Ảnh: Virtual Humans

Xu hướng

'Người ảo' trong tiếp thị giải trí: lợi hay hại?

Từ Ai-Ailynn của Thái Lan đến Rae của Singapore và Ayayi của Trung Quốc, những "người ảo kỹ thuật số" đang giành được những hợp đồng thương hiệu béo bở và cực kỳ nổi tiếng với cư dân mạng trong khu vực…

Thế giới ảo - hay metaverse - vẫn đang là một chủ đề nóng, đặc biệt kể từ khi đại dịch khiến mọi người gia tăng sử dụng công nghệ để tương tác kỹ thuật số. Theo Công ty dữ liệu thị trường và người tiêu dùng Statista, thị trường toàn cầu về thực tế tăng cường (AR) và thực tế ảo (VR) ước tính đã đạt quy mô 30,7 tỷ USD vào năm ngoái, dự sẽ đạt gần 300 tỷ USD vào năm 2024.

Những người nổi tiếng ảo

Khi sự quan tâm đến metaverse tăng lên, sự gia tăng của những "người có ảnh hưởng ảo" (Virtual Influencer - VI) dường như ngày càng không thể tránh khỏi. Theo Nikkei Asia, châu Á được kỳ vọng sẽ dẫn đầu tăng trưởng trong lĩnh vực này do Gen Z là nhóm người sử dụng internet lớn nhất tại đây. Theo IIMedia Research, trong số 80% cư dân mạng Trung Quốc theo dõi những người nổi tiếng trực tuyến, hơn 60% theo dõi các thần tượng ảo, với hơn một nửa chi tiêu ít nhất 500 nhân dân tệ (75 USD) một tháng cho các giao dịch mua liên quan. Các thương hiệu lớn như Prada, Puma, Yoox, Alibaba và Samsung đều tạo ra những VI của riêng họ để tiếp cận những người trẻ tuổi trong metaverse.

Liu Run, một doanh nhân có ảnh hưởng trên Douyin với hơn 1 triệu người hâm mộ, đã sử dụng bản sao của mình được làm từ AI trong nhiều tháng. Anh ấy đã chia sẻ rằng rất ít người xem có thể phân biệt được bản sao được tạo ra từ AI với người thật. Liu đã tận dụng rất tốt bản sao kỹ thuật số của mình để cho ra mắt các video. Trong đó anh chia sẻ các mẹo dành cho người quản lý, những hiểu biết sâu sắc về kinh doanh và kể lại những câu chuyện trong ngành.

Theo dự báo của IDC, quy mô thị trường "người ảo" của Trung Quốc dự kiến sẽ đạt 1,5 tỷ USD vào năm 2026 và những người hành nghề livestream tại Trung Quốc được dự đoán sẽ tạo ra doanh thu khoảng 689 tỷ USD vào năm 2023, chiếm hơn 11% tổng lĩnh vực thương mại điện tử. Những công ty lớn như Baidu, Tencent và Alibaba đang đổi mới công nghệ nhân bản AI, và thậm chí cả Xiaoice cũng đã công bố một dự án nhằm mục đích nhân bản AI của Influencer và người nổi tiếng.

Khi sự quan tâm đến metaverse tăng lên, sự gia tăng của những "người có ảnh hưởng ảo" dường như ngày càng không thể tránh khỏi.

Tại Hàn Quốc, tập đoàn LG Electronics cũng đã ra mắt "người kỹ thuật số" của họ, Reah Keem, tại Hội chợ điện tử tiêu dùng (CES) năm ngoái với tư cách là người dẫn chương trình cho sự kiện truyền thông. "Người ảo" dựa trên trí tuệ nhân tạo này là một nhạc sĩ ảo 23 tuổi, đã ký hợp đồng với hãng âm nhạc địa phương Mystic Story vào đầu năm nay để đào tạo và viết bài hát.

Trong khi đó, Lotte Home Shopping thì có Lucy, người dẫn chương trình mua sắm tại nhà mùa Giáng sinh năm ngoái. Tại Hàn Quốc ước tính hiện có khoảng 150 "người ảo" và con số vẫn đang tăng. Ngoài những người chủ yếu được sử dụng cho quảng cáo, các ngành khác và khu vực công cũng đang hướng tới việc sử dụng cho các dịch vụ và doanh nghiệp của họ.

