Dòng người đổ về viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở Đông Anh phần nào bớt mệt mỏi hơn nhờ những cây quạt điện và các trạm nước lọc miễn phí.
Trưa 25/7, nhiều quạt máy được người dân đặt trước cửa nhà dọc con đường dẫn đến Nhà văn hóa thôn Lại Đà (xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội), nơi diễn ra Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Theo ghi nhận của Tri Thức - Znews, có hộ dân đem cùng lúc 2-3 chiếc quạt cây, có hộ dùng quạt điều hòa bật hết công suất, hướng làn gió ra phía đường.
Bà Bùi Thị Hồng Hà (76 tuổi) nằm trong số đó. Sau khi trở về từ đoàn viếng sáng nay, bà nhờ một số người xung quanh bê hai cây quạt điện từ trên tầng xuống và đặt trước cửa nhà.
Bà cho biết thời tiết càng lúc oi nóng, “ngồi trong nhà còn thấy mệt” nên muốn hỗ trợ những người đi viếng. Bà cũng chủ động mời mọi người dừng chân, đứng gần quạt để làm dịu cơ thể.
Bà Hồng Hà nhờ người xung quanh bê quạt ra sân.
Cách đó vài nhà, anh Đỗ Trọng Tuấn (42 tuổi) cũng bật quạt từ 9h sáng, khi thấy trời bắt đầu nắng nóng.
“Tôi thấy các cụ già, trẻ nhỏ đứng xếp hàng dài, nên mang hết các quạt điện ra đường để bật. Trong nhà hiện chỉ còn quạt trần”, anh chia sẻ.
Ban đầu, anh Tuấn mời mọi người vào nhà nghỉ chân. Nhưng khi đoàn khách ngày một đông, người đàn ông liền nảy ý tưởng bật quạt trước cửa nhà. Khi thấy các nhà xung quanh cũng hưởng ứng hoạt động này, anh Tuấn cho biết “không ai bảo ai cả, có lẽ chỉ là tình cảm của làng Lại Đà dành cho đồng bào thôi”.
Anh Trọng Tuấn sẵn lòng mời mọi người vào nhà nghỉ ngơi tránh nóng.
Không chỉ đưa quạt ra đường, Thủy Minh còn mở một quầy nước trước cửa nhà, phục vụ nước chanh leo, nước sấu và hoa quả theo mùa, với hy vọng giúp mọi người giải nhiệt. Thủy Minh cho biết cô nghĩ ra ý tưởng này sau khi trở về từ đoàn viếng và cảm thấy thấm mệt do thời tiết nắng nóng, oi bức.
Buổi sáng, gia đình cô đã bổ dưa lưới, thanh long mời mọi người, đến chiều hết hoa quả lại đem bình sấu tự ngâm, pha thêm nước chanh tiếp nước.
"Nhà có gì là mang ra hết để phục vụ mọi người. Chẳng mấy khi làng Lại Đà được đón tiếp đông khách như vậy, lại còn là dịp trọng đại của cả dân tộc", cô chia sẻ.
Tri Thức - Znews ghi nhận một số quầy nước miễn phí của người dân, cũng như các điểm phát nước miễn phí do ban tổ chức sắp đặt. Một số khác cắt nhỏ bìa carton và phát cho khách viếng dùng thay cho quạt tay. Khoảng 14h, ở làng Lại Đà xuất hiện cơn mưa, các thanh niên tình nguyện nhanh chóng đem ô, áo mưa phát cho người dân.
Quầy nước miễn phí trước cửa nhà của chị Thủy Minh.
Ước tính hàng nghìn người đã đổ về quê hương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, bày tỏ lòng tiếc thương trước sự ra đi mãi mãi của vị lãnh đạo. Ban tổ chức đã lập các hàng rào mềm từ xa để hướng dẫn, phân luồng giao thông, đồng thời bố trí xe điện đưa đón người dân từ UBND xã Đông Hội đến Nhà văn hóa thôn Lại Đà.
Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông (Hai Bà Trưng, Hà Nội), bắt đầu từ 7h00 đến 22h00 ngày 25/7 và từ 7h00 đến 13h00 ngày 26/7. Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức lúc 13h00 ngày 26/7 tại cùng địa điểm.
Lễ viếng, Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức cùng thời gian trên tại Hội trường Thống Nhất (quận 1, TP.HCM) và tại quê nhà xã Đông Hội (huyện Đông Anh, Hà Nội). Lễ an táng lúc 15h00 ngày 26/7 tại Nghĩa trang Mai Dịch (quận Cầu Giấy, Hà Nội).
Theo thông báo của Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Tổ chức Lễ tang tạo điều kiện sắp xếp cho nhân dân vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Người đến các điểm viếng cần mặc trang phục tối màu, mang theo căn cước công dân gắn chip hoặc điện thoại đã cài đặt VNeID kích hoạt mức độ 2 để quét mã QR. Các đoàn nên đi xe chung đến khu vực tổ chức lễ tang.
Ban tổ chức đã chuẩn bị vòng hoa luân chuyển phục vụ các đoàn viếng. Gia đình cố Tổng Bí thư có nguyện vọng được miễn tiền, hoa quả, lễ phúng viếng, chấp điếu của các tổ chức, cá nhân khi đến viếng.