Cách đây 3 - 5 năm, trào lưu “bỏ phố về quê”, đầu tư homestay bùng nổ rầm rộ. Theo đó, không ít nhà giàu tại Hà Nội đua nhau về vùng ven Hà Nội như Ba Vì, Sóc Sơn, các huyện của Hòa Bình,... tậu hàng nghìn m2 đất đầu tư xây dựng.
Tuy nhiên, đến nay nhiều người đầu tư hàng chục tỷ đồng phải ngậm trái đắng và buộc rao bán lỗ sâu. Đơn cử, anh Nguyễn Đức Toàn (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, thời điểm 2020, anh bỏ 8 tỷ đồng để mua 5.000m2 đất tại Lương Sơn (Hòa Bình). Sau đó, anh Toàn tiếp tục đầu tư thêm 6 tỷ đồng để xây dựng 4 căn homestay và khuôn viên khu. Như vậy, tổng số tiền đầu tư cho thương vụ này của anh là 14 tỷ đồng.
Éo le thay, sau khi hoàn thiện đưa vào sử dụng, dịch bệnh bất ngờ ập tới khiến khu homestay của anh Toàn buộc phải đóng cửa. “Có 5 tỷ đồng đầu tư homestay là tôi vay ngân hàng. Tuy nhiên thời gian dịch bệnh công việc kinh doanh của gia đình tốt nên vẫn cố gồng và chờ đợi đến khi mở cửa trở lại.
Đến khi dịch bệnh được kiểm soát, tưởng tình hình kinh doanh homestay sẽ tốt, tuy nhiên, lượng khách không được như kỳ vọng của tôi. Khách thuê cũng chỉ lác đác vào cuối tuần. Nhiều bạn bè cũng khuyên giữ lại vì sau này giá đất lên cũng đã lãi lớn”, anh Toàn nói.
Đỉnh điểm đến đầu năm nay, các căn homestay của anh Toàn liên tục trong tình trạng “cửa đóng then cài”. Trong khi đó, mỗi tháng anh Toàn vẫn phải mất thêm 40 - 50 triệu đồng chi phí vận hành, đây là khoản tiền cố định chưa kể phát sinh thêm.
“Lãi vay lên cao, trong khi tình hình kinh doanh ở các mảng tôi đầu tư đều ảm đạm, thậm chí phải bù lỗ. Do vậy tôi quyết định bán homestay với giá 10 tỷ đồng để trang trải. Tuy nhiên, nhờ môi giới rao bán hơn 1 tháng nay rất ít người quan tâm”, anh Toàn kể.
Thực tế, không ít nhà đầu tư homestay hiện nay cũng đang chật vật tìm khách mua dù chấp nhận bán lỗ. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại một số chủ homestay hiện nay vẫn hoạt động hiệu quả, doanh thu mỗi tháng lên tới hàng trăm triệu đồng.
Chị Thùy Dương (Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ, thời điểm năm 2019, chị theo nhóm bạn về Sóc Sơn săn đất nền và nhanh chóng chốt mua mảnh đất 3.000m2 với giá 5 tỷ đồng. Chỉ một thời gian ngắn đã có khách chênh 200 triệu đồng, tuy nhiên chị không bán.
“Thấy giao thông kết nối với trung tâm cũng thuận tiện, mảnh đất cũng nằm ở vị trí đẹp có núi, hồ, cùng lúc trào lưu kinh doanh homestay nổ ra tôi bắt đầu tìm hiểu về mô hình này. Nghĩ là làm, tôi nhanh chóng bàn với chồng đầu tư thêm 4 tỷ để xây dựng 3 căn homestay. Sau gần 1 năm xây dựng, khu homestay hoàn thiện và bắt đầu đón những vị khách đầu tiên”, chị Dương nói.
Mặc dù thời điểm dịch bệnh diễn ra, tình hình kinh doanh tại khu homestay của chị Dương cũng gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, vì đầu tư nhiều tâm huyết nên chị quyết sẽ giữ lại tiếp tục kinh doanh khi dịch bệnh kết thúc.
Đến nay, chị Dương cho biết, tình hình kinh doanh của khu homestay vẫn diễn ra khá tốt, mỗi tháng doanh thu từ 300 - 350 triệu đồng. Theo chị, mỗi căn homestay có giá thuê 7 - 8 triệu đồng/đêm vào ngày thường. Dịp cuối tuần và ngày lễ sẽ có giá cao hơn 1 triệu đồng/đêm. Mỗi căn được quy định 10 người ở, trong trường hợp nhiều hơn sẽ phụ thu khoảng 200 nghìn đồng/người.
“Để có doanh thu cao, tôi phải đầu tư khá nhiều vào truyền thông và chạy quảng cáo liên tục trên mạng xã hội. Bên cạnh đó, những dịp như Noel, Tết,... homestay cũng được trang trí theo các chủ đề riêng. Ngoài ra, chi phí vận hành cố định mỗi tháng khoảng 60 triệu đồng. Sau khi trừ hết chi phí, hiện nay khu homestay vẫn tạo ra lợi nhuận tốt”, chị nói.
Thực tế, những chuyến nghỉ dưỡng ngắn ngày tại các khu homestay rất phù hợp với nhiều người có lịch làm việc dày đặc cần nghỉ ngơi vào dịp cuối tuần. Theo đó, nhu cầu thuê homestay tại vùng ven vẫn ở mức cao. Tuy nhiên, việc khách hàng lựa chọn thuê homestay nào sẽ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như vị trí, giao thông, dịch vụ, cảnh quan,... Do đó mới xảy ra hiện tượng nghịch cảnh người đầu tư có lãi, người thua lỗ bán tháo.