Xe mới khan hàng đã khiến thị trường ôtô Việt Nam xuất hiện xu hướng lạ. Giá xe "lướt" của nhiều mẫu ôtô hút khách đang vượt giá niêm yết khi nhu cầu tăng cao.
Một trong những mẫu xe rơi vào tình trạng khan hàng trầm trọng nhất được ghi nhận trong năm nay là Hyundai Santa Fe. Kể từ giai đoạn đầu năm, khách hàng mua mẫu xe gầm cao 7 chỗ của Hyundai đã phải chấp nhận gia nhập hàng chờ khá dài bởi lượng xe mới từ nhà máy không thể đáp ứng nổi nhu cầu quá cao.
Chênh cả trăm triệu đồng
Khi tìm kiếm mẫu xe này trên các thị trường ôtô thứ cấp, Zing nhận thấy giá Santa Fe “siêu lướt” có giá bán thậm chí còn cao hơn xe mới.
Trên một website chuyên mua bán ôtô đã qua sử dụng, chiếc Hyundai Santa Fe 2.2 Dầu Cao Cấp được rao bán với giá 1,6 tỷ đồng . Khi đặt cạnh mức niêm yết chính hãng 1,34 tỷ đồng , người mua phải chi khoản chênh lệch 260 triệu đồng để tậu chiếc Santa Fe nói trên.
Theo thông tin được cung cấp, mẫu xe đăng bán được sản xuất năm 2022 và chỉ lăn bánh chưa đầy 1.000 km. Như vậy chiếc xe gần như mới hoàn toàn và không có quá nhiều điểm khác biệt so với khi mua trực tiếp từ đại lý.
Tham khảo sàn mua bán ôtô cũ khác, Zing tìm thấy một chiếc Santa Fe bản Dầu Cao cấp đời 2021 được bán với giá gần 1,48 tỷ đồng.
Đáng chú ý, chiếc xe này có ODO lên đến 30.000 km nhưng vẫn được mời chào với giá bán chênh lệch 139 triệu đồng so với các xe Santa Fe mới ngoài đại lý.
Mẫu xe khác rất được ưa chuộng thời gian gần đây là Toyota Raize cũng đang phải chịu cảnh khan hàng. Nhân viên tư vấn của một đại lý Toyota xác nhận khách hàng chỉ có thể đặt cọc và chờ nhận xe mới vào khoảng quý I/2023.
Người này giới thiệu một chiếc Raize màu đỏ được khách cũ sử dụng mới 9 tháng với ODO 13.000 km. Xe được mời chào với giá 630 triệu đồng, kèm theo cam kết đã qua kiểm định và được đảm bảo chất lượng thông qua dịch vụ Toyota Sure chính hãng.
So sánh với giá xe mới được niêm yết chính hãng chỉ 547 triệu đồng, giá của chiếc Toyota Raize màu đỏ kể trên đã chênh lệch 83 triệu đồng.
Đồng hương Kia Seltos của Hyundai Santa Fe cũng là một ví dụ điển hình cho nghịch lý trên thị trường ôtô cũ.
Nằm ngoài đợt điều chỉnh giá bán mới nhất của Thaco, Kia Seltos vẫn duy trì giá niêm yết chính hãng từ 639 triệu đồng đến 759 triệu đồng.
Tuy vậy trên thị trường thứ cấp, giá bán Kia Seltos đã qua sử dụng được ghi nhận nằm ở mức cao hơn so với giá xe mới.
Lấy ví dụ, một chiếc Kia Seltos bản Premium 1.4 AT đời 2021 đã đi 22.000 km được rao bán với giá 780 triệu đồng. Như vậy giá bán Seltos cũ đã cao hơn 21 triệu đồng so với mức đề xuất của hãng.
Với những mẫu xe chạy xăng của VinFast bao gồm Fadil, Lux A2.0 và Lux SA2.0, hãng đã thông báo ngừng sản xuất và kinh doanh từ giữa tháng 7. Người dùng vì thế chỉ có thể đặt cược vận may với các suất chuyển nhượng cọc xe, hoặc tìm đến thị trường xe cũ nếu vẫn có nhu cầu sử dụng xe xăng VinFast.
