Theo tờ Financial Times (FT), các hộ gia đình Trung Quốc đang có đến 2,6 nghìn tỷ USD tiền tiết kiệm trong ngân hàng trong năm qua, mức cao kỷ lục trong lịch sử và đây có thể là động lực thúc đẩy tăng trưởng cho nền kinh tế của nước này nói riêng và thế giới nói chung.
Trong khi nhiều chuyên gia kỳ vọng phong trào mua sắm “trả thù” sau quãng thời gian cách ly dài ngày vì đại dịch sẽ thúc đẩy trở lại nền kinh tế trong năm 2023 thì một số báo cáo phân tích lại bi quan hơn về tình hình.
Số liệu của ngân hàng Pháp Natixis cho thấy sẽ chỉ có khoảng 200 tỷ USD trong tổng số tiền tiết kiệm trên được chi tiêu trong năm 2023 bất chấp việc Trung Quốc đã nới lỏng các lệnh giãn cách.
“Mọi người đang kỳ vọng thái quá vào sức tiêu dùng của người Trung Quốc. Khoản tiền tiết kiệm khổng lồ đó sẽ không dễ dàng được chi tiêu như vậy đâu”, chuyên gia kinh tế trưởng Alicia Garcia Herrero của Natixis chi nhánh Châu Á Thái Bình Dương đánh giá.
Kỳ vọng
Sau khi Trung Quốc nới lỏng lệnh giãn cách, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã nâng mức dự báo tăng trưởng của kinh tế toàn cầu, qua đó cho thấy kỳ vọng của nhiều chuyên gia vào sức bật của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Số liệu của ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) cho thấy người dân nước này đã gửi tiết kiệm tới 17,8 nghìn tỷ Nhân dân tệ trong năm 2022, tương đương 2,6 nghìn tỷ USD, cao hơn 9,9 nghìn tỷ Nhân dân tệ của năm 2021 và trở thành mức kỷ lục trong lịch sử.
Hãng Morgan Stanley nhận định tăng trưởng của Trung Quốc trong năm nay sẽ tốt hơn do người dân sẽ chi tiêu khoản tiền tiết kiệm khổng lồ đã tích lũy được trong thời gian phải ở nhà vì giãn cách, qua đó thúc đẩy thị trường việc làm cùng nhiều mảng khác.
Cụ thể, Morgan ước tính khoảng 3-4 nghìn tỷ Nhân dân tệ tiền tiết kiệm của các hộ gia đình Trung Quốc có được là do không thể chi tiêu thoải mái vì đại dịch hoặc là khoản dự phòng thêm, vốn có thể được dùng để mua sắm trả thù.
Trái lại, chuyên gia Lin Yingqi của ngân hàng “China International Capital Corp” thì nhận định khoảng 4 nghìn tỷ Nhân dân tệ trong tổng số tiền tiết kiệm trên là do người dân tái điều chỉnh kênh đầu tư của mình. Việc rút tiền khỏi các kênh đầu tư rủi ro của thị trường để gửi ngân hàng khiến việc chi tiêu khoản tiền này trở nên không hề dễ dàng như mọi người lầm tưởng.
Khoảng 1 nghìn tỷ Nhân dân tệ nữa là do mức tăng trưởng thu nhập thông thường của người dân chứ không phải do tiết kiệm, trong khi 1,5 nghìn tỷ Nhân dân tệ nữa thì là tiền để giành trong dài hạn.
Những tính toán của chuyên gia Lin cho thấy người tiêu dùng Trung Quốc sẽ chỉ có khoảng 1,5 nghìn tỷ Nhân dân tệ tiền tiết kiệm khả dụng cho chi tiêu, mua sắm trả thù hậu dịch.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Luo Zhiheng của Yuekai Securities cũng dự đoán khoản tiền tiết kiệm khả dụng cho chi tiêu chỉ là 1,5 nghìn tỷ Nhân dân tệ, tương đương 3% tổng doanh số bán lẻ của Trung Quốc.
“Tình hình kinh tế vẫn còn nhiều bất ổn và mọi người vẫn muốn tiết kiệm nhiều hơn để đề phòng”, ông Luo cho biết.
Cẩn trọng
Chuyên gia phân tích Ernan Cui của hãng tư vấn Gavekal Dragonomics nhận định phong trào mua sắm trả thù đã xuất hiện ở nhiều nơi tại Trung Quốc, ví dụ như thủ đô Bắc Kinh. Tuy nhiên doanh số tiêu thụ cũng chỉ ở mức bình quân do vướng Tết Nguyên Đán.
“Yếu tố tâm lý ảnh hưởng rất lớn, nhiều người vẫn khá cẩn trọng về cách chi tiêu”, ông Cui nhận định.
Tờ FT nhận định quãng thời gian 3 năm đại dịch đã ảnh hưởng đến tăng trưởng thu nhập cũng như lợi nhuận các kênh đầu tư tại Trung Quốc. Mảng bất động sản cũng gặp khó khăn khiến tâm lý người tiêu dùng còn e ngại do tài sản của phần lớn hộ gia đình Trung Quốc vẫn gắn chặt với đất đai.
Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc năm 2022 chỉ đạt 3%, thấp hơn mức mục tiêu 5,5% của chính phủ đề ra và là mức thấp kỷ lục suốt nhiều thập niên qua.
Tồi tệ hơn, nhiều chuyên gia nhận định hệ lụy lâu dài của thời kỳ đại dịch sẽ khiến người dân tiết kiệm lâu hơn nhằm đề phòng bất ổn kinh tế.
“Trung Quốc cần một động lực mạnh mẽ để đưa nền kinh tế khỏi vòng luẩn quẩn nhu cầu tiêu dùng yếu và tăng trưởng thu nhập giảm tốc. Nếu động lực này không thể đến từ xuất khẩu do xung đột thương mại với Mỹ trong năm 2023 thì những chính sách nới lỏng tiền tệ, tăng chi tiêu công là cần thiết”, trưởng khoa kinh tế Zhang Jun của trường đại học Fudan University nhấn mạnh.
Cũng theo ông Zhang, các hộ gia đình Trung Quốc sẽ ngập ngừng chi tiêu tiền tiết kiệm cho đến khi niềm tin của người tiêu dùng vào nền kinh tế được hồi phục trở lại.
Trả lời tờ FT, anh Mark Chen, một người bố ngoài 30 tuổi làm lao động ở Thâm Quyến cho biết bản thân cùng nhiều công nhân vùng quê như anh đã bị cho nghỉ cả tháng trong dịp Tết Nguyên Đán mà không có đồng lương nào.
“Tình hình chung là lao động chúng tôi có thời gian rảnh nhưng cũng chẳng có tiền chứ đừng nói là khả năng tiêu dùng. Một người dân bình thường cũng phải mất vài tháng mới hồi lại được sau quãng thời gian khó khăn vì đại dịch thì tôi nghĩ nền kinh tế chắc phải tính đến hàng năm”, anh Chen buồn bã.