Theo một khảo sát trong lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam của TGM Research, khoảng 74% người được hỏi tiết lộ từng mua sắm trực tuyến hơn một lần/tháng trong 12 tháng qua. Trong khi đó, khoảng 36% đáp viên có thói quen mua sắm 2-3 lần/tháng và 23% mua sắm mỗi tuần. Chỉ có 15% có thời lượng mua sắm thường xuyên từ 2 lần trở lên trong vòng một tuần.
Ngoài ra, vẫn còn 3% người được hỏi cho biết họ không mua sắm online, nhóm này chủ yếu tập trung vào lứa tuổi 18-24 và trên 35 tuổi.
Số lượng người được hỏi cho biết có mua sắm trực tuyến trên điện thoại thông minh chiếm áp đảo tới 96%.
Những mặt hàng được người tiêu dùng tìm mua phổ biến trên kênh online lẫn trực tiếp là thời trang và phụ kiện (65%), kế đó là sản phẩm chăm sóc cá nhân (52%), giày dép (50%), làm đẹp (47%) và thực phẩm (42%). Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng tương đối quan tâm đến các mặt hàng thiết bị điện tử với tỷ lệ khoảng 40%.
Đáng chú ý, người tiêu dùng Việt Nam có xu hướng quan tâm nhiều đến yếu tố vận chuyển. Trong đó, khoảng 46% người tiêu dùng cho biết ưu tiên đơn hàng có chi phí vận chuyển rẻ hoặc miễn phí khi mua sắm online. Yếu tố này thậm chí còn nhận được sự quan tâm lớn hơn từ người tiêu dùng trong nước so với giá thành sản phẩm (45%).
Trên thực tế, người tiêu dùng cũng quan tâm đến những ưu điểm khác của đơn hàng như có tốc độ vận chuyển nhanh (37%), cơ chế hoàn trả linh hoạt (36%) hay chính sách khuyến mại đa dạng (34%).
Đối với hình thức khuyến mại, đa số người được hỏi ưa chuộng loại hình giảm giá theo phần trăm giá trị đơn hàng hoặc giảm trực tiếp bằng tiền, có tỷ lệ lần lượt 47% và 44%. Hình thức tặng quà đi kèm cũng có 37% người dùng ủng hộ.
Trong khi đó, chính sách mua 1 tặng 1 hoặc mua 2 tặng 1 các chủ hàng đưa ra không thực sự thuyết phục khách hàng, khi chỉ có 16% người thích loại hình khuyến mại này.
Thanh toán tiền mặt khi nhận hàng (COD) vẫn là hình thức phổ biến nhất tại Việt Nam khi có 36% người tiêu dùng được hỏi lựa chọn. Tuy nhiên, nhiều người Việt đã bắt đầu chuyển sang thanh toán không tiền mặt như chuyển khoản ngân hàng (25%) hay sử dụng thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ…
Trong các nền tảng mua sắm, sàn TMĐT Shopee là sự lựa chọn hàng đầu với tỷ lệ áp đảo 73,9%, sau đó là Lazada (53%) và Tiki (26,1%). Đây cũng là trật tự xét theo quy mô và độ phổ biến của các sàn TMĐT tại thị trường Việt Nam hiện nay.
Theo một báo cáo của nền tảng số liệu TMĐT Metric, từ đầu năm 2022 đến hết tháng 11/2022, doanh thu bán hàng trên Shopee ước đạt 91.000 tỷ đồng, Lazada đạt 26.500 tỷ đồng và Tiki đạt 5.700 tỷ đồng.
Mặt khác, các nền tảng mạng xã hội không thực sự được ưa chuộng khi chỉ có 2,6% đáp viên chọn mua sắm qua đây.