Cụ thể, tại Xăng dầu Petrolimex, báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2022 doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của PLX tăng gấp đôi so với năm ngoái đạt 84.397 tỷ đồng, tuy nhiên giá vốn hàng bán tốc độ tăng mạnh hơn dẫn đến lợi nhuận gộp giảm còn một nửa, từ 4.227 tỷ đồng xuống còn 2.402 tỷ đồng.
Doanh thu hoạt động tài chính tăng gấp đôi nhưng chi phí tài chính tăng gấp 5 lần, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng mạnh dẫn đến PLX báo lỗ 295 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 1.829 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các chi phí phát sinh, nghĩa vụ thuế, PLX báo lỗ 140 tỷ đồng, lỗ sau thuế cổ đông công ty mẹ là 196 tỷ đồng trong khi năm ngoái lãi lần lượt 1.594 tỷ đồng và 1.497 tỷ đồng.
Riêng công ty mẹ báo lỗ 747 tỷ đồng trong quý 2 năm nay. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, PLX vẫn lãi 301 tỷ đồng tuy vậy con số này đã giảm mạnh so với đạt được vào năm 2021 đâu đó tầm 2.330 tỷ đồng.
Khoản lỗ này đã khiến cho vốn chủ sở hữu của PLX giảm từ 28.260 tỷ đồng đầu năm xuống còn 26.119 tỷ đồng. Hàng tồn kho của PLX tăng mạnh từ 13.163 tỷ đồng đầu năm lên 22.148 tỷ đồng. Tăng hàng tồn kho dẫn đến dòng tiền hoạt động kinh doanh của PLX âm 571 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh của PLX.
Giải trình về việc thua lỗ này, theo ban lãnh đạo doanh nghiệp, chủ yếu do trong quý 2 vừa qua, giá dầu thô chịu ảnh hưởng trực tiếp xung đột quân sự giữa Nga - Ukraine, các nước Tây Âu và Mỹ cấm vận dầu của Nga đã làm cho giá xăng dầu thế giới biến động bất thường. Theo đó, giá xăng dầu thế giới tăng từ 99,4USD/thùng vào đầu quý 2 lên 122 USD/thùng tăng 23% sau đó giảm còn 105,8 USD/thùng vào cuối tháng 6.
Bên cạnh đó, Petrolimex tăng cường nhập khẩu bù đắp nhu cầu tiêu dùng xã hội trong chu kỳ giá thế giới tăng cao để đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ xăng dầu cho xã hội, đảm bảo không bị đứt gãy việc cung ứng xăng dầu cho nhu cầu thiết yếu của người dân, doanh nghiệp tại những thời điểm khó khăn. Do đó, biên lợi nhuận gộp quý 2 bị suy giảm lớn.
Do giá xăng dầu từ tháng 7/2022 được điều chỉnh giảm với biên độ lớn, công ty mẹ cũng đã trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho tại ngày 30/6/2022 trên cơ sở giá trị thuần có thể thực hiện được đối với lượng tồn kho tại ngày lập báo cáo tài chính với giá trị dự phòng 1.259 tỷ đồng. Nếu không trích lập khoản này, doanh nghiệp đã có thể lãi công ty mẹ trước thuế 6 tháng là 295 tỷ đồng.
Đối với khoản hợp nhất, ngoài do ảnh hưởng công ty mẹ phải trích lập dự phòng, các công ty kinh doanh trong lĩnh vực hóa dầu, gas, kinh doanh kho và vận tải cũng chịu ảnh hưởng lớn từ biến động xăng dầu thế giới.
Tương tự, tại PV Drilling (PVD), đây là quý thứ hai liên tiếp doanh nghiệp họ dầu khí này buộc phải báo lỗ.
Trong kỳ, PVD ghi nhận doanh thu đạt 1.505 tỷ đồng tăng 35,4% so với cùng kỳ. Doanh thu tăng chủ yếu do đơn giá cho thuê giàn khoan tự nâng tăng 14% so với cùng kỳ; Tăng nhẹ hiệu suất sử dụng giàn khoan tự nâng sở hữu; đóng góp doanh thu của giàn khoan PVD Drilling V đang thực hiện chiến dịch khoan cho Brunei Shell Petroleum; Phát sinh doanh thu từ 1 giàn thuê trong quý 2/2022 so với Quý 2/2021 không có giàn khoan thuê.
Tuy nhiên, PVD vẫn báo lỗ 73,82 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 43,3 tỷ đồng. Lỗ lũy kế từ đầu năm lên đến 117 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 13,3% về còn 8,2%. Chủ yếu do giảm mạnh lợi nhuận từ các công ty liên doanh do khối lượng công việc giảm; tăng chi phí tài chính do tăng tỷ giá của đồng USD cũng như biến động Libor làm tăng chi phí lãi vay.
Kết quả kinh doanh của PVD.
Về chất lượng tài sản, PVD đang có 2.400 tỷ đồng phải thu ngắn hạn, tăng 24% so với đầu năm. Công ty ghi nhận khoản nợ xấu 202 tỷ đồng, tăng 9%; khoản trích lập dự phòng nợ xấu 120 tỷ đồng. Giá trị hàng tồn kho tăng 11%, lên 981 tỷ đồng. Tổng tài sản đạt 20.800 tỷ đồng, đi ngang so với đầu năm.
Một doanh nghiệp khác trong ngành cũng bất ngờ báo lỗ do giá xăng dầu tăng cao là Công ty CP Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu (PSH). Báo cáo tài chính quý 2/2022 ghi nhận lỗ 264,5 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái vẫn có lãi 52 tỷ đồng.
Nguyên nhân do biến động giá xăng dầu trên thế giới và trong nước tăng cao so với cùng kỳ năm 2021 làm ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành nguyên vật liệu đầu vào của công ty. Cộng với việc tăng mạnh chi phí lãi vay, chi phí quản lý doanh nghiệp dẫn đến tổng chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh quý 2/2022 tăng cao so với năm 2021.