Cổng thông tin tìm kiếm việc làm trực tuyến Job Korea đã tiến hành một cuộc khảo sát với 855 người lao động, khoảng một nửa trong số họ (48,5%) tự coi mình là người "nghiện công việc", Korea Bizwire đưa tin.
Trong nhóm những người tự nhận bản thân cuồng công việc, hơn một nửa cho biết không còn lựa chọn nào khác bởi có quá nhiều thứ cần làm, 47,5% còn lại cho hay họ "thích làm việc hơn nghỉ ngơi".
Khoảng 1/3 số người nghiện công việc nói rằng họ làm thêm ít nhất 3 ngày/tuần, 20,5% cho biết làm thêm 2 ngày/tuần và hơn 10% làm thêm tới 4-5 ngày/tuần.
Kết quả cuộc khảo sát cũng cho thấy phần lớn người nghiện việc rơi vào tình trạng kiệt sức (burnout).
Kiệt sức là hội chứng do căng thẳng gây ra trong thời gian dài mà không được kiểm soát tốt ở nơi làm việc, khi một người rơi vào trạng thái cạn kiệt năng lượng thể chất lẫn tinh thần, thờ ơ hoặc trầm cảm.
Trong số những người được hỏi, có tới 77,8% cho biết họ từng hoặc đang rơi vào tình trạng sức cùng lực kiệt, thậm chí ngã gục với tần suất "thỉnh thoảng" đến "rất thường xuyên".
Mức độ căng thẳng gặp phải do làm việc quá sức đủ để khiến họ cân nhắc chuyển sang một công việc khác. Trong số những người nghiện công việc, 55,2% cho biết họ "đang cân nhắc chuyển sang công ty khác do phải làm việc quá nhiều".
Hàn Quốc là quốc gia nơi người lao động làm việc quá sức nhiều nhất ở châu Á và nhiều thứ 5 trên thế giới, theo dữ liệu triển vọng việc làm do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) tổng hợp vào năm 2022.
Trung bình, một người lao động nước này đã làm việc 1.915 giờ vào năm 2021. Cùng năm, một người lao động Mỹ làm việc trung bình 1.791 giờ.
Làm việc quá nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người lao động, đến mức ở Hàn Quốc có một thuật ngữ chỉ cái chết do làm việc quá sức: "gwarosa".
Theo một bài báo nghiên cứu vào tháng 8/2020 về tác động tiêu cực của thời gian làm việc dài đối với lao động trẻ Hàn Quốc, "thời gian làm việc kéo dài có liên quan đến căng thẳng, trầm cảm và ý định tự tử ở những nhân viên trẻ, từ 20 đến 35 tuổi". Nghiên cứu đã phân tích dữ liệu được thu thập từ 3.332 nhân viên trẻ tuổi.
Đầu tháng 3, kế hoạch tăng thời gian làm việc lên 69 giờ/tuần, tăng từ mức giới hạn hiện tại là 52 giờ, của chính phủ nước này đã gây chia rẽ lớn. Ngày 25/3, khoảng 13.000 thành viên công đoàn đã tập trung tại Daehak-ro để phản đối cải cách, với những tấm biển ghi "bãi bỏ 69 giờ" và "Yoon Suk Yeol".
Thời gian làm việc kéo dài còn được cho có tác động trực tiếp tới vấn đề tỷ lệ sinh thấp kỷ lục ở xứ củ sâm. Thống kê cho thấy tổng tỷ suất sinh của nước này (tổng số trẻ em trên một phụ nữ trong thời kỳ sinh sản) giảm xuống chỉ còn 0,78 vào năm 2022, từ mức 0,81 vào năm 2021.