Chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc, đề nghị Bộ trưởng cho biết việc đầu tư một số tuyến đường cao tốc không có làn xe, dừng xe khẩn cấp liệu có phù hợp với tiêu chuẩn đường cao tốc hay không và giải pháp của Bộ trong thời gian tới.
Cũng theo đại biểu tỉnh Vĩnh Phúc, Nghị quyết 100 của Quốc hội yêu cầu đánh giá tổng thể và đầu tư nghiên cứu để nâng cấp các tuyến đường cao tốc đã được đầu tư theo quy mô phân kỳ 2 làn xe hoặc 4 làn xe mà không có làn dừng xe khẩn cấp thành đường ô tô phù hợp với tiêu chuẩn thiết kế đường cao tốc theo quy định.
Vì sao lại phân kỳ đầu tư cao tốc?
Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết trong thời gian qua, đặc biệt là giai đoạn 2021 - 2026, việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, trong đó hạ tầng giao thông được quan tâm đặc biệt.
Trong nhiệm kỳ này, ngân sách dành trên 375 nghìn tỷ để triển khai xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng, chủ yếu là xây dựng hệ thống đường cao tốc. Tuy nhiên, việc xây dựng mới chỉ đạt khoảng 70% nhu cầu.
Dẫn kinh nghiệm nhiều quốc gia phát triển như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia hay nhiều nước tại châu Âu, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết các quốc gia này đều phải thực hiện phân kỳ đầu tư đối với các tuyến đường cao tốc.
Việc đầu tư hoàn chỉnh tuyến đường cao tốc trong bối cảnh nguồn lực có hạn là rất khó khả thi.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng.
Trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm các nước, Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu và báo cáo cơ quan có thẩm quyền thực hiện phân kỳ đầu tư theo nguyên tắc, vừa đảm bảo đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh nguồn lực có hạn, vừa tạo tiền đề và sự thuận lợi trong giai đoạn sau khi có nguồn lực nâng cấp.
Theo đó, “cần ưu tiên đầu tư hoàn chỉnh đối với các đoạn tuyến có nhu cầu vận tải lớn. Nhiều đoạn tuyến được đầu tư hoàn chỉnh như: Hà Nội - Hải Phòng, Bến Lức - Long Thành, Phan Thiết - Dầu Giây, Biên Hòa - Vũng Tàu”, Bộ trưởng nêu rõ.
Tiếp đó, đối với các tuyến nhu cầu vận tải chưa cao trong giai đoạn đầu đưa vào khai thác sẽ thực hiện phân kỳ đầu tư. Trong đó, chỉ phân kỳ đầu tư về bề rộng mặt cắt, còn các yếu tố kỹ thuật để nâng cấp đều phải đảm bảo, đây là kinh nghiệm các quốc gia đi trước đã triển khai.
Ngoài ra, phải thực hiện giải phóng mặt bằng một lần theo quy hoạch.
Với những nguyên tắc trên, Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Kế hoạch Đầu tư để tham mưu, báo cáo Chính phủ, Quốc hội xem xét bổ sung danh mục, nguồn vốn tăng thu ngân sách 2022 để trước mắt mở rộng hai tuyến đường chưa được đầu tư hoàn chỉnh, đó là đoạn Cao Bồ - Mai Sơn và La Sơn - Hoà Liên.
Thời gian tới, trong khả năng cân đối ngân sách, Bộ Giao thông vận tải sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để đề xuất hoàn thiện các đoạn tuyến cao tốc còn lại theo quy hoạch và ưu tiên các tuyến mới có 2 làn xe và đoạn tuyến có lưu lượng lớn, để đảm bảo cả nước có hệ thống đường cao tốc đồng bộ, hiện đại.
Lo ngại về lãng phí vốn, vấn đề an toàn
Tranh luận với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Đại biểu Hoàng Đức Thắng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị, nêu lại dẫn chứng những bất cập từ tuyến đường Cam Lộ - Túy Loan 2 làn xe, chưa được giải phóng mặt bằng. Do đó, trong giai đoạn 2 mở rộng sẽ phải thực hiện nên sẽ gây ra lãng phí, tốn kém rất lớn về nguồn lực quốc gia.
Đánh giá về câu trả lời của Tư lệnh ngành giao thông về việc đầu tư tuyến đường cao tốc mà không có làn xe khẩn cấp thì có phù hợp với tiêu chuẩn hay không, Đại biểu Trần Văn Tiến, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc, cho rằng Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chưa trả lời thẳng vào vấn đề, chỉ cần trả lời là có hay không phù hợp nhưng Bộ trưởng lại trả lời về tiêu chí để xây dựng đường.
