Thống kê từ Chứng khoán KIS cho thấy, trong tuần giao dịch vừa qua, Đông Nam Á thu hút dòng vốn trong tuần trước, ghi nhận ở mức 18 triệu USD.
Cụ thể, lực cầu đã quay trở lại trên các ETFs chủ đạo tại Indonesia (10 triệu USD), Singapore (5 triệu USD), và Việt Nam (9 triệu USD). Tuy nhiên, áp lực rút vốn vẫn duy trì tại Philippines khi quốc gia này bị rút ròng 6 triệu USD.
Dòng vốn đã quay trở lại tại Việt Nam trong tuần trước, ghi nhận ở mức 9 triệu USD, tăng 80% so với tuần trước đó. Tuy nhiên lực cầu trên các ETF chủ đạo vẫn ở mức thấp và không ổn định. Mặc dù Việt Nam thu hút dòng vốn nhưng lực cầu chỉ tập trung trên Fubon ETF trong khi các ETFs chủ đạo khác tiếp tục bị rút vốn.
Đáng chú ý, các ETFs đóng góp tích cực cho hoạt động hút vốn 6 tháng vừa qua đã bắt đầu bị rút vốn hoặc lực cầu đã giảm mạnh trong tuần trước, ví dụ như VFMVN Diamond bị rút 2,7 triệu USD , VNFin Lead, VFMVN30 ETF bị rút 4,1 triệu USD, và KIM Growth VN30 ETF bị rút nhẹ 0,9 triệu USD; SSIAM VNFIN LEAD cũng bị rút 1,2 triệu USD, MAFM VN30 ETF bị rút nhẹ 0,3 triệu USD.
Trong trường hợp này, dòng vốn vào Việt Nam vẫn chưa có dấu hiệu ổn định trở lại và áp lực rút vốn vẫn có thể xuất hiện trong những tuần kế tiếp.
Tính riêng khối ngoại, lực cầu ngoại quay trở lại và tiếp tục chiếm ưu thế, áp lực bán vẫn duy trì quanh mức trung bình 3 tuần (5.300 tỷ đồng). Giá trị mua ròng là 2.300 tỷ đồng, cao nhất trong 2 tháng vừa qua.
Cụ thể, lực cầu ngoại đã quay trở lại trên lĩnh vực Bất động sản khi VRE, VHM, và NVL được mua ròng ở cường độ cao. Ngoài ra, hoạt động mua ròng tiếp tục duy trì trên lĩnh vực Tài chính và Nguyên vật liệu, tập trung trên SSI, SHB, VND, HSG, và DCM. Ở chiều ngược lại, lĩnh vực Năng lượng bị bán ròng nhiều nhất khi áp lực bán từ khối ngoại tập trung phần lớn trên PLX.