Thị trường bất động sản gần đây xôn xao khi Bộ Xây dựng đưa ra ý kiến dự thảo lần 2 Luật Nhà ở sửa đổi. Trong đó, nội dung được quan tâm nhất thời điểm này là Bộ tiếp tục đề xuất 2 phương án về quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư. Trước đó, dự thảo lần 1 đã được đưa ra đã có rất nhiều luồng ý kiến tranh luận về vấn đề này. Câu hỏi được nhiều người quan tâm là người dân sẽ "đi đâu" khi chung cư hết thời hạn theo quy định của Pháp luật?
Tại chương trình Landshow mới đây, ông Nguyễn Hạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản, Bộ xây dựng trả lời chi tiết cho câu hỏi này.
"Như chúng ta đã biết quy định thời hạn nhà chung cư có nhiều mục đích khác nhau. Thứ nhất là nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân. Bởi vì sau một thời hạn nhất định chất lượng nhà chung cư sẽ xuống cấp và chắc chắn khi không còn sử dụng được nữa thì phải có phương án phá dỡ để xây dựng lại.
Khi hết thời hạn thì phải đặt ra rất nhiều tình huống. Thứ nhất là nếu như chung cư hết thời hạn ngay từ ban đầu thì đến gần hết thời hạn Nhà nước sẽ đứng ra kiểm định chất lượng công trình nhà chung cư. Khi kiểm định nếu thấy nhà chung cư vẫn còn tiếp tục sử dụng được thì sẽ tiếp tục được sử dụng. Cơ quan kiểm định sẽ quyết định thời gian tiếp tục sử dụng của nhà chung cư. Nếu như đến khi hết thời hạn cơ quan kiểm định xác định rằng nhà chung cư đấy không còn tiếp tục sử dụng được nữa thì phải lên phương án phá dỡ.
Khi phá dỡ nhà chung cư thì phải đặt ra 2 tình huống khác nhau để bảo đảm quyền lợi cho người dân.
Thứ nhất nếu quy hoạch khu vực đó vẫn tiếp tục xây dựng nhà chung cư thì sẽ tiếp tục xây dựng lại và những người chủ sở hữu trước đây sẽ tiếp tục được tái định cư nếu như có nhu cầu. Nếu như các chủ sở hữu không tiếp tục tái định cư, bởi vì nhà chung cư có thời hạn nhưng trên quyền sử dụng đất lâu dài cho nên người chủ sở hữu được quyền quyết định bồi thường theo quyết định chính sách khi phá dỡ.
Thứ hai, trong trường hợp khi phá dỡ Nhà nước quy định khu vực này làm các công trình khác thì sẽ di chuyển người dân đi địa điểm khác, được tái định cư. Người dân vẫn đảm bảo quyền lợi thực hiện như dự án tái định cư như bình thường khi thực hiện một dự án nào đó phải giải phóng mặt bằng phải đi chỗ khác theo quy định”, ông Khởi cho biết.
Dự thảo về chung cư có thời hạn
HIện tại 2 phương án về thời hạn sở hữu chung cư đang được Bộ Xây dựng tiếp tục đưa ra dự thảo và lấy ý kiến. Một phương án là giữ nguyên theo quy định hiện hành, tức là không quy định thời hạn sở hữu. Phương án còn lại là quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư được xác định căn cứ vào thời hạn sử dụng công trình theo quy định của pháp luật xây dựng.
Rất nhiều người dân thắc mắc, vậy có nghĩa là chung cư sẽ sở hữu 50 - 70 năm. Nhưng thực tế cách tính của Bộ Xây dựng lại không phải là như vậy.
Quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư sẽ theo chất lượng công trình xây dựng và theo quy định hiện hành, niên hạn sử dụng công trình được phân thành các cấp sau đây:
Đầu tiên là nhóm cấp đặc biệt, cấp 1 là trên 100 năm; Cấp 2 là từ 50 - 100 năm; cấp 3 là từ 20 năm đến dưới 50 năm; cấp 4 là dưới 20 năm. Thực tế, rất ít nhà chung cư thuộc loại công trình 3 và 4. Như vậy, thời hạn sở hữu chung cư có thể là từ 50 năm trở lên.
Đối với các chung cư hiện hữu, người dân đang ở ổn định, đại diện Bộ xây dựng cho biết quy định của luật không có hồi tố. Đối với những trường hợp chung cư đang sử dụng hiện nay vẫn áp dụng các quy định hiện hành.