Tại buổi họp báo thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội, công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP.HCM chiều 27/4/2023, ông Huỳnh Trịnh Phong, Trưởng phòng Quản lý thực hiện quy hoạch và pháp chế, Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP.HCM, đã thông tin về tình trạng đất dân cư xây dựng mới trên địa bàn.
Theo ông Phong, theo Nghị định 85/2015 hướng dẫn về quy hoạch xây dựng, người lập quy hoạch phải dự trù sự phát triển về dân số, đô thị nên phải định hướng, dự kiến dành ra khu vực để đầu tư các công trình dân cư xây dựng mới.
Khái niệm “khu dân cư quy hoạch mới” là khái niệm trong quy hoạch và nhu cầu trong việc lập các đồ án quy hoạch, từ quy hoạch chung đến quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết đều phải có định hướng những khu dành cho công trình xây dựng mới.
“Khái niệm “khu dân cư quy hoạch mới” là để định hướng thực hiện quy hoạch, không ảnh hưởng đến việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, không ảnh hưởng đến việc cấp phép xây dựng”, ông Phong nói
Ông Phong cũng cho biết thêm, “khu dân cư quy hoạch mới” là một dạng đất ở, khi muốn chuyển đổi mục đích thì phải đạt các điều kiện, tiêu chí theo Luật đất đai thì sẽ có khả năng chuyển đổi thành đất ở.
Về cấp phép xây dựng thì cần tuân thủ theo Luật Xây dựng đối với những khu vực đã chuyển đổi thành đất ở và thỏa mãn một trong những điều kiện theo quy định. Trong đó, khu vực đó đã được lập quy hoạch chi tiết 1/500, để làm cơ sở cấp phép xây dựng cho người dân. Nếu như trong trường hợp chưa có quy hoạch chi tiết 1/500 thì dùng quy chế quản lý kiến trúc để cấp phép xây dựng.
Theo thống kê của UBND huyện Bình Chánh, TP.HCM, hiện trên địa bàn có gần 15.000 ha đất được quy hoạch với chức năng là đất dân cư xây dựng mới, với gần 13.500 hộ dân bị ảnh hưởng.
Tại quận Bình Tân, TP.HCM, theo thống kê từ các đồ án quy hoạch phân khu 1/2000 trên địa bàn quận có tổng cộng 155 khu đất đang được quy hoạch với hai chức năng là đất dân cư xây dựng mới và đất hỗn hợp, với quy mô hơn 341 ha.
Chỉ đạo về đất dân cư xây dựng mới, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết sẽ phân công giải quyết dứt điểm vấn đề này, tại phiên họp về tình hình kinh tế, xã hội tháng 4 và bốn tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tháng 5/2023 của TP.HCM.
Theo đó, ông Mãi đề nghị tập trung giải quyết các dự án, vấn đề tồn đọng như báo cáo của các sở Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương...
Thủ tướng đã chỉ đạo mỗi tỉnh, thành phải thành lập các tổ công tác để giải quyết các vấn đề tồn đọng. Riêng TP.HCM, tổ công tác này đã thành lập từ nhiều năm, sắp tới tổ trưởng sẽ do Chủ tịch UBND TP.HCM đảm nhiệm và Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường sẽ làm phó tổ trưởng thường trực.
"Hằng ngày, trong danh sách tổng hợp các phản ánh, ví dụ thông tin liên quan đến quy hoạch, hồ sơ đất đai, xây dựng được đề cập gần đây, chúng ta phải tiếp nhận, phân giao, đánh giá vấn đề để xử lý dứt điểm", ông Mãi chỉ đạo.