Công ty Cổ phần vận tải đường sắt Hà Nội cho biết đã mở bán vé tàu dịp 30/4 - 1/5 được gần 20 ngày. Ước tính có hơn 35.000 vé được phát hành, trong đó, tàu Thống Nhất từ Hà Nội có 10.000 vé, tàu Hà Nội - Đà Nẵng có gần 3.850 vé, Hà Nội - Vinh hơn 6.000 vé, Hà Nội - Hải Phòng khoảng 20.000 vé và Hà Nội - Lào Cai hơn 3.500 vé...
Trên trang bán vé của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, tàu xuất phát từ ga Hà Nội đi các tỉnh phía Nam ngày 26 - 27/4 như SE1, SE5, SE11, SE19, QB1 đều hết chỗ. Chiều về ngày 30/4 - 1/5, các tàu SE20, SE2, SE6, SE12, QB2 hầu như hết vé. Trên trang web bán vé, các tàu nhanh như SE3, SE4 số lượng vé chỉ còn khoảng 45 - 50 chỗ mỗi chuyến, chủ yếu là vé ngồi mềm và một số ít chỗ khoang 6 giường nằm.
Đánh giá xu hướng du lịch bằng đường sắt năm nay, nhiều công ty du lịch đã đưa ra phép toán so sánh: Nếu một gia đình gồm 6 người đi bằng đường hàng không, tiền vé của một hãng bay giá rẻ đi 2 chiều sẽ tiêu tốn gần 24 triệu đồng. Trong khi đó, nếu lựa chọn di chuyển bằng tàu hỏa, theo quy định, trẻ em dưới 6 tuổi được miễn phí. Người trên 60 tuổi được giảm thêm 15%. Một gia đình đặt vé khứ hồi sẽ được giảm thêm 10% nữa. Như vậy, sẽ tiêu tốn khoảng 7,9 triệu đồng tiền vé khứ hồi loại giường nằm mềm điều hòa khoang 4 người, tương đương tiết kiệm được 2/3 tổng chi phí đi lại.
Có thể vì lý do này, bà Phạm Thị Anh Đào, trạm trưởng trạm vận tải đường sắt Hà Nội cho biết "chặng Hà Nội - Đà Nẵng hay Hà Nội – TP.HCM ngay sau khi mở bán đã rất nhanh hết vé khoang giường mềm điều hòa, chỉ còn rất ít vé ghế ngồi". Các tàu chặng ngắn như Hà Nội - Thanh Hóa, Hà Nội - Vinh hiện vé vẫn còn, song hành khách có nhu cầu nên mua sớm vé tàu trong một vài ngày tới vì số lượng không còn nhiều. “Tùy từng cung đoạn, vào dịp lễ Tết cao điểm giá vé được điều chỉnh tăng khoảng 15%", bà Đào nói.
Theo thống kê của ngành Đường sắt, tàu Thống Nhất từ sau Tết Nguyên đán đến cuối tháng 3/2024 gần như kín chỗ. Bởi vậy, dịp cao điểm 30/4 - 1/5, Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết sẽ chạy thêm hàng chục chuyến tàu trên các tuyến phía Bắc để phục vụ hành khách. Theo đó, trên tuyến Hà Nội - Đồng Hới xuất phát tại ga Hà Nội có tàu QB1 chạy vào các ngày 26, 27/4; xuất phát tại ga Đồng Hới có tàu QB2 chạy vào các ngày 30/4 và 1/5.
Trên tuyến Hà Nội - Vinh, xuất phát tại ga Hà Nội có các tàu NA3, NA7 chạy vào các ngày 26, 27/4; tàu SE35 chạy từ ngày 25/4 đến hết ngày 1/5. Xuất phát tại ga Vinh có tàu SE36 chạy từ ngày 25/4 đến hết ngày 1/5 và các tàu NA4, NA14 chạy vào các ngày 30/4 và 1/5. Trên tuyến Hà Nội - Thanh Hóa, xuất phát tại ga Hà Nội có tàu TH1 chạy vào ngày 27/4; xuất phát tại ga Thanh Hóa có tàu TH2 chạy vào các ngày 30/4 và 1/5…
Với các tàu lập thêm này, ngành Đường sắt vẫn áp dụng các chính sách ưu đãi như: Giảm giá vé cho các đối tượng chính sách, đoàn viên công đoàn, hành khách có thẻ khách hàng, giảm giá vé lượt về cho hành khách mua vé khứ hồi…
Trong khi đó, tàu chất lượng cao SE19 và SE20 vẫn hoạt động hàng ngày và cũng luôn ở tình trạng hết sạch chỗ. Bà Đào cho biết, khoảng 70% đến 80% khách nước ngoài lựa chọn loại tàu này. Dù mức chi phí cao hơn nhưng tàu sạch sẽ, đa dạng dịch vụ, nên khách vẫn lựa chọn. Theo tìm hiểu, ngồi tàu hỏa để du lịch khắp Việt Nam cũng đang trở thành xu hướng được nhiều khách nước ngoài muốn trải nghiệm.
