Đối với những tỷ phú công nghệ, họ có rất nhiều lựa chọn để đốt tiền sau khi nghỉ hưu, rời bỏ khỏi đế chế do mình sáng lập. Không phải ai cũng như Elon Musk hay mark Zuckerberg, vẫn tiếp tục mở rộng sự nghiệp kinh doanh của mình.
Với nhà đồng sáng lập Google-Larry Page, ông đã dành phần lớn thời gian của mình tại hòn đảo cá nhân ở Fiji để nghỉ ngơi sau khi rời bỏ chức vụ lãnh đạo tại Google vào năm 2019.
Theo xếp hạng những người giàu nhất của tờ Forbes tính đến ngày 12/12/2022, Larry Page đứng thứ 10 với 80,8 tỷ USD. Sergey Brin đứng thứ 12 với 77,5 tỷ USD.
Thế nhưng kể từ đầu năm nay, vị đại gia công nghệ này tiếp tục trở lại đường đua đầu tư của mình bằng thương vụ Kittyhawk, một startup in 3D hướng tới sản xuất...máy bay. Sản phẩm đầu tiên của hãng là một máy bay đồ chơi cỡ nhỏ chỉ bằng chiếc hộp điện thoại nhưng có thể cất cánh linh hoạt bằng động cơ điện cũng như có chế độ lái tự động.
Trớ trêu thay, startup này vào tháng 9/2022 đã tuyên bố ngừng hoạt động dù đốt của Page hàng trăm triệu USD. Vậy là dự án đầu tiên của nhà đồng sáng lập này kể từ sau khi nghỉ hưu khỏi Google đã đổ bể.
Trong khi Page vất vả với giấc mơ sản xuất máy bay thì Sergey Brin, một nhà đồng sáng lập khác của Google lại vướng vào vụ lùm xùm ly hôn khi cáo buộc người vợ Nicole Shanahan ngoại tình với người bạn Elon Musk.
Giữa lúc câu chuyện trở nên ồn ào thì vị đại gia này lại đáp máy bay thẳng đến hòn đảo Burning Man ở Thái Bình Dương để tiệc tùng cùng với 80.000 người.
Tờ BI nhận định cả Page và Brin được đánh giá là cặp đôi làm việc ăn ý, hiệu quả gần 20 năm để xây dựng nên thành công cho Google. Hiện tại dù đã nghỉ hưu nhưng 2 nhà sáng lập này vẫn nắm quyền chi phối tại Google, đồng thời hưởng lợi từ đế chế 1,2 nghìn tỷ USD này. Nhờ có nền tảng tìm kiếm lớn nhất thế giới mà cả 2 tránh được nhiều nghĩa vụ về thuế cũng như có quyền lực để tránh khỏi cặp mắt của giới truyền thông.
“Họ có thể làm mọi thứ bởi chẳng phải lo nghĩ liệu điều này có kiếm ra tiền hay không”, nguồn tin thân cận với 2 nhà sáng lập nói cho tờ BI hay.
Chúa đảo Fiji
Đảo Tavarua-Fiji nổi tiếng là một danh lam thắng cảnh với bãi biển ngập nắng bao quanh bởi nhiều rặng san hô tuyệt đẹp, chưa kể đến những con sóng cao thích hợp cho hoạt động lướt sóng. Vào năm 2020, khi cả thế giới gồng mình chống đại dịch Covid-19 thì Larry Page đưa cả gia đình đi cách ly tại hòn đảo này như một chuyến du lịch.
Cùng năm đó, Page trở thành đồng chủ sở hữu của đảo Tavarua cũng như chiếm cổ phần chi phối doanh nghiệp cho thuê bất động sản trên hòn đảo này. Hồ sơ cho thấy Wayne Osborne, CEO của các văn phòng đầu tư Koop do Page thành lập để quản lý các hoạt động cho vị tỷ phú này, đứng tên trên các giao dịch.
Trên thực tế, Larry Page có vẻ là một người thích làm “chúa đảo” khi sở hữu rất nhiều vùng đảo xa xôi. Ví dụ như theo tờ Insider, vị tỷ phú Google này là chủ sở hữu của đảo Eustatia tại quần đảo British Virgin Islands bên cạnh vô số những khu vực chưa được công khai khác. Ngoài ra 2 hòn đảo Hans Lollik và Little Hans Lollik tại vùng biển Caribbean cũng đã được CEO Osborne ký tên mua vào năm 2014 với giá 23 triệu USD. Xin được nhắc là chính Larry Page đã cầu hôn người vợ Lucinda Southworth trên hòn đảo Hans Lollik vào năm 2016.
Các báo cáo điều tra của BI cho thấy hầu hết những hòn đảo được Page mua lại đều xây dựng hệ thống tự cung tự cấp cho riêng mình. Ví dụ như Eustatia sử dụng hoàn toàn hệ thống điện năng mặt trời, trong khi đảo Tavarua vào năm ngoái cũng đã tuyên bố lắp đặt thêm 483 tấm năng lượng mặt trời mới nhờ nguồn vốn đầu tư của công ty Page.
