Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (28/6), khi thị trường không thể giữ được sự phục hồi khỏi những mức thấp trong xu hướng thị trường đầu cơ giá xuống. Giá dầu có phiên tăng thứ ba liên tiếp do lo ngại vùng Vịnh không thể tăng sản lượng nhiều và Mỹ cùng châu Âu cân nhắc áp trần giá lên dầu Nga.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 491,27 điểm, tương đương giảm 1,56%, còn 30.946,99 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 2,01%, còn 3.821,55 điểm. Chỉ số Nasdaq tụt 3%, còn 11.181,54 điểm.
Trong phiên, có lúc Dow Jones tăng 1,4%; S&P 500 và Nasdaq tăng tương ứng 1,2% và 1%. Tuy nhiên, các chỉ số không giữ được sắc xanh sau khi thị trường đón nhận những dữ liệu kinh tế gây thất vọng.
Theo tổ chức nghiên cứu The Conference Board, chỉ số niềm tin của người tiêu dùng Mỹ sụt giảm còn 98,7 điểm trong tháng 6, từ mức 103,2 điểm trong tháng 5 và thấp hơn nhiều so với mức dự báo 100 điểm mà giới phân tích đưa ra trước đó. Dữ liệu này được đưa ra trong bối cảnh mối lo kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái đã tăng lên khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết liệt tăng lãi suất để chống lạm phát.
Conference Board cũng cho biết kỳ vọng lạm phát 12 tháng tới của người tiêu dùng tham gia cuộc khảo sát tháng 6 là 8%, mức cao nhất kể từ khi dữ liệu bắt đầu được ghi nhận vào tháng 8/1987.
“Nền kinh tế đang ở vào thời điểm bắt đầu của những thay đổi lớn, khi chi tiêu và các hoạt động kinh tế vẫn tăng trưởng nhưng niềm tin của người tiêu dùng và các điều kiện tài chính, nhất là lãi suất, đang chỉ báo sự giảm tốc sắp tới”, Giám đốc đầu tư Chris Zaccarelli của Advisor Alliance nhận định. “Nếu chúng ta tránh được suy thoái, thì thị trường chứng khoán đã giảm về mức định giá hợp lý. Nhưng nếu nền kinh tế rơi vào suy thoái, thì thị trường vẫn còn chưa đến đáy của năm nay".
Chứng khoán Mỹ đã giảm điểm nhẹ trong phiên ngày thứ Hai, khi nhà đầu tư vừa tiếp tục dò đáy vừa hy vọng sự phục hồi của tuần trước sẽ duy trì. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, chưa xuất hiện một chất xúc tác rõ ràng nào để sự phục hồi có thể diễn ra bền vững.
“Một công việc khó khăn là đánh giá sự khác biệt giữa sự phục hồi mang tính giải toả trong xu hướng giá xuống với sự khởi đầu của một đợt phục hồi bền vững hơn”, nhà phân tích kỹ thuật Chris Verrone của Strategas phát biểu. “Mức phục hồi của thị trường trong tuần trước là ấn tượng, nhưng chưa có một dấu hiệu nào cho thấy một sự cải thiện vững chắc từ bên trong hay có sự dẫn dắt”.
Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London tăng 1,19 USD/thùng, tương đương tăng gần 1%, chốt ở 116,28 USD/thùng. Giá dầu thô WTI giao sau tại New York tăng 0,96 USD/thùng, tương đương tăng 0,9%, chốt ở 110,53 USD/thùng. Giá cả hai loại dầu đã tăng gần 2% trong phiên ngày thứ Hai.
Kết thúc cuộc gặp thượng đỉnh ở Đức, các nhà lãnh đạo nhóm 7 nền công nghiệp phát triển (G7) cho biết sẽ xem xét để đưa ra một lệnh cấm vận chuyển những thùng dầu Nga được bán với giá cao hơn một mức nhất định. Biện pháp này nhằm gia tăng sức ép đối với Nga liên quan đến cuộc chiến tranh Nga-Ukraine. Theo báo cáo tháng 6 của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), kim ngạch xuất khẩu dầu thô của Nga tăng trong tháng 5, cho dù khối lượng giảm.
Trong khi đó, Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) được cho là hai quốc gia duy nhất trong Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) còn công suất khai thác dầu dự trữ để bù đắp cho sự mất mát nguồn cung từ Nga và sản lượng suy yếu từ các thành viên khác.
“Loạt tin tức về sự thắt chặt của nguồn cung dầu đang củng cố sức mạnh cho thị trường. Hai nước sản xuất dầu lớn là Saudi Arabia và UAE cũng được cho là đang ở rất gần mức tối đa của công suất khai thác dầu”, nhà phân tích Tobin Gorey của Commonwealth Bank nhận định.
Diễn biến giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London từ đầu năm đến nay. Đơn vị: USD/thùng - Nguồn: TradingView.
Tại thượng đỉnh G7, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói với Tổng thống Mỹ Joe Biden rằng UAE đang khai thác dầu ở công suất tối đa, còn Saudi Arabia chỉ có thể tăng sản lượng thêm 150.000 thùng/ngày – ít hơn nhiều so với công suất dự trữ được cho là 2 triệu thùng/ngày.
Hôm thứ Hai, Bộ trưởng Bộ Năng lượng UAE Suhai al-Mazrouei nói rằng nước này đang khai thác dầu ở mức gần công suất tối đa, dựa trên hạn ngạch sản lượng 3,168 triệu thùng/ngày theo thoả thuận với OPEC và các nước đồng minh, tức nhóm OPEC+.
Giới phân tích cũng nói rằng bất ổn chính trị ở Ecuador và Libya có thể khiến nguồn cung dầu thắt chặt hơn nữa.
Trên thị trường tiền ảo, Bitcoin duy trì mốc 20.000 USD. Lúc gần 8h sáng nay (29/6) theo giờ Việt Nam, giá Bitcoin theo dữ liệu từ trang Coinmarketcap.com đứng ở 20.282 USD, giảm hơn 2% so với cách đó 24 tiếng. Tổng vốn hoá của thị trường tiền ảo toàn cầu đang ở mức hơn 908 tỷ USD, giảm hơn 2 nghìn tỷ USD so với thời điểm giá Bitcoin lập kỷ lục gần 69.000 USD vào tháng 11 năm ngoái.