Chưa bao giờ trên thị trường chứng khoán có nhiều nghịch lý đến vậy. Dựa trên các hợp đồng tương lai, có thể thấy các nhà đầu tư đang dự đoán Cục dự trữ liên bang (Fed) sẽ tăng lãi suất vào ngày 3/5, sau đó từ nay đến cuối năm sẽ ngừng tăng, thậm chí cắt giảm lãi suất. Trên thị trường trái phiếu, đường cong lợi suất đảo ngược với lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm thấp hơn kỳ hạn 3 năm – tín hiệu cho thấy suy thoái sắp xảy ra.
Tuy nhiên, thị trường chứng khoán lại rũ bỏ hoàn toàn nỗi sợ suy thoái. Chỉ số S&P 500 đã tăng 14% so với mức đáy lập tháng 10 năm ngoái. Các cổ phiếu công nghệ diễn biến đặc biệt tốt.
Tháng 3, SVB sụp đổ do chính sách tiền tệ bị thắt chặt làm giảm đáng kể danh mục đầu tư trái phiếu của ngân hàng này. Kể từ đó đến nay, dự đoán lãi suất hạ đã đẩy tăng giá trái phiếu. Tuy nhiên các cổ phiếu ngân hàng hồi phục rất chậm chạp, cho thấy các nhà đầu tư vẫn khá bi quan.
Rất khó để đưa ra nhận định trước những tín hiệu trái chiều như vậy. Thông thường, những khoảnh khắc rủi ro nhất trong thế giới tài chính sẽ không xảy đến khi các nhà đầu tư khác nhau có những quan điểm, góc nhìn trái ngược nhau. Thảm họa sẽ đến khi số đông nhà đầu tư có cùng suy nghĩ.
Hãy nhìn vào sự hưng phấn bao quanh các cổ phiếu công nghệ khi bong bóng dot-com dâng lên. Hãy nhớ lại thời kỳ trước thềm khủng hoảng tài chính 2008, khi ảo mộng về làn sóng chứng khoán hóa có thể biến những khoản vay thế chấp đầy rủi ro thành trái phiếu lợi suất cao có ở khắp mọi nơi. Trong mọi trường hợp, sự đồng thuận biến thành nỗi đau mà tất cả mọi người phải gánh chịu.
Theo The Economist, “nỗi đau” của năm 2023 có thể đến từ nguyên nhân tưởng chừng như rất vô lý: 1 nền kinh tế khỏe mạnh và lãi suất neo ở mức cao.
Bắt đầu với vị thế hiện nay của các nhà đầu tư chuyên nghiệp. Hàng tháng Bank of America đều thực hiện các khảo sát lấy ý kiến của các nhà quản lý trên toàn cầu. Theo khảo sát tháng 4, họ đang bi quan nhất từ trước đến nay. Điều này có nghĩa là nếu mọi thứ diễn biến tốt hơn dự báo của họ, nhiều người sẽ phải trả giá vì dự đoán sai.
Tổng cộng các nhà quản lý quỹ đã mua vào lượng trái phiếu nhiều nhất kể từ tháng 3/2009 đến nay, khiến lợi suất giảm xuống. Gần 2/3 nghĩ rằng Fed sẽ hạ lãi suất trong quý IV năm nay hoặc quý I năm sau. Họ cũng đang bán ra cổ phiếu tài chính nhiều nhất kể từ đại dịch. Công thức được nhiều người ưa chuộng nhất là “mua vào cổ phiếu công nghệ” và “bán tháo cổ phiếu ngân hàng Mỹ”.
Dự đoán của các nhà đầu tư chuyên nghiệp sẽ gây ra thiệt hại lớn cho họ nếu như nền kinh tế khỏe mạnh thay vì rơi vào suy thoái và khiến lãi suất vẫn được giữ ở mức cao. Lợi suất trái phiếu tăng sẽ gây áp lực giảm giá trái phiếu và lật đổ tất cả các cú đặt cược rằng Fed sẽ hạ lãi suất.
Mặc dù danh mục đầu tư trái phiếu của các ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng, nền kinh tế tăng trưởng vững chắc và đường cong lợi suất trở lại bình thường thay vì đảo ngược sẽ có ích cho lợi nhuận của các ngân hàng. Cổ phiếu ngân hàng nhờ đó hồi phục. Ngược lại, các công ty công nghệ phải gánh chi phí lãi vay cao hơn.
Các nhà đầu tư cũng như giới phân tích đều nhìn nhận không có nhiều khả năng kịch bản này sẽ xảy ra. Chính Fed cũng dự đoán cuối cùng lãi suất sẽ về khoảng 2,5%. Ngày càng có ít hơn những tiếng nói dự đoán Fed tiếp tục thắt chặt lãi suất. Trên toàn thế giới, lãi suất tăng đã khiến thị trường chứng khoán lao dốc. Nước Anh đối mặt với khủng hoảng nợ trong khi hệ thống ngân hàng Mỹ cũng vừa trải qua sóng gió.
Nền kinh tế vẫn hùng mạnh bất chấp lãi suất tăng cao hơn nữa là điều tốt. Nhưng các nhà hoạch định chính sách cũng có thể duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt kể cả khi tăng trưởng chậm lại, và riêng điều đó cũng khiến nhà đầu tư đau đầu. Dù đã hạ nhiệt, lạm phát vẫn tỏ ra khá cứng đầu. Chủ tịch Fed Jerome Powell đang hạ quyết tâm không lặp lại sai lầm từ bỏ nỗ lực chống lạm phát quá sớm của những năm 1970.
Cũng không phải lãi suất chỉ bị tác động bởi các NHTW. Trong khi các chính trị gia tranh cãi về trần nợ của nước Mỹ, nguy cơ các nhà quản lý tính toán sai và khiến nước Mỹ vỡ nợ, vô tình đẩy tăng chi phí đi vay đang ngày càng tăng lên. Hiện tại đó là 1 nguy cơ có rất ít khả năng xảy ra, nhưng không phải là không thể. Nhà đầu tư vẫn luôn cần chuẩn bị cho mọi tình huống.
Tham khảo The Economist