Sau khi Hoàng tử Harry và Công nương Meghan từ bỏ nghĩa vụ hoàng gia, số quan chức “toàn thời gian” của công ty còn lại 8 người: Nữ hoàng, vợ chồng Thái tử Charles (nay là Vua Charles III), vợ chồng Hoàng tử William, Công chúa Anne và vợ chồng Hoàng tử Edward.
Theo chia sẻ của nhà sử học Carolyn Harris với Forbes, số lượng ít ỏi này nhằm củng cố nguồn lực của “Công ty Hoàng gia”, cũng như đối phó với lời phàn nàn rằng số tiền trợ cấp Hoàng gia chảy vào túi quá nhiều họ hàng xa trong hoàng tộc.
“Đây là hoạt động kinh doanh ảnh hưởng được chính thức hóa một cách sâu sắc”, ông David Haigh, Giám đốc điều hành hãng tư vấn Brand Finance, nhận xét. Tuy vậy, khác với các gia đình người nổi tiếng như nhà Kardashian, nhà Windsor không hưởng lợi cá nhân từ công việc kinh doanh - dù họ đóng góp tới khoảng 2,7 tỷ USD mỗi năm cho nền kinh tế Anh trước đại dịch.
Tác động của Hoàng gia Anh tới nền kinh tế nước này chủ yếu qua du lịch, nhưng ông Haigh chỉ ra họ còn đóng góp trong một số lĩnh vực khác - như giúp nước Anh được quảng bá miễn phí trên truyền thông (ước tính có giá trị tới 400 triệu USD năm 2017).
“Doanh nghiệp của Elizabeth”
Kể từ khi thừa kế ngai vàng từ vua cha năm 1952, Nữ hoàng Elizabeth II trở thành người đứng đầu của “Công ty Hoàng gia” - dù bà không có quyền quyết định mọi công việc của thể chế này.
Chồng bà, Hoàng thân Philip, từng là một thành viên đầy quyền lực của “Công ty Hoàng gia”, nhưng ông đã rời khỏi cương vị chính thức nhiều năm trước khi mất.
Không phải ai trong hoàng tộc cũng có vai trò trong “Công ty Hoàng gia”. Hoàng tử Andrew, người vướng phải nhiều bê bối trong những năm qua, dường như đã bị "mất việc".
Ngoài các thành viên gia đình, Hoàng gia Anh còn có hàng nghìn nhân viên trên khắp thế giới. Chỉ riêng Điện Buckingham đã có khoảng 1.200 nhân viên. Một chuyên gia công nghệ thông tin mới vào nghề có thể kiếm tới 40.000 USD chưa kể các phúc lợi khác, theo thông tin chính thức được Forbes dẫn lại tháng 3/2021.
Crown Estate, thể chế quản lý tài sản của Hoàng gia Anh, cũng có thêm 450 nhân viên - bao gồm một ban giám đốc có nhiệm vụ ra quyết định tài chính cho Hoàng gia.
Thành viên của “Công ty Hoàng gia” cần nhớ rằng họ có nhiệm vụ giúp “cỗ máy kiếm tiền” này có thể vận hành trong nhiều thế hệ nữa. Hoàng gia Anh nắm giữ - nhưng không thể bán - gần 28 tỷ USD tài sản. Forbes ước tính Nữ hoàng Elizabeth II còn có khoảng 500 triệu USD tài sản cá nhân.
Trong năm tài khóa 2019-2020, Crown Estate có doanh thu hơn 700 triệu USD và lợi nhuận hơn 475 triệu USD . Hoàng gia Anh nhận được 25% thu nhập của Crown Estate - số tiền được gọi là trợ cấp Hoàng gia - và 75% còn lại được chuyển tới ngân khố nước Anh.
Hoàng gia Anh sẽ chỉ dùng khoản trợ cấp Hoàng gia để chi trả cho các chi phí hoạt động chính thức - như trả lương cho nhân viên, chi phí an ninh, di chuyển, bảo trì hay công nghệ thông tin.
Giống như hầu hết doanh nghiệp, “Công ty Hoàng gia” đã phải chịu tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19. Tháng 9/2020, vị quan chức phụ trách tài sản của Hoàng gia Anh cho biết ngân sách Hoàng gia có thể thiếu hụt 45 triệu USD - chủ yếu do các lệnh phong tỏa ảnh hưởng đến ngành du lịch.
Dù vậy, Hoàng gia Anh không yêu cầu Bộ Tài chính cung cấp thêm tiền. Trên thực tế, Nữ hoàng Elizabeth II cũng không cần làm vậy - bà vẫn còn 500 triệu USD tài sản cá nhân nằm ở các khoản đầu tư, tác phẩm nghệ thuật, trang sức và bất động sản. Hầu hết khối tài sản này sẽ về tay Hoàng tử Charles sau khi bà qua đời.
Phần chia của thái tử
Từ khi còn là thái tử Anh, Vua Charles III đã có vị trí đáng kể trong hoạt động của “Công ty Hoàng gia”. Bên cạnh số tiền trợ cấp Hoàng gia, với tư cách đại công tước xứ Cornwall, ông còn có thêm thu nhập từ thiết chế Công quốc Cornwall - vốn sở hữu lượng bất động sản trị giá gần 1,3 tỷ USD.
Thái tử nước Anh không có quyền bán tài sản của Công quốc Cornwall, nhưng vẫn nhận được lợi tức khi cho doanh nghiệp, nông dân và người dân thuê đất. Số tiền này lên đến hơn 50 triệu USD năm 2020. Trong số đó, Vua Charles III và con cái nhận được 30 triệu USD. Trong khi đó, số tiền trợ cấp hoàng gia cho ông chưa đầy 2,5 triệu USD.
Vua Charles III năm 2020 chi 7,3 triệu USD để trả lương cho nhân viên, 6,75 triệu USD để đóng thuế và 4,4 triệu USD hoạt động từ thiện. Hai Hoàng tử William và Harry nhận được tổng cộng 7,8 triệu USD.
Vợ chồng Hoàng tử William - người giờ đây đứng đầu danh sách thừa kế ngai vàng - được cho đã giúp nước Anh kiếm thêm 165 triệu USD chỉ trong năm 2017 nhờ vào ảnh hưởng của họ - ví dụ, mỗi khi Công nương Kate mặc một trang phục, doanh số bán hàng của họ có thể gia tăng.
Họ không nhận được tiền từ ảnh hưởng của mình. Dù vậy, họ cũng không phụ thuộc hoàn toàn vào thu nhập của cha. Hoàng tử William và Harry cũng thừa kế cả một số tài sản của Công nương Diana - nhờ vào đó, Hoàng tử Harry có thể chuyển đến Mỹ sinh sống sau khi bị gia đình “cắt nguồn tài chính”.
Do đó, đứng trước áp lực lớn với tư cách thành viên hoàng gia, nhiều người - như Công nương Diana, Hoàng tử Harry hay Công nương Meghan - sẵn sàng từ bỏ vai trò của mình trong "Công ty Hoàng gia".