Giới chuyên gia kinh tế bước sang năm 2023 bằng một cuộc thảo luận sôi nổi về việc liệu các đợt tăng lãi suất liên tiếp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ khiến nền kinh tế vốn dĩ đang trụ khá vững của nước này hạ cánh cứng hay mềm.
Hạ cánh cứng là kịch bản mà ở đó nền kinh tế sụt tốc mạnh, thậm chí rơi vào suy thoái để đổi lấy sự xuống thang của lạm phát. Ngược lại, hạ cánh mềm là khi lạm phát được khống chế như mong muốn của Fed, nhưng tăng trưởng chỉ giảm nhẹ.
Tuy nhiên, số liệu mạnh bất ngờ về tuyển dụng và tiêu dùng trong tháng 1 - cộng thêm những dấu hiệu cho thấy nhu cầu ô tô và nhà cửa có thể đang ổn định trở lại sau một đợt giảm mạnh - giờ đây đang khiến một số nhà kinh tế học tính đến một kịch bản thứ ba. Đây là một kịch bản được xem như điều “không tưởng” ở thời điểm chỉ vài tuần trước: nền kinh tế tăng tốc – theo tờ Wall Street Journal.
Hạ cánh cứng, hạ cánh mềm hay không hạ cánh?
“Kịch bản ‘không hạ cánh’ là một hiện thực ở thời điểm này”, nhà kinh tế học Neil Dutta của Renaissance Macro nhận định. Dù nhiều quan chức Fed vẫn dự báo nền kinh tế giảm tốc trong năm nay, ông Dutta nhận thấy “một sự miễn cưỡng rõ ràng để thừa nhận điều hiển nhiên rằng nền kinh tế đang tăng tốc trở lại”.
Trong chiến dịch tăng lãi suất này, Fed đã có 8 đợt nâng với tổng mức tăng 4,5%, đưa lãi suất quỹ liên bang (fed funds rate lên 4,5-4,75%. Đây là chiến dịch thắt chặt mạnh tay nhất của Fed từ thập niên 1980 và được nhiều chuyên gia kinh tế dự báo sẽ “hãm phanh” hoạt động đầu tư và tuyển dụng trong nền kinh tế.
Tuy nhiên, thị trường lao động của Mỹ vẫn trụ vững, với số lượng ấn tượng việc làm mới được tạo ra hàng tháng. Số liệu mới nhất từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy trong tháng 1, khu vực phi nông nghiệp của nền kinh tế có 517.000 công việc mới và tỷ lệ thất nghiệp giảm còn 3,4%. Số lượng việc làm cần tuyển người đã tăng trong tháng 12.
Những thống kê này khiến các nhà dự báo bị sốc vì một vài dữ liệu trước đó cho thấy lãi suất tăng có vẻ bắt đầu khiến hoạt động tuyển dụng chững lại – theo chuyên gia kinh tế trưởng tại Mỹ của Barclays, ông Marc Giannoni. Vị chuyên gia cho rằng số liệu mới nhất cho thấy chính sách của Fed “đã giảm tác dụng nhiều hơn so với dự kiến trong việc kìm hãm nhu cầu lao động”.
Đối với Fed, mối lo ở đây là các công ty có thể làm được việc đẩy sự leo thang của vật giá về phía người tiêu dùng bởi thu nhập của các hộ gia đình tăng lên. Cùng với đó, khi tiêu dùng dịch chuyển từ hàng hoá sang dịch vụ - lĩnh vực sử dụng nhiều nhân công, nhu cầu lao động của nhà tuyển dụng sẽ tiếp tục tăng. Tiền lương tính theo tuần của người lao động Mỹ đã tăng 1,5% trong tháng 1 và tăng 8,5% trong vòng 12 tháng - một dấu hiệu cho thấy hoạt động tăng tốc của các nhà máy.
