Khi OPEC+ (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa và đồng minh) tuyên bố cắt giảm sản lượng dầu, giá dầu thô Brent chuẩn toàn cầu nhanh chóng vọt lên gần 97 USD /thùng vào tối 5/9 (theo giờ Việt Nam). Đến nay, giá đã giảm hơn 4% xuống còn 92,8 USD /thùng. Trong khi đó, giá dầu WTI chuẩn Mỹ lao dốc từ hơn 90 USD /thùng về 86,5 USD /thùng.
Theo giới quan sát, ban đầu, giá dầu tăng lên do những lo ngại về việc nguồn cung bị thắt chặt khi OPEC+ giảm sản lượng. Tuy nhiên, các nhà đầu tư nhanh chóng nhận ra động thái giữ giá dầu của nhóm này có thể phản tác dụng.
Bởi khi một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu xảy ra do giá năng lượng quá cao, nhu cầu sẽ đi xuống, dẫn tới giá giảm mạnh.
OPEC+ muốn giữ giá dầu
Ngày 5/9, những quốc gia quyền lực nhất trên thị trường dầu toàn cầu đã đưa ra một quyết định gây sốc. Đó là cắt giảm sản lượng vào thời điểm thị trường năng lượng thế giới đang chìm trong hỗn loạn.
Cụ thể, OPEC+ đã quyết định cắt giảm mục tiêu sản lượng khoảng 100.000 thùng/ngày kể từ tháng 10.
Theo Reuters, do 100.000 thùng/ngày không phải con số lớn, việc OPEC+ cắt giảm sản lượng dầu sẽ không có tác động quá lớn tới cán cân cung cầu trên thị trường dầu toàn cầu. Tuy nhiên, động thái này cho thấy ý định giữ giá dầu của OPEC+.
Nhóm không tiết lộ về việc muốn giá dầu duy trì ở mức nào. Tuy nhiên, từ những động thái mới nhất, Reuters cho rằng mục tiêu của OPEC+ là giữ giá dầu trên ngưỡng 90 USD /thùng.
Vấn đề nằm ở chỗ nếu OPEC+ quyết tâm giữ giá dầu trên 90 USD /thùng, nền kinh tế thế giới có thể rơi vào một cuộc suy thoái do giá năng lượng quá cao.
Nếu kịch bản này xảy ra, OPEC+ thậm chí phải hành động mạnh tay hơn nữa để duy trì giá dầu trên ngưỡng 50 USD /thùng. Bởi một cuộc suy thoái có thể dẫn tới hiện tượng phá hủy nhu cầu.
Theo Reuters, quyết định mới nhất của OPEC+ có thể được đưa ra dựa trên tính toán của đội ngũ kỹ thuật của nhóm. Theo đó, thị trường dầu thô toàn cầu sẽ rơi vào tình trạng thừa cung khoảng 400.000 thùng/ngày trong năm nay, trước khi thiếu hụt 300.000 thùng/ngày vào năm sau.
Trước đó, Saudi Arabia cũng cảnh báo OPEC+ có thể giảm sản lượng để kìm hãm đà giảm mạnh của giá dầu. Trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman kiêm Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia cho rằng "biến động và thanh khoản thấp" đã gửi đi tín hiệu sai lệch về tình trạng khan hiếm nguồn cung vật chất hiện tại.
Nguy cơ suy thoái ngày càng lớn
Châu Âu đang trên bờ vực suy thoái do chi phí năng lượng tăng mạnh vì ảnh hưởng từ xung đột Nga - Ukraine. Mới đây, tập đoàn năng lượng quốc doanh Gazprom của Nga tuyên bố dừng vô thời hạn dòng chảy khí đốt chính sang châu Âu.
Giá khí đốt tự nhiên và khí đốt tự nhiên hóa lỏng tăng cao đã đẩy giá nhiệt điện than lên mức cao kỷ lục. Điều này cũng làm dầu diesel tăng giá. Dù được sử dụng chủ yếu cho xe cộ, dầu diesel trở thành nhiên liệu thay thế để phát điện khi giá của những nhiên liệu khác đi lên.
Nếu cố duy trì giá cao bằng cách hạn chế nguồn cung, OPEC+ chỉ đang gây ra một cuộc suy thoái sâu hơn, dài hơn đối với kinh tế toàn cầu
Nhà báo Clyde Russell của Reuters
Giá tăng cao buộc các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng ở châu Âu phải giảm sản lượng, thậm chí đóng cửa. Tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn trong những tháng tới, khi chi phí được chuyển sang cho các doanh nghiệp nhỏ và người tiêu dùng.
Khi nhu cầu năng lượng tăng vọt vào mùa đông, các yếu tố tiêu cực có thể cùng lúc giáng đòn vào nền kinh tế toàn cầu. Giá dầu thô thường lao dốc trong những cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu và lần này cũng sẽ không ngoại lệ.
Điều này sẽ khiến OPEC+ gặp khó khăn trong việc giữ giá dầu thô ở mức cao. Nếu Mỹ và Iran đạt thỏa thuận hạt nhân, nguồn cung dầu toàn cầu có thể tăng lên, đẩy giá xuống thấp hơn nữa.
Triển vọng về nhu cầu không chỉ xấu đi ở châu Âu. Giá năng lượng tăng cao cũng làm tổn thương các nền kinh tế châu Á, trong đó có Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.
Mới đây, Trung Quốc đã gia hạn lệnh phong tỏa đối với một số quận tại Thành Đô - một trong những thành phố lớn nhất Trung Quốc. Ngoài Thành Đô, các thành phố lớn khác như Thiên Tân, Thạch Gia Trang, Đại Liên và nhiều khu vực ở Thâm Quyến cũng đang siết chặt hạn chế để chống dịch.
"Khả năng giá dầu được duy trì trên mức 90 USD /thùng vào cuối năm nay ngày càng thấp đi", nhà báo Clyde Russell của Reuters nhận định.
"Nếu cố duy trì giá ở mức này bằng cách hạn chế nguồn cung, OPEC+ chỉ đang gây ra một cuộc suy thoái sâu hơn, dài hơn đối với kinh tế toàn cầu", ông nói thêm.