Theo hãng tin Bloomberg, người dân Mỹ đang nắm giữ lượng lớn tiền mặt trong tay, qua đó đối phó được phần nào với lạm phát nhưng điều này cũng khiến Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) khó xoay xở hơn.
Trên thực tế vào quý IV/2019, trước khi đại dịch bùng phát, các hộ gia đình Mỹ chỉ nắm giữ khoảng 1 nghìn tỷ USD tiền mặt hay các loại tài sản có tính thanh khoản tương đương. Thế nhưng con số này đã nhảy vọt lên 4,7 nghìn tỷ USD trong quý II/2022, điều chưa từng xảy ra trong 70 năm qua.
Lượng tiền này dù giúp người dân Mỹ đối phó được phần nào với đà tăng giá nhưng lại có rủi ro khiến lạm phát gia tăng hơn nữa khi tiền lưu thông trong nền kinh tế quá nhiều, đi ngược lại với mục tiêu của FED hiện nay.
Điều trớ trêu là thủ phạm tạo nên tình hình này lại là chính phủ Mỹ khi họ bơm trực tiếp gần 1,5 nghìn tỷ USD vào túi người dân năm 2020-2021 thông qua các chương trình kích thích kinh tế, tặng tiền mặt, trợ cấp thất nghiệp cùng vô số các gói hỗ trợ khác.
Tầng lớp trung lưu và nhà giàu Mỹ thì được hưởng lợi từ thị trường chứng khoán, bất động sản. Trong khi đó người dân Mỹ không có nhu cầu chi tiêu quá nhiều đầu dịch, lãi suất khi đó thì quá thấp để thu hút dòng tiền gửi tiết kiệm.
Như một hệ quả tất yếu, lượng tiền tích lũy trong các hộ gia đình Mỹ ngày một lớn.
Số liệu của Tổng cục phân tích kinh tế Mỹ (BEA) cho thấy Tỷ lệ tiền tiết kiệm (Personal Savings Rate: lượng tiền còn lại của cá nhân sau khi trừ đi các khoản thuế và chi tiêu) lên đến 17% năm 2020, mức cao nhất kể từ sau Thế chiến II. Con số kỷ lục của thống kê này là 27,9% vào năm 1944.
Đáng ngạc nhiên hơn là dù lạm phát tăng nhưng chi tiêu thường niên của người Mỹ cũng đi lên, đạt 17,6 nghìn tỷ USD tính đến tháng 9/2022, cao hơn mức 14,8 nghìn tỷ USD tính đến tháng 2/2020.
Báo cáo của FED thì cho thấy dù lượng tiền trong dân nhiều nhưng tài sản của những người nghèo lại giảm. Cụ thể, tầng lớp 20% người có thu nhập thấp nhất Mỹ đã chứng kiến lượng tiền mặt giảm 73% trong nửa đầu năm 2022, trong khi những tầng lớp khác đều chứng kiến sự gia tăng tích trữ tiền.
Những số liệu chính thức cũng cho thấy Tỷ lệ tiết kiệm (The Saving Rate: tỷ lệ thu nhập khả dụng không được dùng cho chi tiêu của người dân) đã giảm xuống còn 3,3% trong quý III/2022, mức thấp nhất kể từ quý IV/2007 ngay trước khi cuộc khủng hoảng 2008 diễn ra.