Khi nói đến việc mua sắm quá độ, nhiều người thường nói về những sai lầm trong quản lý chi tiêu. Tuy nhiên ở một số cá nhân, nguyên nhân đằng sau thói quen "vung tiền" còn phức tạp hơn thế.
Cụ thể, chứng nghiện mua sắm là một trong những nguyên nhân có thể khiến chúng ta tiêu hoang.
Hơn cả một vấn đề tài chính cá nhân, nó còn mang những triệu chứng của rối loạn hành vi hay cảm xúc.
Chia sẻ với Zing, Ngô Thùy Trang - Quản lý Nội dung Đào tạo Chương trình Tâm lý học Thiết yếu, Minerva Education - nói về nghiện mua sắm và cách một người có thể tìm sự giúp đỡ/được giúp đỡ nếu rơi vào tình trạng này.
Vì sao chúng ta mua không kiểm soát?
Thực ra, ham mê mua sắm không hẳn là một chứng nghiện theo nghĩa đen. Theo Verywell Mind, hiện nó không nằm trong Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần của Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ (APA).
"Nghiện mua sắm hay mua sắm cưỡng chế (compulsive shopping) có những triệu chứng tương tự với nghiện chất. Tuy nhiên, vì chưa có đủ bằng chứng từ Tâm lý học Thần kinh, nó không được xếp vào nhóm các rối loạn nghiện ngập", Ngô Thùy Trang nói.
Cô cũng cho biết hiện tượng này thường đến từ sự không hài lòng và chán nản với cuộc sống hiện tại.
Sự không hài lòng đó có thể đến từ các hệ quả của văn hóa tiêu thụ hoặc nỗi sợ mang tính thế hệ.
Thứ nhất, dưới ảnh hưởng của truyền thông và vòng tròn mối liên hệ, không ít người cảm thấy mình cần nhiều hơn những gì đang có để hạnh phúc và khẳng định giá trị.
Thứ hai, khi nghèo đói, khổ cực đã đeo bám nhiều thế hệ sau chiến tranh, chúng có thể khiến một vài người luôn trong trạng thái lo sợ, thiếu thỏa lòng với tài sản của mình.
Ngoài ra, sự buồn chán trong cuộc sống nói chung và stress trong giai đoạn giãn cách xã hội nói riêng cũng dễ làm người trẻ sa vào mua sắm vô độ.
Hành vi tiêu tiền góp phần tạo chất dẫn truyền thần kinh hưng phấn, vì vậy hoàn toàn có khả năng gây nghiện nếu chúng ta không thực sự để tâm đến thói quen của mình.
Làm sao tôi biết mình đã nghiện shopping?
Một báo cáo về rối loạn mua sắm cưỡng chế trên NIH nói rằng, người nghiện mua hàng có xu hướng bị kích thích bởi ham muốn sở hữu không thể chế ngự, bất kể những hậu quả tiêu cực như "cháy túi" hay mâu thuẫn với người khác.
Một số đặc điểm phổ biến gồm:
- Khó ngừng việc mua hàng không cần thiết.
- Hay gặp khó khăn về tài chính bởi chi tiền thiếu tính toán.
- Dành rất nhiều thời gian nghiên cứu item yêu thích, đa phần chúng là những mặt hàng không thiết yếu.
- Dễ xảy ra xung đột liên quan đến vấn đề mua hàng ở nơi làm việc, trường học hay gia đình
"Mua sắm bốc đồng (impulsive buying) là hành vi mua mà không có kế hoạch, mua kiểu 'ngẫu hứng' là chính. Nhưng từ trước đến nay, hầu hết nghiên cứu về compulsive buying cho thấy đây có thể là biểu hiện của rối loạn cảm xúc, hành vi hay rối loạn tính cách", Ngô Thùy Trang nói với Zing.
Theo cô, điểm khác biệt lớn nhất giữa mua sắm bình thường và bất thường là:
- Sự vui thích không nằm ở món đồ được mua mà ở bản thân hành động mua sắm.
- Liên tục mất kiểm soát trong chi tiêu.
- Người mua cảm thấy bứt rứt, khó chịu khi bị cản trở
Khắc phục thói quen này như thế nào?
Có nhiều cách để một người chủ động cải thiện hành vi, cụ thể là phân biệt rõ giữa thứ mình cần và thứ mình muốn.
Ngô Thùy Trang chia sẻ: "Trước khi mua một món đồ, bạn có thể dành một vài ngày quan sát sự thay đổi trong cảm xúc của mình. Với những món đắt tiền, thời gian trì hoãn nên được kéo dài hơn".
Dừng lại, suy nghĩ kỹ lưỡng rồi mới quyết định bỏ tiền là phương pháp cũ nhưng luôn hiệu quả với người nghiện mua sắm.
Bên cạnh đó, khi việc mua hàng bắt đầu ảnh hưởng nghiệm trọng tới cuộc sống hàng ngày, tốt nhất là bạn tìm đến sự hỗ trợ của chuyên viên tham vấn tâm lý hoặc bác sĩ tâm thần để được đánh giá và điều chỉnh kịp thời.
Trong trường hợp ở cạnh ai đó có biểu hiện "mua bất chấp", thay vì phán xét, bạn có thể thăm hỏi tình hình hiện tại của họ, lắng nghe điều họ bận tâm và cùng họ tham gia những hoạt động làm giàu đời sống tinh thần.
Bước vào mùa mua sắm cuối năm, việc hiểu và làm chủ cách bản thân tiêu xài sẽ giúp bạn hạn chế lãng phí, tiêu dùng thông minh và giữ túi tiền cho những mục tiêu thiết thực trong tương lai.