Trong sự kiện “Ngày hội mua sắm, giải trí trực tuyến TP.HCM 2023 - Khám phá, trải nghiệm và mua sắm tại chợ di sản Bến Thành” diễn ra từ ngày 11 - 16/12/2023 vừa qua, một số đơn vị đã đưa người ảo livestream trên TikTok shop để bán hàng. Sau 18 giờ, các streamer ảo đã chốt được khoảng 900 đơn hàng từ 600 người mua, thu về hơn 150 triệu đồng.

Trước đó, cuối tháng 10/2023, tại triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam (VIIE 2003), cũng xuất hiện streamer ảo có khả năng trò chuyện, livestream bán hàng. 1 tuần sau đó, một công ty dược đã tạo ra người bán hàng ảo “Diễm Hằng AI” với khả năng nói được 60 ngôn ngữ để livestream 7 ngày 7 đêm liên tục trên TikTok và Shopee.

Vẫn còn những trở ngại đáng kể

Theo công ty nghiên cứu và tư vấn Emergen Research, thị trường người kỹ thuật số toàn cầu là 10,03 tỷ USD vào năm 2020 và dự báo sẽ đạt 527,58 tỷ USD vào năm 2030. Việc tích hợp các bản sao AI của những Influencer trong thương mại điện tử và phát trực tiếp cho thấy một sự phát triển đáng kể trong chiến lược gắn kết thương hiệu. Các thương hiệu có thể dễ dàng kiểm soát thông điệp của họ một cách chính xác, đảm bảo sự hiện diện thương hiệu nhất quán và hiệu quả hoạt động thông qua những con người ảo. Điều này giúp làm giảm chi phí và giảm tính khó dự đoán so với quan hệ đối tác truyền thống.

Theo ông Ngô Minh Hiếu, công tác tại Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông), việc sử dụng AI để live stream bán hàng cho các sạp ở chợ Bến Thành là một ví dụ điển hình cho xu hướng công nghệ ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Trong tương lai, AI có khả năng thay thế con người do có nhiều lợi thế, như tự học hỏi dữ liệu để trở nên thông minh hơn, giúp tiết kiệm chi phí lao động và đào tạo nhân viên; có tính nhất quán, không bị ảnh hưởng bởi cảm xúc hay sự mệt mỏi, có thể xử lý nhiều thao tác cùng lúc, giảm thời gian chờ đợi cho khách hàng; có khả năng phân tích dữ liệu để hiểu rõ hơn về hành vi và sở thích của khách hàng…

Việc thu thập và xử lý dữ liệu của AI có thể gây ra các nguy cơ về bảo mật thông tin, lừa đảo, giả mạo.

Tuy nhiên, vẫn có những trở ngại đáng kể. Ví dụ như việc phụ thuộc quá nhiều vào AI có thể bị coi là lười biếng hoặc thiếu sáng tạo, có thể gây tổn hại đến danh tiếng. Các thương hiệu phải điều hướng những nhận thức này một cách thận trọng, đảm bảo rằng việc sử dụng AI của họ sẽ giúp ích nhiều hơn thay vì đánh mất sự sáng tạo và nỗ lực của con người.

Ngoài ra, AI cũng có mặt hạn chế, như không thể hiểu hết những nhu cầu cụ thể và cảm xúc của khách hàng; không thể linh hoạt như con người trong việc xử lý các tình huống bất ngờ hoặc phức tạp; việc thu thập và xử lý dữ liệu của AI có thể gây ra các nguy cơ về bảo mật thông tin, lừa đảo, giả mạo. “Nếu muốn sử dụng AI, các doanh nghiệp, thương hiệu phải đầu tư mạnh mẽ vào các biện pháp bảo mật để bảo vệ dữ liệu khách hàng, hạn chế chia sẻ những thông tin nhạy cảm,” ông Hiếu nói.

Đồng quan điểm, ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc công nghệ Công ty Công nghệ an ninh mạng quốc gia Việt Nam, khuyến cáo nhà bán hàng phải hết sức cân nhắc khi sử dụng AI bởi rủi ro cao hơn lợi ích. Do AI là sản phẩm kỹ thuật số nên dễ bị sao chép, làm giả. Nếu một nhãn hàng hay một cơ quan, tổ chức dùng AI tạo ra một nhân vật ảo để quảng bá sản phẩm cho mình thì những đối tượng lừa đảo có thể sao chép hình ảnh, giọng nói nhưng thay nội dung để bán hàng giả, hàng kém chất lượng, thậm chí thay bằng các nội dung vi phạm pháp luật thì hậu quả sẽ rất lớn.

Link bài gốcLấy link
https://vneconomy.vn/nguoi-ao-trong-tiep-thi-giai-tri-loi-hay-hai.htm