Nếu bạn đang có số vốn nhàn rỗi khoảng 50 triệu đồng và muốn tăng trưởng nó, thì bài viết sau là dành cho bạn.
Tuy nhiên, trước khi trả lời câu hỏi đâu là kênh đầu tư sinh lời phù hợp, bạn cần hiểu 3 điều:
- Mục tiêu đầu tư của bạn là gì?
- Bạn dự định đầu tư trong thời gian bao lâu và với số tiền bao nhiêu?
- Tỷ lệ sinh lời như thế nào là gần với nguyện vọng của bạn?
Ví dụ, nếu bạn muốn biến 50 triệu đồng thành 70 triệu đồng, dư 20 triệu đồng du lịch vào năm sau, thì đây là đầu tư với mục tiêu ngắn hạn.
Trong trường hợp bạn đầu tư để có 300 triệu đồng trong 5 năm, đủ tiền trả góp cho căn nhà giá 1 tỷ đồng , thì bạn đang đặt mục tiêu trung hạn.
Hoặc, bạn hoàn toàn không có nhu cầu sử dụng số tiền này. Bạn đầu tư chỉ để có một khoản tiền sinh hoạt khi nghỉ hưu trong 20-30 năm nữa. Mục tiêu này được xem là dài hạn.
3 mục tiêu tài chính trên rất khác nhau. Do đó, chúng sẽ ảnh hưởng việc lựa chọn kênh cùng mức độ kỷ luật của bạn. Bằng chứng là bạn không cần kiên trì với chi phí du lịch, nhưng bạn bắt buộc kỷ luật để đạt được quỹ hưu trí.
Đó là bước đầu tiên trong đầu tư: Đặt mục tiêu. Nói cách khác, bạn phải ước tính thời gian, tỷ lệ sinh lời và con số cuối cùng muốn đạt được.
Khi có mục tiêu rõ ràng, bạn đã sẵn sàng cho bước 2: Đo lường mục tiêu bằng cách tính lãi kép. Công thức tính tương đối phức tạp, nhưng hiện đã có nhiều trang web tính lãi cộng dồn online.
Giả sử, bạn bỏ vốn 50 triệu đồng và đặt mục tiêu nhận lại 200 triệu đồng sau 3 năm, lợi nhuận 10%/năm. Theo công thức lãi kép, sau 3 năm, bạn có hơn 66 triệu đồng.
Tương tự, lợi nhuận 30%/năm sẽ cho ra 100 triệu đồng, còn lợi nhuận 60%/năm giúp bạn có 200 triệu đồng trong 3 năm, đúng mục tiêu đề ra.
Như vậy, để đạt mục tiêu mong muốn, bạn phải điều chỉnh 1 trong 3 điểm:
- Tìm kênh đầu tư có khả năng sinh lời 60%. Điều này chắc chắn khó vì rất ít kênh có mức ổn định hàng năm. Ngoài ra, lợi nhuận cao thường tỷ lệ thuận với rủi ro.
- Kéo dài thời gian đầu tư, 5 năm thay vì 3 năm như trên.
- Góp thu nhập tháng để đầu tư bên cạnh số vốn ban đầu.
Nếu các việc trên đều không khả thi, thì có lẽ bạn phải thay đổi mục tiêu của mình cho phù hợp với hoàn cảnh tài chính.
Bước cuối cùng, hãy hỏi bản thân bạn có nợ hay không, và liệu bạn đã có quỹ dự phòng, bảo hiểm sẵn sàng cho các trường hợp khẩn cấp chưa. Quỹ này quan trọng vì giúp bạn tránh những ảnh hưởng tiêu cực khi đầu tư và xây dựng tài sản.
Đầu tư 50 triệu đồng vào kênh gì?
Không ít nhà đầu tư FOMO bỏ qua 3 điều trên để bắt đầu với phần này. Thực tế, lựa chọn để tiền vào đâu là quyết định của bạn, chỉ cần bạn nhớ ưu tiên 3 ý sau:
- Tâm lý: Bạn đầu cơ hay đầu tư? Giá chứng khoán biến động có làm bạn lo lắng hay không? Bạn bị ảnh hưởng như thế nào nếu "mất trắng" số tiền 50 triệu đồng? Một số kênh như crypto thường đòi hỏi người đầu tư có tâm lý vững vàng, và chỉ có bạn mới hiểu mức chấp nhận rủi ro của mình.
- Chiến thuật trong chứng khoán: Bạn dự định đầu tư một lần hay mua góp trong nhiều tháng? Khi mua một lần, bạn cần biết thời điểm mua vào để giá tốt, còn mua nhiều lần sẽ tạo được giá phí bình quân ổn hơn trong thời gian kéo dài (ít nhất 3 năm).
- Lợi nhuận giữa các kênh đầu tư: Tài khoản ngân hàng trung bình có tỷ suất sinh lời 5%, một số kênh fintech có thể mang lại 6-7%; trái phiếu 8-9%; cổ phiếu 10-30%; chứng chỉ quỹ từ 8% đến 12%. Đâu là con số phù hợp với mục tiêu của bạn?
Để đa dạng hóa danh mục đầu tư, bạn cũng có thể chia nhỏ 50 triệu đồng vào nhiều kênh khác nhau, như nguyên tắc quen thuộc trong tài chính: Không nên bỏ trứng vào cùng một giỏ.
Ví dụ:
Cổ phiếu và trái phiếu (lãi lần lượt là 15%, 7%), trung bình bạn giữ được 10% dù ra sao. Cổ phiếu, bất động sản, crypto (lãi 15%, 5-30% hoặc -100%). Nếu mất crypto, bạn vẫn đạt trung bình 10%. Danh mục cổ phiếu, bất động sản, bảo hiểm liên kết đầu tư.
Ở độ tuổi U30, bạn có thể chấp nhận rủi ro cao vì vẫn còn đi làm, tạo thu nhập ổn định. Trong trường hợp này, bạn có thể đầu tư 10-30% tổng vốn vào crypto, là kênh tương đối rủi ro. Khi cần an toàn hơn trong tương lai, bạn có thể cân nhắc giảm phần trăm đầu tư vào crypto (dưới 10%).
Thế nhưng, cái khó của việc phân bổ nhiều danh mục là cần thời gian quản lý. Nếu quá bận rộn, bạn chỉ nên đầu tư từ 3 kênh trở xuống.
Tóm lại, có nhiều hướng sinh lời cho số vốn khoảng 50 triệu đồng. Để bắt đầu chọn kênh hiệu quả, bạn nên chuẩn bị trước khoản dự phòng, thanh toán hết nợ, đặt mục tiêu, ước lượng lãi kép, đồng thời chia danh mục gần với mức độ chấp nhận rủi ro và thời gian của mình.
Vốn 50 triệu đồng có thể tăng gấp 10 lần sau 25 năm với lãi suất chỉ 10%. Tất cả những gì bạn cần là sự kỷ luật và cẩn thận tìm hiểu trước mọi quyết định đầu tư.