Tại khu vực biển Cửa Sót xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà (tỉnh Hà Tĩnh), những ngày này tấp nập tàu thuyền của bà con ngư dân ở các tỉnh Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Nghệ An cập cảng cá Cửa Sót. Ngư dân trúng đậm hàng tấn cá cơm các loại và được các thương lái chờ thu mua ngay tại bến cảng.
Đây là một tín hiệu vui cho mùa khai thác hải sản năm nay của ngư dân các tỉnh miền Trung. Tại bến cảng Cửa Sót tấp nập tàu thuyền cập bến, trên bờ tấp nập kẻ bán người mua và lao động sơ chế cá. Chỉ tính riêng lực lượng lao động trên bờ có hôm cũng gần cả trăm người, trong đó chủ yếu là phụ nữ tham gia gánh cá và sơ chế cá cho các cơ sở chế biến.
Cửa Sót là cảng cá lớn nhất của tỉnh Hà Tĩnh. Hàng ngày có khoảng vài chục thuyền chở theo hàng trăm tấn cá cơm cập cảng. Theo các thương lái, giá cá cơm hiện từ 15.000 - 20.000 đồng/kg.
Theo các ngư dân nơi đây, mỗi ngày có khoảng trên 40 tàu cá công suất trên 90CV về neo đậu với khoang đầy ắp cá cơm. Ngư dân bỏ cá vào trong các khay nhựa, chia mỗi nhóm hai người hợp sức đặt lên thang sắt dài hơn 3m để vận chuyển lên bờ.
Ngư dân Nguyễn Hồng Sơn (quê ở Nghệ An) cho biết, do thời tiết thuận lợi, vùng biển cách cảng cá Cửa Sót từ 15 - 40 hải lý xuất hiện rất nhiều luồng cá cơm.
Sau gần 3 ngày đánh bắt trên biển, tàu cập cảng với hàng tấn cá cơm, bán cho thương lái với giá dao động 15.000-20.000 đồng/kg, tùy loại. Ngoài cá cơm, tàu của ông Sơn còn đánh bắt được mực và một số hải sản khác.
Sau khi trừ chi phí, tàu của ngư dân Nguyễn Hồng Sơn thu về hàng chục triệu đồng mỗi chuyến. Việc trúng đậm luồng cá khiến ông và thuyền viên rất phấn khởi.
"Sau khi bán hết cá, chúng tôi lại chuẩn bị xăng dầu, nhu yếu phẩm để ra khơi đánh bắt tiếp", ông Sơn hào hứng.
Theo các ngư dân tại bến cảng cá Cửa Sót, sau khi các tàu cá chở cá cơm vào bờ đều được các thương lái đến thu mua hết. Ngoài ra, người dân địa phương cũng đến thu mua cá để đưa về bán ở chợ trong tỉnh. Sau đó, cá cơm sẽ được ướp đá lạnh và vận chuyển đến các cơ sở chế biến hoặc các chợ đầu mối để tiêu thụ. Đối với những thương lái thu mua số lượng lớn còn huy động thêm các ô tô tải đến vận chuyển đi sang các tỉnh khác tiêu thụ…
Cũng theo các ngư dân, cá cơm sau khi khai thác được bảo quản bằng muối hột và nước đá, bỏ vào khoang tàu cho đến khi tàu cập bến, thường khoảng 2-3 ngày, có khi lâu hơn vì khai thác trúng luồng cá. Với những tàu loại nhỏ, khai thác gần bờ thì mang sản phẩm vào bờ trong ngày.
Bà Trần Thị Hoa (50 tuổi) ở huyện Can Lộc cho biết, loại cá này rất được khách chuộng, nên năm nào vào dịp này bà mua rất nhiều để trữ hàng bán cho khách. "Gần cả tuần nay, mỗi hôm tôi mua được 500-700kg. Có hôm may mắn gom gần một tấn, phải huy động ba người lái xe máy đến chở cá về", bà Hoa nói.
Ngoài nhập cho thương lái, nhiều ngư dân mang cá về nhà cất trữ làm thực phẩm, hoặc đi bán lẻ tại các chợ trên địa bàn, nhập cho chủ cửa hàng đông lạnh với giá cao hơn 2.000-4.000 đồng/kg so với bán tại cảng.
Ban quản lý các cảng cá Hà Tĩnh cho biết, cả tuần nay thời tiết thuận lợi, mỗi chuyến ra khơi đánh bắt cá cơm, trung bình một tàu thu về khoảng 35 triệu đồng. Với 8-10 lao động, mỗi người nhận 2 triệu đồng tiền công, sau khi trừ phí nhân công, nhiên liệu, khấu hao ngư cụ, chủ tàu lãi hơn 10 triệu đồng. Những tàu công suất lớn, đông nhân lực, có thể thu hơn 70 triệu đồng khi trúng đậm 5-7 tấn cá cơm, trừ chi phí lời gần 50 triệu đồng.
Không chỉ dân khai thác hồ hởi mà ngay cả những người lao động nhàn rỗi cũng có thêm nguồn thu ổn định vào thời điểm cá cơm trúng đậm.