Nguồn tin của BI cho biết một trong những lý do khiến Page đầu tư vào Kittyhawk là tạo ra một chiếc “xe bay” để di chuyển trên các hòn đảo của mình. Thậm chí vị tỷ phú này còn chi tiền cho các dự án chuyển đổi nước biển thành nước ngọt nhằm gia tăng tiêu chuẩn sống quanh các hòn đảo.
“Larry Page chỉ muốn một chiếc xe bay để bay từ du thuyền của mình ra đảo mà thôi”, một nhân viên của Kittyhawk nói đùa.
Phóng viên của BI cho biết trong khi mải mê làm chúa đảo thì Page lại bỏ mặc các công ty đầu tư con của mình cho đội ngũ cố vấn. Hệ quả là hàng trăm triệu USD đã được đốt cho Kittyhawk để rồi startup này phải tuyên bố ngừng hoạt động trong năm nay.
Những tài liệu mà BI thu thập được cho thấy nhà sáng lập Google này còn rót tiền vô tội vạ cho một startup nữa mà Page thành lập là Opener, cũng lại chuyên phát triển sản phẩm liên quan đến “xe bay”. Một nhân viên trong các dự án của Page nói đùa rằng ông chủ của mình thích những ý tưởng độc lạ, đi trước thời đại và với khoản tài sản khổng lồ, vị tỷ phú Google được mọi người đặt cho biệt danh “Chú Larry”.
“Với nguồn tiền khổng lồ, Page và Brin nhìn mọi thứ đơn giản lắm. Đó là đầu tư cho nhiều startup để rồi xem cái nào sẽ sống sót và thành công”, nguồn tin thân cận với 2 vị tỷ phú nói với tờ BI.
Tương tự như Page, tỷ phú Sergey Brin cũng thành lập nhiều công ty con quản lý tài sản cho mình và cũng chẳng mấy quan tâm về lợi nhuận. Báo cáo của các công ty con này cho thấy Brin chỉ dành 2 tiếng mỗi tuần để xử lý các công việc liên quan đến những dự án mà ông ấy đầu tư, trong khi con số này là 15 phút/tuần với Page.
“Sergey Brin chẳng quan tâm gì đến danh mục đầu tư của mình đâu. Bạn chỉ cần cứ nói về những dự án đầu tư của vị tỷ phú này là ông ấy nhanh chán ngay”, một nhân viên giấu tên làm việc cho Brin nói với BI.
Bên cạnh đó, cả 2 vị tỷ phú đều tích cực làm từ thiện. Số liệu của BI cho thấy trong năm 2021, Brin đã quyên góp đến 242 triệu USD trong khi Page là 196 triệu USD.
Tay chơi du thuyền
Tờ BI cho biết cả hai vị đại gia Google đều chơi du thuyền nhưng trong khi Page cắt giảm chi tiêu cho thú vui này, bán bớt thuyền đi thì Brin lại thực sự trở thành tay chơi thứ thiệt ở mảng này.
Theo BI, Sergey Brin đã xây dựng hẳn một hạm đội du thuyền cho riêng mình. Ngoài chiếc siêu du thuyền Dragonfly của mình, Brin còn mua một loạt những du thuyền khác cũng như những sản phẩm tương tự như tàu cao tốc, ván trượt phản lực, thuyền buồm...
Để quản lý đội tàu lớn này, Brin đã thuê đội ngũ 50 người dưới dự dẫn dắt của một thuyền trưởng giàu kinh nghiệm. Đội thủy thủ này thường xuyên trú đóng ở bịnh Redwood City, nơi đội thuyền của Brin neo đậu. Trong thời gian rảnh, họ sẽ tham gia các dự án khoa học nghiên cứu hải dương hay mở lớp dạy bơi cho trẻ em.
Phần lớn những thiết bị đi biển của Brin được cung ứng bởi Kai Concepts, một startup được Google mua vào năm 2013 nhưng đã đóng cửa. Tuy nhiên Brin được cho là vẫn bơm tiền cho dự án này để họ hoạt động và cung cấp “đồ chơi” cho thú vui đi biển của tỷ phú.
Tuy nhiên thứ khiến Sergey Brin nổi tiếng nhất lại là vụ ồn ào liên quan đến việc vợ ông, luật sư Nicole Shanahan ngoại tình với người bạn Elon Musk. Dẫu vậy nhà sáng lập Tesla phủ nhận chuyện này.
Quay trở lại với Google, tờ BI cho biết dù đã nghỉ hưu với những thú vui riêng của mình nhưng cả Page và Brin đều vẫn duy trì sức ảnh hưởng đến tập đoàn này, thậm chí trên cả CEO Sundar Pichai.
“Cả Page và Brin đều vẫn tham dự các cuộc họp hội đồng quản trị cũng như tham gia vào các quyết định của công ty”, người phát ngôn Brittany Stagnaro của Alphabet (Google) nói.
*Nguồn: BI