Với phần trả lời trên, đại biểu Trần Văn Tiến cho rằng là chưa phù hợp. Trong các cuộc thảo luận tại hội trường, đối với các tuyến đường đầu tư về giao thông mà không có làn xe dừng khẩn cấp, đại biểu đã có ý kiến nhưng mà không được tiếp thu. Bởi chúng ta lại tiến hành đầu tư về làn đường khẩn cấp thì là rất lãng phí trong đầu tư.
Trả lời đại biểu Trần Văn Tiến về tiêu chuẩn đường cao tốc, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải khẳng định đối với tiêu chuẩn của Việt Nam hiện đang phù hợp; đối với quy chuẩn hiện cũng đang xây dựng.
Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ của Bộ Giao thông vận tải xây dựng quy chuẩn đường cao tốc của Việt Nam, dự kiến sẽ hoàn thành quy chuẩn này trong quý 1/2024.
Tiếp tục điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội nói rõ thêm về vấn đề thiết kế xây dựng đường cao tốc.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, đã có nhiều đại biểu tranh luận về vấn đề này. “Vốn liếng của ta không có nhiều nên phân kỳ đầu tư là đúng. Tuy nhiên, vấn đề phân kỳ đầu tư phải đạt mức tối thiểu như thế nào để đảm bảo an toàn giao thông, Bộ Giao thông vận tải cần suy nghĩ thêm”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Chủ tịch Quốc hội nêu dẫn chứng, ngay cả những đoạn vừa hoàn thành trong cao tốc Bắc - Nam, đoạn từ Cao Bồ đi Thanh Hóa và Thanh Hóa đi Diễn Châu, theo quan sát và nhiều người cho rằng, số lượng xe tham gia giao thông rất ít, vì tốc độ chỉ có 80 km/giờ và không có làn đường khẩn cấp. Do đó, chỉ cần một xe bị tai nạn hoặc bị xịt lốp thì sẽ tắc nghẽn hết tất cả, vì vậy, rất cần xem xét vấn đề này.
Bộ trưởng nhận trách nhiệm vì chậm trễ xây trạm dừng nghỉ
Về trạm dừng nghỉ trên cao tốc, Bộ trưởng nhận trách nhiệm trong việc chậm triển khai thực hiện các trạm dừng nghỉ và chia sẻ với người dân khi tham gia trên các tuyến cao tốc này.
Bộ trưởng cho biết, thời gian qua, việc triển khai các tuyến cao tốc thực hiện theo kiểu “vừa chạy, vừa xếp hàng”, khiến thi công cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 nhưng chưa xây dựng trạm dừng nghỉ.
"Còn 15 trạm dừng nghỉ giai đoạn 2 sẽ được tiến hành song song với quá trình hoàn thiện tuyến đường, đảm bảo đồng bộ", Bộ trưởng khẳng định.
Các hạng mục công trình cơ bản của trạm dừng nghỉ bao gồm các công trình dịch vụ công được cung cấp miễn phí như: bãi đỗ xe, không gian nghỉ ngơi, phòng nghỉ tạm thời cho lái xe, khu vệ sinh, nơi cung cấp thông tin.
Nếu khai thác tốt các trạm dừng nghỉ sẽ mang lại hiệu quả, lợi ích lớn. Thời gian qua khi rà soát hành lang pháp lý về trạm dừng nghỉ gần như thiếu vắng. Vì vậy, Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo quyết liệt, khẩn trương ban hành thông tư hướng dẫn chọn các nhà đầu tư để thực hiện xã hội hóa, trước đây chưa có quy định này.
Trước đây cũng chưa có quy định cụ thể về quy mô của các trạm dừng nghỉ, do vậy, Bộ quyết liệt trong xây dựng hành lang pháp lý và quy hoạch, triển khai đấu thầu, mời gọi nhà đầu tư.
Hiện nay, Bộ đã tiến hành đấu thầu và lựa chọn nhà đầu tư, 9 trạm dừng nghỉ thuộc dự án thành phần thuộc giai đoạn 1 đang trong quá trình triển khai, sẽ hoàn thành năm 2023 - 2023.
Trong số này, trạm có quy mô lớn nhất lên đến hơn 13ha mỗi bên, trạm có quy mô nhỏ nhất là 2,5ha mỗi bên.