Từ sân bay Heathrow tới Điện Buckingham, cho tới hệ thống tàu điện ngầm chằng chịt của thủ đô Anh, người người mọi nơi xúm lại để cùng bày tỏ lo lắng, đưa ra phỏng đoán hay trao đổi các mẩu thông tin về sức khỏe Nữ hoàng Anh, theo New York Times.
Bên ngoài Điện Buckingham, nơi ở chính của Nữ hoàng, các đám đông đứng sát cạnh hàng rào và chụp ảnh trong bầu không khí tràn đầy tâm lý đợi chờ.
Vì phần lớn người Anh đang dần trở lại trường học và nơi làm việc vào tuần này sau kỳ nghỉ hè, nhiều người trong những đám đông trên là du khách và người tới từ các văn phòng gần đó.
Trong số ấy có Alexander Caplan, một nhà khởi nghiệp 40 tuổi trong lĩnh vực công nghệ. Ông Caplan hay tin sức khỏe của Nữ hoàng khi đang làm việc gần đó ở quận St. James. Ông vội vàng tới trước cổng Điện Buckingham và có mặt vào ngay sau 13h.
“Tôi thấy được thôi thúc phải tới được trái tim của gia đình hoàng gia”, ông Caplan nói. “Tôi nghĩ mọi người đều ý thức được tuổi già và sức khỏe ngày một sa sút của bà, cũng như thực tế đáng buồn là bà ấy không trường sinh bất lão. Nữ hoàng đã trở thành người bà của cả nước, không chỉ Vương quốc Anh mà còn của cả khối Thịnh vượng Chung”.
Tại Heathrow, một trong những sân bay đông đúc nhất của châu Âu, người dân ở đây chăm chú nhìn lên màn hình để dõi theo bản tin trực tiếp của đài BBC.
Trong khi đó, trên tuyến tàu cao tốc Elizabeth của nhà ga Paddington - tuyến tàu do chính Nữ hoàng tham gia khánh thành vào mùa hè này trong một chuyến đi bất ngờ, hành khách trên tuyến bàn tán về sức khỏe của vị quân vương.
Một số người nhận xét về vẻ ngoài tiều tụy của Nữ hoàng Anh trong những bức ảnh được đăng tải hồi đầu tuần, khi bà gặp mặt tân Thủ tướng Liz Truss. Số khác đồn đoán về những quy trình, thủ tục đã được chuẩn bị từ trước trong trường hợp xấu nhất, còn gọi là “Chiến dịch Cầu London”.
Nhưng tạm thời ngay lúc này, London chỉ có thể chờ đợi và dõi theo, với sự đan xen lẫn lộn của nhiều loại cảm xúc lo lắng và bồn chồn.