Theo Nikkei Asia, lợi nhuận của các ngân hàng Trung Quốc đang bị đe dọa vì ngày càng nhiều người mua nhà muốn trả nợ trước hạn.
Ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy xu hướng này đang gia tăng trong những tháng gần đây. Nhiều người rút tiền khỏi các khoản đầu tư thua lỗ hoặc vay kinh doanh lãi suất thấp để thanh toán khoản vay thế chấp trước hạn.
Để đối phó, các nhà băng Trung Quốc bắt đầu đưa ra một số chiến lược nhằm hạ nhiệt làn sóng trả nợ trước hạn, ít nhất là trong tương lai gần.
Làn sóng trả nợ trước hạn
"Làn sóng trả nợ trước hạn chưa từng xảy ra với quy mô lớn như thế này. Điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới doanh thu của các ngân hàng", ông Ding Shuang - chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc đại lục và Bắc Á tại Standard Chartered - nhận định.
Cuối tháng 1, một giám đốc của China Merchants Bank cho biết số lượng khách hàng thanh toán khoản vay thế chấp trước hạn "đã gia tăng rõ rệt sau Tết Nguyên đán".
Làn sóng trả nợ trước hạn chưa từng xảy ra với quy mô lớn như thế này. Điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới doanh thu của các ngân hàng
Ông Ding Shuang, chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc đại lục và Bắc Á tại Standard Chartered
Để đối phó với tình trạng này, ngân hàng của ông đã yêu cầu khách hàng sắp xếp gặp mặt phía ngân hàng nếu muốn thảo luận về việc trả nợ.
Một nhân viên ngân hàng tại China Construction Bank cho biết ngân hàng này đã tạm dừng chức năng trả nợ trước hạn trên ứng dụng điện thoại do số lượng yêu cầu tăng vọt.
Khách hàng cần đợi vài tháng để đặt lịch thanh toán khoản vay trước hạn.
Nói với Nikkei Asian, cô Zhang, 35 tuổi, cho biết cô đã phải đợi 2 tháng để thanh toán khoản vay mua nhà 2 triệu nhân dân tệ (khoảng 290.000 USD) trước hạn.
Một mặt, các ngân hàng có thể loại bỏ rủi ro tín dụng nhờ làn sóng trả nợ sớm. Nhưng điều này cũng bào mòn lợi nhuận từ lãi vay của nhà băng.
Theo ông Dan Wang - chuyên gia kinh tế trưởng của Hang Seng Bank China - đây là một trong những nguồn lợi nhuận an toàn của các ngân hàng. Chưa tới 0,7% khoản vay cá nhân, bao gồm vay mua nhà, được xếp vào nhóm nợ xấu.
Tận dụng các khoản vay lãi suất thấp
Lãi vay thế chấp tại Trung Quốc thường nhỉnh hơn lãi suất cơ bản (LPR) cho khoản vay 5 năm. LPR đã giảm từ 4,8% hồi năm 2019 xuống 4,3%, kéo lãi vay mua nhà giảm theo.
Do đó, theo vị giám đốc chi nhánh tại China Merchants Bank, nhiều người vay mua nhà với mức lãi suất cũ cảm thấy bất công.
Họ dùng nhiều cách để thanh toán hết khoản vay thế chấp cũ. Nhiều người rút tiền từ các khoản đầu tư thua lỗ để trả nợ, trong đó có cô Zhang.
Nhiều người khác sử dụng các khoản vay tiêu dùng hoặc kinh doanh lãi suất thấp để trả nợ ngân hàng dù hoạt động này bị cấm.
Trong những năm qua, Bắc Kinh đã khuyến khích các ngân hàng cấp tín dụng đối với những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các nhà băng nhỏ cạnh tranh gay gắt nhằm thu hút khách vay doanh nghiệp, điều này đẩy lãi vay kinh doanh xuống thấp.
Theo một nhân viên ngân hàng tại chi nhánh Phật Sơn của Rural Commercial Bank, ngân hàng đang cung cấp khoản vay cho khách hàng cá nhân với mục đích kinh doanh, lãi suất chỉ dưới 4%/năm.
Các ngân hàng không công bố dữ liệu về việc trả nợ sớm. Nhưng theo Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, tổng dư nợ thế chấp của nước này đã giảm từ 38.900 tỷ nhân dân tệ hồi tháng 9/2022 xuống 38.800 tỷ nhân dân tệ vào cuối năm 2022.
Trong khi đó, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết giá nhà trung bình tại 70 thành phố lớn của Trung Quốc đã giảm (so với cùng kỳ năm trước) 10 tháng liên tiếp.
"Nhóm khách hàng mua nhà để đầu tư đã biến mất hoàn toàn trong 2 năm qua", một môi giới bất động sản ở ngoại ô thành phố Quảng Châu cho biết.