Tình trạng nhiều doanh nghiệp bị thiếu, cắt giảm đơn hàng, dẫn đến nhiều người lao động bị giảm giờ làm, mất việc làm trong thời gian gần đây đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc làm, thu nhập, đời sống của người lao động.
Các ngành thâm dụng lao động chịu ảnh hưởng nhiều nhất
Cục Việc làm (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho biết, tình trạng cắt giảm lao động, giảm giờ làm, nghỉ việc luân phiên xảy ra chủ yếu ở các ngành thâm dụng lao động, tập trung phần lớn ở một số địa phương phía Nam như: TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai, An Giang...
Theo Cục Việc làm, nền kinh tế Việt Nam là một nền kinh tế có độ mở rất lớn, mặc dù hiện nay lạm phát đang trong tầm kiểm soát, nhưng với những diễn biến phức tạp về kinh tế tài chính ở trong và ngoài nước trong thời gian vừa qua, thì nguy cơ thị trường lao động tiếp tục chịu ảnh hưởng tiêu cực khi doanh nghiệp giảm đơn hàng, thu hẹp sản xuất kinh doanh; chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao…
“Người lao động sẽ đối mặt nhiều hơn với nguy cơ mất việc, giảm giờ làm, các cơ hội việc làm mới cũng sẽ ít đi. Lĩnh vực chịu nhiều rủi ro bao gồm chế biến lương thực, thực phẩm, y tế, du lịch…, khi máy móc trang thiết bị, nguyên nhiên liệu phải nhập khẩu từ các thị trường phát triển. Địa bàn bị ảnh hưởng nhiều nhất là các doanh nghiệp ở khu công nghiệp, khu chế xuất, đặc biệt là lao động làm việc ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”, Cục Việc làm nhận định.
Báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thống kê đến cuối tháng 11 cũng cho thấy, đã có hơn 1.200 doanh nghiệp tại 44 tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng sản xuất, kinh doanh phải cắt giảm lao động.
Số lao động trong các doanh nghiệp bị ảnh hưởng tới việc làm là trên 472.000 lao động, chiếm 64,54% tổng số lao động tại các doanh nghiệp. Các ngành có số lao động bị ảnh hưởng nhiều là dệt may, da giày, chế biến gỗ, điện tử, cơ khí…
Tại Hà Nội, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, theo ghi nhận của đơn vị này và báo cáo về tình hình tăng, giảm lao động của các doanh nghiệp, khu vực Hà Nội hiện cũng đã có doanh nghiệp trong các khu công nghiệp cắt giảm tới hàng trăm lao động.
Nguyên nhân là một số doanh nghiệp có đơn hàng đi các thị trường như châu Âu và Mỹ, nay các thị trường này đang cắt giảm chi tiêu vì ảnh hưởng lạm phát kinh tế dẫn đến những doanh nghiệp trong nước bị cắt giảm đơn hàng hoặc thiếu nguồn nguyên liệu. Doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng đồng nghĩa với cắt giảm lao động.
Có chính sách giữ chân lao động
Để hỗ trợ lao động mất việc trong bối cảnh cuối năm và Tết đang đến gần, ông Vũ Quang Thành cho biết, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan, các địa phương để nắm bắt nhanh, kịp thời thông tin về các doanh nghiệp bị ảnh hưởng phải cho người lao động nghỉ việc để có phương án hỗ trợ kịp thời.
Người lao động làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Hà Nội. Ảnh - N.Dương.
Đối với những lao động nghỉ việc, đơn vị sẽ tăng cường các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm. Đồng thời, tiến hành thu thập, xây dựng cơ sở dữ liệu của người lao động bị mất việc để có các hoạt động kết nối với doanh nghiệp khác đang có nhu cầu tuyển dụng, qua đó giúp người lao động sớm quay trở lại thị trường lao động.
Đối với doanh nghiệp, ông Thành cho rằng, cần chủ động có giải pháp tiếp tục tìm kiếm đơn hàng mới, tránh phải cho lao động nghỉ việc trong thời điểm này. Nếu doanh nghiệp không bố trí đủ công việc để người lao động làm toàn thời gian thì có thể giãn giờ làm nhằm giữ chân họ.
“Bởi vì sau này có đơn hàng thì việc tuyển dụng lao động vô cùng khó khăn. Trước đây, thời gian Covid-19, nhiều người lao động về quê tránh dịch, doanh nghiệp tạm thời cho lao động nghỉ việc, song khi Covid-19 được kiểm soát tốt, doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh thì việc tuyển dụng lao động rất khó”, ông Thành lí giải.
Trường hợp doanh nghiệp buộc phải cho người lao động nghỉ việc, cần đảm bảo đầy đủ những chính sách hỗ trợ như trợ cấp mất việc, bảo hiểm thất nghiệp, lương, thưởng Tết...
Cùng với đó, các doanh nghiệp cần đóng đầy đủ bảo hiểm xã hội để chốt sổ, không được nợ bảo hiểm xã hội. Khi người lao động có đủ điều kiện hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp, Trung tâm sẽ hỗ trợ kịp thời, để người lao động có nguồn thu nhập trong dịp Tết này.
Về phía người lao động, ông Thành cho rằng, trong thời gian bị mất việc cũng là một trong những điều kiện để trang bị thêm kỹ năng, nâng cao tay nghề, trình độ nếu có điều kiện, để sau này tiếp tục quay trở lại thị trường lao động khi doanh nghiệp khôi phục đơn hàng.
Về vấn đề này, theo nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân, nhà nước cần có chính sách cụ thể để hỗ trợ người lao động bị giảm giờ làm, không có việc, đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp giữ chân được lao động.
Bên cạnh hỗ trợ cho doanh nghiệp, người lao động, ông Huân cũng cho rằng, cần thiết phải tìm cách mở rộng thị trường xuất khẩu, cùng với đó, cần dự báo sớm, kịp thời, nhanh các vấn đề kinh tế đối ngoại để kết nối với trong nước.