Trên một website chuyên bán ôtô cũ, xe VinFast Lux A2.0 bản Tiêu chuẩn đời 2021 có ODO 23.000 km được đề giá 740 triệu đồng.
Theo thông tin mà chủ xe giới thiệu, chiếc Lux A2.0 nói trên đã được độ thêm phụ kiện với giá trị lên đến 80 triệu đồng. Như vậy sau khi trừ các phụ kiện được bổ sung, chiếc sedan sản xuất năm 2021 vẫn sở hữu giá bán lên đến 660 triệu đồng dù đã lăn bánh được hơn 20.000 km.
Trong khi đó nhờ chính sách voucher được áp dụng, giá xe Lux A2.0 mới có lúc chỉ còn khoảng 655-877 triệu đồng (với khách đã sở hữu sẵn 3 voucher có tổng trị giá 600 triệu đồng).
Ngoài ra, Hyundai Tucson, Toyota Fortuner hay Ford Everest cũng là những mẫu xe góp phần tạo nên nghịch lý trên thị trường ôtô hiện nay.
Người tiêu dùng băn khoăn
Chị Phương Hiền (TP.HCM) băn khoăn trước hiện trạng giá xe cũ cao hơn giá bán ngoài đại lý.
“Khi đã tìm đến xe cũ, người mua luôn kỳ vọng nhận được giá bán thấp hơn. Thực tế thì chẳng ai muốn chi một khoản tiền bằng hoặc cao hơn giá xe mới để nhận về chiếc xe đã qua sử dụng”, chị Phương Hiền nêu ý kiến.
Chị Hiền cho biết vẫn đang chờ được giao xe Kia Sportage. Một vài người quen biết của chị trong hội Sportage do mất kiên nhẫn nên đã rút cọc và chuyển sang mua các mẫu xe cũ có giá tương đương hoặc cao hơn chiếc xe mới định mua.
Trong khi đó anh Trường Giang (Đồng Nai) cho rằng trong tình hình hiện nay, có thể nhìn nhận khoản tiền chênh lệch như chi phí phải trả để được nhận xe sớm.
“Khi mua ôtô đã qua sử dụng, tôi có lợi thế là được nhận xe ngay. Mặc dù giá cao hơn nhưng sẽ không bị cảm giác bị bắt ép mua ‘lạc’ để được nhận xe sớm”, anh Giang hóm hỉnh.
Tuy vậy anh Giang cho biết vẫn còn đang phân vân trước hai lựa chọn, đợi giao xe mới hay chấp nhận mua xe cũ giá cao.
Bên cạnh đó, chi phí trước bạ 2% giá trị xe cùng các khoản tiền để hoàn tất thủ tục sang tên cũng khiến không ít người mua ngần ngại, thậm chí chấp nhận chạy xe không chính chủ.
Giả sử trong trường hợp mua ôtô cũ với giá 600 triệu đồng từ chủ xe cùng địa phương, khoản tiền phải chi trả cho thủ tục sang tên bao gồm 12 triệu đồng phí trước bạ và 30.000 đồng lệ phí thủ tục cấp đổi giấy đăng ký xe. Trên thực tế, không phải chủ xe nào cũng chấp nhận hỗ trợ khoản này cho người mua lại ôtô đã qua sử dụng.
Trong quý II, nền tảng Chợ Tốt Xe ghi nhận giá bán các dòng xe đã qua sử dụng đã tăng từ 1-22%.
Con số này được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trong giai đoạn quý III khi tình trạng xe mới lẫn cũ đang dần trở nên khan hiếm.
Ngoài ra, lượng xe mới rao bán trên Chợ Tốt Xe cũng được ghi nhận giảm hơn 8,2%, trong khi nhóm xe cũ có ODO từ 5.000 tới 35.000 km được rao bán trong năm 2022 đã tăng 3% so với cùng kỳ 2020.