Các nhà kinh tế học của ngân hàng Goldman Sachs gần đây dự báo khả năng 25% kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái trong 12 tháng tới, giảm từ mức 35% trước đó. Goldman Sachs cũng cho rằng lạm phát ở Mỹ sẽ giảm còn 3% trong năm nay và tỷ lệ thất nghiệp chỉ tăng nhẹ lên 4% nếu nền kinh tế tăng trưởng với tốc độ thấp hơn xu hướng tăng trưởng dài hạn là khoảng 2%.
“Nếu tăng trưởng tăng tốc lên bằng xu hướng hoặc trên xu hướng, điều mà tôi nghĩ chưa xảy ra vào thời điểm này, thì rất khó để lạm phát giảm về gần mức 2% để nền kinh tế hạ cánh mềm”, chuyên gia kinh tế trưởng Jan Hatzius của Goldman Sachs phát biểu.
Nếu nền kinh tế tăng tốc, Fed sẽ phải tăng lãi suất nhiều hơn để kéo lạm phát về mục tiêu 2% trong vài năm tới. “Theo quan điểm của chúng tôi, ‘không hạ cánh’ chỉ là vấn đề mà hạ cánh cứng hoặc mềm phải đợi thêm một thời gian để xảy ra”, chuyên gia kinh tế trưởng về Mỹ của Morgan Stanley, bà Ellen Zentner, nhận định trong một báo cáo mới ra.
Trưởng nghiên cứu kinh tế toàn cầu của Bank of America, ông Ethan Harris, bày tỏ sự hoài nghi sâu sắc về việc lạm phát sẽ giảm nếu nền kinh tế tăng tốc. Ông cho rằng trong trường hợp nền kinh tế “không hạ cánh”, sẽ mất nhiều thời gian hơn để khiến thị trường lao động hạ nhiệt.
Lãi suất sẽ tăng cao hơn và giữ ở đỉnh lâu hơn
Dù vậy, vẫn có nhiều chuyên gia kinh tế dự báo suy thoái. Một số nói Fed đã tăng lãi suất quá nhanh nên nền kinh tế chưa có đủ thời gian để phản ánh hết hiệu ứng của việc thắt chặt. Trong chiến dịch thắt chặt gần đây nhất của Fed bắt đầu vào đầu năm 2006, phải mất tới 1 năm rưỡi sau đó thị trường việc làm mới suy yếu.
“Tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp sẽ tiếp tục đương đầu với áp lực giảm”, chuyên gia kinh tế trưởng về Mỹ của Nationwide, bà Kathy Bostjancic, nhận định và dự báo một cuộc suy thoái vừa sẽ xảy đến vào khoảng giữa năm nay, khi lợi nhuận giảm buộc các công ty cắt giảm việc làm.
Chuyên gia Giannoni của Barclays hiện dự báo suy thoái sẽ bắt đầu trước mùa thu năm nay, thay vì trước mùa hè như dự báo trước đó. Ông cho rằng Fed sẽ nâng lãi suất với bước nhảy 0,5 điểm phần trăm trong 3 cuộc họp tiếp theo, vào các tháng 3, 5 và 6 – đưa lãi suất cực đại lên ngưỡng 5,5%, cao nhất kể từ năm 2001.
Trên thị trường tương lai, các nhà giao dịch đang đặt cược khả năng 90% Fed sẽ nâng lãi suất lên trên mức 5% trước tháng 6 năm nay, từ khả năng 45% cách đây 1 tháng – theo dữ liệu từ CME Group. Khả năng lãi suất duy trì ở mức cực đại cho tới hết năm nay là 45%, tăng từ mức 3% cách đây 1 tháng.
Ngoài sự vững vàng của thị trường lao động và tiêu dùng ở Mỹ, các nhà hoạch định chính sách tiền tệ nước này còn đang đối mặt với sự khởi sắc của tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Kinh tế châu Âu có vẻ đã vượt qua được những kịch bản xấu nhất mà ở đó giá năng lượng cao ngất ngưởng đẩy khu vực rơi vào suy thoái. Trung Quốc đã từ bỏ chính sách Zero Covid và nền kinh tế cũng đang khởi sắc nhanh chóng. Tất cả những yếu tố này đều có thể đẩy nhu cầu lên cao, khiến cuộc chiến chống lạm phát của Fed gặp khó khăn.