Thuở bé, Sindile Mavundla thường đi học trên một chiếc xe đạp BMX màu đỏ. Đây là điều hiếm hoi khi đó tại quê nhà anh - khu ngoại ô Khayelitsha của thành phố Cape Town, Nam Phi.
Từ khi còn trẻ, Mavundla đã nhận ra người Nam Phi ít có cơ hội để sử dụng xe đạp làm phương tiện di chuyển. Giờ đây, ở tuổi 33, anh đang cố gắng cải thiện điều này với tư cách “thị trưởng xe đạp” của Cape Town, CNN đưa tin.
Vị trí đặc biệt
Ra đời tại thủ đô Amsterdam (Hà Lan) năm 2016, Mạng lưới Thị trưởng Xe đạp (BYCS) đã có hơn 100 thành viên tới từ khắp thế giới. Trong đó, châu Phi đóng góp 6 thị trưởng - bao gồm Mavundla, hai người từ Nigeria và một người từ Botswana, Kenya và Zimbabwe.
“Công việc của chúng tôi là dõi theo sự phát triển của xe đạp, xác định cách thức cải thiện cơ sở hạ tầng, cũng như trình bày những ý tưởng để giúp thành phố đáng sống hơn - với xe đạp giữ vị trí trung tâm”, Mavundla chia sẻ.
Với “chức danh” thị trưởng xe đạp của Cape Town, Mavundla còn có nhiệm vụ tạo dựng văn hóa đi xe đạp trên khắp Nam Phi. Anh làm việc với các tổ chức phi chính phủ để giúp người dân dễ dàng sử dụng xe đạp làm phương tiện đi lại hàng ngày hơn, giúp việc đạp xe an toàn hơn, cũng như giúp loại phương tiện này có giá thành phải chăng hơn.
Năm 2019, Mavundla khởi động Khaltsha Cycles - cửa hàng xe đạp đã giúp tạo ra một cộng đồng hơn 260 người đạp xe, hầu hết sử dụng loại phương tiện này để đi làm hàng ngày.
Mavundla cũng phối hợp với một tổ chức phi chính phủ nhằm quyên góp 1.220 chiếc xe đạp cho một trường cấp ba tại Cape Town. Hơn 1.200 học sinh ở đây đã được học cách sử dụng xe đạp. Trong đó, 85% đạp xe để tới trường mỗi ngày.
“Trẻ em phải đi bộ tới khoảng 15 km để đến trường. Khi tới nơi, chúng có thể đã mệt. Tuy nhiên, nếu cho chúng xe đạp, bọn trẻ sẽ có điều kiện học hành tốt hơn”, Mavundla nói.
Xe đạp đã ngày càng trở nên phổ biến tại Nam Phi trong những năm qua. Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải là phương tiện phổ biến ở quốc gia này, theo ông Neil Robinson, Giám đốc điều hành một hiệp hội xe đạp tại Cape Town.
Cape Town là nơi tổ chức nhiều sự kiện xe đạp nổi tiếng, bao gồm Cycle Tour - cuộc đua xe đạp tính giờ lớn nhất thế giới. Tuy vậy, trên toàn tỉnh Western Cape - địa phương lấy Cape Town làm thủ phủ - chỉ 1% người dùng xe đạp để di chuyển mỗi ngày.
Để so sánh, tỷ lệ này tại Hà Lan là 28%. Mỗi người Hà Lan sở hữu trung bình 1,3 chiếc xe đạp, gấp nhiều lần con số 0,1 tại Nam Phi.
Mục tiêu tham vọng
Mong muốn của ông Robinson là đưa tỷ lệ người dân Cape Town đạp xe đi làm lên 5% vào năm 2030.
“Người nghèo tại Nam Phi phải chi một số tiền đáng kể cho phương tiện công cộng. Nếu bạn mang xe đạp tới cho họ, cơ hội về kinh tế sẽ được tạo ra”, ông nói.
Ông Robinson cũng chỉ ra một số rào cản mà họ phải vượt qua như tình trạng trộm cắp, cơ sở hạ tầng chưa an toàn, cũng như quan điểm của người dân đối với việc đi xe đạp.
Mavundla cho biết người Nam Phi vẫn coi xe đạp là biểu hiện của thu nhập thấp. Tuy nhiên, quan điểm này đang dần thay đổi.
“Khi tôi còn làm việc cho các công ty, tôi thường mặc vest đi xe đạp. Hình ảnh này đã khiến nhiều người thay đổi quan điểm”, anh kể lại. “Nhiều người bất ngờ khi tôi vẫn chọn đi xe đạp dù có ôtô”.
Lebogang Mokwena, thị trưởng xe đạp đầu tiên của Cape Town, từng khởi động dự án Learn2Cycle tại thành phố để khuyến khích thêm nhiều phụ nữ đi xe đạp. Mavundla đã tiếp tục mở rộng sáng kiến này, giúp hơn 200 phụ nữ học đạp xe.
“Chúng tôi chào đón mọi người, không xét đến sắc tộc, giới tính hay hoàn cảnh kinh tế - xã hội của họ”, Mavundla nói. “Miễn là bạn yêu xe đạp, việc bạn đến từ đâu hay làm gì không quan trọng”.
Zintle Limba, cư dân tại Cape Town, chưa từng đi xe đạp trước khi tham gia một lớp học của Learn2Cycle.
“Ở chỗ tôi, xe đạp là một món hàng xa xỉ”, Limba nói. “Xã hội cho rằng phụ nữ không nên đi xe đạp vì đây không phải phương tiện phù hợp với các quý cô. Tôi nghĩ chúng ta đã vượt qua thời kỳ này rồi”.
Mavundla thừa nhận văn hóa xe đạp tại Nam Phi vẫn chưa phát triển đủ đa dạng, tuy tình hình đã được cải thiện so với khi anh còn là một cậu bé. Nghịch lý là dù bị coi thường khi đóng vai trò phương tiện di chuyển, xe đạp lại được coi là môn thể thao dành riêng cho những người da trắng giàu có.
Tuy nhiên, Mavunda tin rằng điều này đang thay đổi. “Đang có một số ít người da màu tham gia bộ môn này. Tôi nghĩ chúng ta đang tiến từng ly một để đến được đích”, anh hy vọng.