Tương tự, lượng vé mà Cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn cung cấp trong dịp lễ từ 25/4 đến 1/5 là khoảng 90.000 vé, tương đương năm ngoái, dự kiến sức mua sẽ đạt mức tối đa. "Công ty đang theo dõi nhu cầu của hành khách để chạy thêm tàu tăng cường phục vụ ngày lễ cao điểm", Ông Thái Văn Truyền, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn, nói. Hiện giá vé TP.HCM đi Hà Nội cao nhất trong các chặng. Vé giường nằm khoang 4 điều hòa, giữa toa, có giá 1,8 triệu đồng, hạng vé thấp nhất là ghế ngồi mềm hơn 1 triệu đồng, tăng so với ngày thường từ 3% đến 10% tùy loại chỗ.
Tuy nhiên, lượng khách đi lại từ ga Sài Gòn và dừng ở ga Hà Nội không nhiều do chặng đường xa, di chuyển mất hơn một ngày. Khách đi tàu chủ yếu chọn các chặng ngắn, các chặng như Sài Gòn - Quy Nhơn và Sài Gòn - Đà Nẵng dự kiến có lượng khách đặt tăng cao. Theo khảo sát, tuyến Sài Gòn - Quy Nhơn từ ngày 27/4 đến ngày 2/5, vé khứ hồi khoảng 1,6 - 1,7 triệu đồng. Tuyến tàu Sài Gòn - Đà Nẵng có giá vé khứ hồi khoảng hơn 2 triệu đồng. Tàu chặng TP HCM - Phan Thiết có giá vé khoảng 400.000 - 600.000 đồng, tương đương vé xe khách.
Ông Thái Văn Truyền cho hay du lịch tàu hỏa đáp ứng được nhu cầu đi lại của một bộ phận du khách và được chọn vào dịp lễ không chỉ vì giá rẻ. Tàu hỏa chạy theo hành trình có sẵn, đi đến đúng giờ. Di chuyển bằng tàu hỏa có "độ an toàn gần như tuyệt đối". Ngoài ra, một số ga tàu thuận tiện di chuyển đến các điểm du lịch. Hiện việc đặt vé tàu khá dễ dàng, du khách có thể đặt trên ứng dụng, trang web của Công ty Đường sắt Việt Nam hoặc qua các ví điện tử. "Di chuyển bằng tàu hỏa tuy mất nhiều thời gian hơn nhưng cũng là dịp để hành khách chậm rãi ngắm cảnh. Chặng TP.HCM đi nhiều tỉnh thành miền Trung cũng đi qua những cung đường biển rất đẹp", ông Truyền nói.
Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết, ngành đường sắt cũng sẽ tổ chức chạy thường xuyên đôi tàu du lịch SPT1/SPT2 Sài Gòn - Phan Thiết trong suốt tháng 4 – 5/2024. Giá vé dao động từ 161.000 đồng/vé/lượt loại ghế ngồi và từ 233.000 đồng/vé/lượt loại chỗ giường nằm khoang 4 giường.
Đồng thời, chi nhánh Vận tải đường sắt Sài Gòn dự kiến chạy thêm tàu cổ Đà Lạt vào buổi tối từ ngày 14/4/2024. Chuyến tàu được tổ chức nhằm phục vụ khách du lịch ngắm thành phố và các vùng trồng hoa trên tuyến đường Đà Lạt - Trại Mát. Tàu DL11 xuất phát tại ga Đà Lạt lúc 18h15; tàu DL12 xuất phát tại ga Trại Mát lúc 19h15. Trên tàu, du khách được phục vụ trà atiso, wifi miễn phí. Giá vé dao động từ 72.000 - 100.000 đồng/vé/lượt. Trước khi chính thức chạy vào ngày 14/4/2024, công ty tổ chức chạy hoàn toàn miễn phí vào các ngày 11, 12 và 13/4.