Mới đây, Knight Frank đã công bố báo cáo về giới siêu giàu, trình bày chi tiết về tỷ lệ phân bổ tài sản của các cá nhân giàu có. Nhà môi giới có trụ sở tại London đã khảo sát hơn 500 nhân viên ngân hàng tư nhân, cố vấn tài chính và các văn phòng gia đình quản lý khối tài sản hơn 2,5 nghìn tỷ USD
Báo cáo cho thấy những người giàu nhất thế giới đầu tư vào các bộ sưu tập nghệ thuật cho đến tiền số và NFT để lưu trữ tài sản, ngoài bất động sản là loại hình đầu tư được ưa chuộng nhất.
Vốn cổ phần (26%)
Khảo sát của Knight Frank cho thấy 26% danh mục đầu tư của những người giàu nhất thế giới được phân bổ cho cổ phiếu, cổ phần trong các doanh nghiệp. Tại châu Mỹ, tỷ lệ này lên tới 1/3.
Điển hình là vào năm 2022, Berkshire Hathaway của tỷ phú Warren Buffett đã chi kỷ lục 68 tỷ USD để đầu tư cổ phiếu khi thị trường hồi phục, tập đoàn tiết lộ trong báo cáo kinh doanh mới nhất.
Bất động sản thương mại (34%)
Nhìn chung, bất động sản thương mại chiếm phần lớn trong danh mục đầu tư của giới siêu giàu, nhiều hơn vốn cổ phần. Tuy nhiên, Knight Frank lại chia thành 2 hình thức đầu tư là trực tiếp và gián tiếp.
Trung bình, các cá nhân giàu có phân bổ 21% danh mục cho bất động sản thương mại đầu tư trực tiếp, trong 13% được đầu tư thông qua các khoản vay nợ hoặc quỹ uỷ thác đầu tư bất động sản (REIT).
43% số người được hỏi cho biết khách hàng của họ hiện đang đầu tư vào các toà nhà văn phòng - loại bất động sản thương mại phổ biến nhất, trong khi bất động sản có mục đích phát triển dịch vụ y tế có tỷ trọng là 35%.
Ngoài ra, các yếu tố về môi trường cũng ảnh hưởng đến cách người giàu lựa chọn các phân khúc bất động sản để đầu tư, với 57% nói rằng khách hàng của họ cân nhắc liệu bất động sản đó có nguồn năng lượng xanh hay không.
Trái phiếu (17%)
Trái phiếu, thường được phát hành bởi các chính phủ hoặc doanh nghiệp, từ lâu đã là loại tài sản phổ biến. Các nhà phát hành sẽ trả lãi và gốc cho trái chủ theo thời gian đáo hạn đã định, thường là 1 năm đến 30 năm.
BlackRock, nhà quản lý tài sản lớn nhất thế giới, gần đây cho biết các nhà đầu tư nên đổ tiền vào trái phiếu trong bối cảnh lãi suất tiếp tục leo thang.
Vốn đầu tư mạo hiểm (9%)
Đây là khoản đầu tư vào các doanh nghiệp chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán, có nghĩa là mức độ rủi ro lớn hơn song công ty đó lại có tiềm năng tăng trưởng cao. Và đối với những người giàu nhất thế giới, trung bình họ phân bổ cho hạng mục này 9% trong danh mục.
Trên chương trình “Shark Tank”, các doanh nhân vẫn cạnh tranh để được tham gia vào hoạt động kinh doanh, cũng như hỗ trợ các startup. Ví dụ, Peter Thiel là nhà đầu tư thiên thần đầu tiên của Facebook vào năm 2004, 500.000 USD của ông đã trở thành 638 triệu USD khi công ty này “lên sàn” vào 8 năm sau đó.
Đầu tư vào đam mê (5%)
Đầu tư theo sở thích là những thứ như tác phẩm nghệ thuật, ô tô hay rượu vang, có thể giúp người giàu thưởng thức hoặc chỉ đơn giản là một khoản đầu tư.
59% trả lời khảo sát của Knight Frank rằng khách hàng của họ có thể sẽ mua các tác phẩm nghệ thuật trong năm nay. Đồng hồ và rượu vang là những thứ cũng phổ biến, trong khi 1/3 khách hàng muốn mua ô tô cổ. 20% đã đầu tư vào thị trường túi xách xa xỉ.
Năm 2017, bức tranh “Salvator Mundi” của Leonardo da Vinci đã trở thành bức tranh đắt nhất từng được bán với giá 450,3 triệu USD.
Vàng (3%)
Nhìn chung, người giàu “cất giữ” 3% tiền vào vàng. Trên thực tế, họ coi đây là loại tài sản an toàn thứ 2 sau bất động sản.
Nhà phân tích tài chính James Jason của nền tảng giao dịch hàng hoá Mitrade từng nói rằng trong thời kỳ suy thoái kinh tế, từ Đại suy thoái đến Covid-19, vàng đều tăng giá trị.
Sau khi mâu thuẫn Nga - Ukraine nổ ra vào tháng 2 năm ngoái, nhu cầu với vàng của Ukraine đã tăng gần gấp 5 lần so với năm trước, theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC).
Tiền số (2%)
Người giàu thế giới coi tiền số là khoản đầu tư dễ biến động nhất nhưng vẫn chiếm 2% trong danh mục. Năm ngoái, 18% người tham gia khảo sát cho biết họ sở hữu một số loại tiền số.
Trong khi 34% tin rằng thị trường NFT có nhiều tiềm năng, thì 20% lại thay đổi suy nghĩ sau đợt lao dốc của tiền số. Sau vụ FTX sụp đổ vào tháng 11 năm ngoái, các cơ quan quản lý trên toàn cầu đã tìm cách để bảo vệ các nhà đầu tư hiệu quả hơn.