt tiền tệ. Chỉ tính từ đầu năm 2022 đến nay, trên thế giới đã có 114 lượt tăng lãi suất . Áp lực nhập khẩu lạm phát thế giới cộng với nhu cầu tín dụng tăng nhanh trong nước sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát đặt ra nhiều thách thức cho cơ quan quản lý.
11 năm qua, kể từ năm 2011 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã áp dụng cơ chế room tín dụng, song song với việc nâng cao áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế vào quản trị của hệ thống ngân hàng.
“Nhưng dù là vậy, nhu cầu tốc độ tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế rất cao. Trước năm 2011, tăng trưởng tín dụng bình quân của nước ta là trên 30%/năm, có năm tăng 53,8%, vượt xa khả năng quản trị và cân đối vốn của ngân hàng thương mại, dẫn tới hệ luỵ rất lớn là mất khả năng thanh toán.
Với bài học đó, Ngân hàng Nhà nước buộc phải đi song song cả hai chân: Vừa nâng cao chuẩn mực quản trị rủi ro theo chuẩn quốc tế, vừa tăng cường giám sát từ sớm, từ xa các hoạt động của ngân hàng thương mại, các lĩnh vực quản trị rủi ro, trong đó có tín dụng”- ông Quang nói.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: Chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 14% mang tính chất định hướng của Ngân hàng Nhà nước đặt ra từ đầu năm. Từ năm 2021 - 2022, Ngân hàng Nhà nước có thêm câu "có điều chỉnh tùy theo điều kiện thực tế". Vì vậy, tăng trưởng thực tế có thể phải thắt chặt chỉ 11 - 12%, hoặc cũng có thể lên tới 15 - 16%.
Theo ông Tú, nếu không có những hậu quả dịch Covid-19 để lại thì mức tăng trưởng tín dụng 14% là phù hợp. Nhưng do hiện tại, có những cơ hội mở ra của nền kinh tế khôi phục nhanh, nhu cầu vốn của nền kinh tế cao. Tuy nhiên, cần nhìn nhận vấn đề sâu hơn, trong nhu cầu vốn đó đang phải “bao sân” cho phần vốn đang được cơ cấu lại cho các doanh nghiệp bằng chính sách giãn hoãn hàng mấy trăm ngàn tỉ đồng. Nếu không có dịch thì số vốn đó đang được quay vòng, được trả nợ cho ngân hàng và đã được tái tạo trong một vòng quay tín dụng mới. Do đó, nhu cầu vay vốn mới bổ sung tạo áp lực cho tăng trưởng tín dụng, dẫn đến một số ngân hàng phản ánh gần hết room tín dụng. Ngân hàng Nhà nước vẫn đang theo dõi đánh giá.
Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước có phương án điều hành chính sách tiền tệ cùng với chính sách tài khóa và các chính sách khác nhằm ổn định giá trị đồng tiền, ổn định vĩ mô, kiểm soát được lạm phát. “Kiểm soát lạm phát là ưu tiên hàng đầu trên điều hành chính sách tiền tệ của ngành ngân hàng. Trên cơ sở đó, tiếp tục cung ứng vốn một cách hợp lý trên điều kiện kiểm soát lạm phát”- Phó Thống đốc thông tin.
Về room tín dụng, vào thời điểm nào, tăng thêm như thế nào, cần trên cơ sở đánh giá, phân tích và thấy rằng cần thiết. Đại diện Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng cho rằng, đây là cơ hội để các ngân hàng thương mại cơ cấu lại chính các khoản nợ hiện nay, vừa nâng cao chất lượng tín dụng, hướng vốn vào những khoản nợ chất lượng cao hơn, lĩnh vực cần thiết hơn, cần hướng dòng vốn vào các lĩnh vực ưu tiên, hạn chế vào lĩnh vực rủi ro.