Từ Luật Các tổ chức tín dụng cho đến Luật Bảo hiểm tiền gửi và các luật khác đều quy định mức độ ưu tiên, bảo đảm an toàn, khả năng chi trả và quyền lợi của người dân ở mức độ cao nhất.
Cụ thể, điều 146 Luật Các tổ chức tín dụng quy định: Khi ngân hàng đang thực hiện phương án cơ cấu lại mà có nguy cơ mất khả năng chi trả, đe dọa sự ổn định của hệ thống thì sẽ được Ngân hàng Nhà nước, Bảo hiểm tiền gửi và các ngân hàng thương mại cho vay đặc biệt để hỗ trợ thanh khoản.
Khoản vay đặc biệt này được ưu tiên hoàn trả trước tất cả các khoản nợ khác, kể cả các khoản nợ có tài sản bảo đảm của các ngân hàng (trong bối cảnh bình thường thì khoản nợ có tài sản bảo đảm được ưu tiên cao nhất). Như vậy, các ngân hàng thương mại có cơ sở yên tâm cho vay để hỗ trợ.
Ngoài ra, điều 99 Luật Phá sản quy định, chỉ khi nào Ngân hàng Nhà nước có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc văn bản chấm dứt áp dụng hoặc không áp dụng biện pháp phục hồi khả năng thanh toán mà tổ chức tín dụng vẫn mất khả năng thanh toán thì mới được phép yêu cầu tuyên bố phá sản ngân hàng.
Và cuối cùng, nếu ngân hàng có bị phá sản, thì theo quy định tại điều 101 Luật Phá sản, khoản tiền gửi cũng được ưu tiên trả nợ trước các khoản nợ Nhà nước và nợ của các chủ nợ thông thường khác.
Đối với cơ chế bảo hiểm tiền gửi, Luật Các tổ chức tín dụng cũng như Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đều quy định: Tổ chức tín dụng có trách nhiệm tham gia tổ chức bảo toàn, bảo hiểm tiền gửi theo quy định của pháp luật.
Luật Bảo hiểm tiền gửi năm 2012 có quy định rõ ràng để bảo vệ người gửi tiền. Theo đó, các tổ chức tín dụng đều phải tham gia bảo hiểm tiền gửi. Trong trường hợp ngân hàng thương mại không chi trả được cho người gửi tiền thì Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam sẽ thực hiện chi trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền.
Điều 18 Luật bảo hiểm tiền gửi quy định: "Tiền gửi được bảo hiểm là tiền gửi bằng đồng Việt Nam của cá nhân gửi tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi dưới hình thức tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các hình thức tiền gửi khác theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng".
Bên cạnh các quy định khá cụ thể nêu trên về công tác chi trả, các hoạt động nghiệp vụ của tổ chức bảo hiểm tiền gửi cũng góp phần gián tiếp trong việc bảo vệ người gửi tiền. Theo đó, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam thường xuyên giám sát và kiểm tra các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi nhằm phát hiện vi phạm và khó khăn của các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, từ đó đề xuất cảnh báo, khuyến nghị để ngân hàng chấn chỉnh, khắc phục kịp thời. Trong giới hạn cho phép, tổ chức bảo hiểm tiền gửi có thể hỗ trợ, can thiệp vào hoạt động của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi khi có dấu hiệu mất an toàn.
Cùng với đó, người gửi tiền cũng được cung cấp đầy đủ thông tin về chính sách và hoạt động bảo hiểm tiền gửi từ tổ chức bảo hiểm tiền gửi, nhằm mục đích tiếp cận, nâng cao những hiểu biết cần thiết để có sự lựa chọn dịch vụ tốt nhất, biết được quyền lợi, nghĩa vụ khi tham gia vào thị trường tài chính - ngân hàng.
Từ những phân tích nêu trên có thể khẳng định, xét về pháp luật trong bối cảnh thực tế, ngay cả trường hợp xấu nhất, thì người gửi tiền, nhất là cá nhân, sẽ được Nhà nước bảo đảm quyền lợi ở mức cao nhất.