Theo Wall Street Journal, khi giá xăng tăng lên mức kỷ lục 5 USD /gallon, nhiều tài xế Mỹ đã giảm mua xăng.
Theo công ty cung cấp dữ liệu OPIS, trong tuần đầu tiên của tháng 6, doanh số của các trạm xăng ở Mỹ đã giảm 8,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các tài xế đang tìm cách di chuyển ít hơn. Nhiều người chuyển sang đi chung xe hoặc dùng phương tiện giao thông công cộng. Trong khi đó, theo giới quan sát, một số nhân viên văn phòng tăng số ngày làm việc từ xa.
Giá tăng phá hủy nhu cầu
Theo ước tính của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, trong tuần đầu tiên của tháng 6, tiêu thụ dầu tại Mỹ đã giảm 110.000 thùng/ngày so với tuần trước đó xuống còn khoảng 9,1 triệu thùng/ngày. Con số này giảm từ 9,4 triệu thùng vào cùng kỳ năm ngoái.
Giá xăng trung bình tại Mỹ đã giảm từ hơn 5 USD /gallon xuống khoảng 4,955 USD /gallon trong ngày 22/6. Giá xăng tương lai cũng lao dốc khi giới đầu tư lo ngại rằng nhu cầu sẽ giảm vì giá tăng cao.
Theo ông Tom Kloza - Trưởng bộ phận Phân tích năng lượng toàn cầu tại OPIS, nhu cầu bị phá hủy sẽ tạo cơ hội cho cung theo kịp cầu.
Sự sụt giảm trên thị trường hiện tại vẫn nhỏ hơn nhiều cú rơi hồi năm 2020. Thời điểm đó, các đợt phong tỏa để đối phó với dịch Covid-19 khiến hàng triệu người bị mắc kẹt ở nhà.
Tuy nhiên, sự sụt giảm trên thị trường vào thời điểm này cho thấy người tiêu dùng đã bắt đầu cắt giảm chi tiêu cho nhiên liệu khi giá tăng mạnh.
Một phần nguyên nhân khiến giá xăng leo lên ngưỡng kỷ lục là công suất của các nhà máy lọc dầu tại Mỹ đã giảm khoảng 800.000 thùng/ngày so với mức trước dịch. Chính quyền Tổng thống Joe Biden đang kêu gọi ngành công nghiệp dầu mỏ tăng công suất.
Tuy nhiên, các nhà máy lọc dầu hiện đã hoạt động gần hết công suất. Điều này đồng nghĩa với việc rất khó để thu hẹp khoảng cách cung - cầu trong ngắn hạn.
Theo dữ liệu chính thức được công bố hôm 21/6, trong năm 2021, công suất lọc dầu của Mỹ đã giảm năm thứ 2 liên tiếp,
Trong 3 năm qua, nhiều nhà máy lọc dầu đã phải đóng cửa vì nhu cầu lao dốc nghiêm trọng trong thời kỳ đại dịch, khiến giá dầu thô tương lai có thời điểm rơi xuống mức âm.
Cắt giảm chi tiêu
Theo ông Garrett Golding - nhà kinh tế tại Ngân hàng Dự trữ Liên bang Dallas, áp lực lạm phát đẩy giá của nhiều mặt hàng tiêu dùng lên cao, nhất là giá nhiên liệu. Trong khi đó, mức tăng tiền lương của người tiêu dùng không thể bắt kịp.
"Dù nền kinh tế Mỹ vẫn chưa chịu ảnh hưởng trực tiếp, giá xăng sẽ không thể duy trì trên ngưỡng 5,5 USD /gallon trong thời gian dài", ông Golding nhận định. "Đó là lúc mọi thứ bắt đầu sụp đổ", ông cảnh báo.
Ông Andrew Clyde - Giám đốc điều hành của công ty bán lẻ nhiên liệu Murphy USA Inc. (có trụ sở tại bang Arkansas) - tiết lộ người tiêu dùng đang mua ít xăng hơn, nhưng lại ghé trạm xăng thường xuyên hơn.
Theo ông, điều này gợi nhớ đến giai đoạn năm 2008, khi các tài xế săn lùng xăng giá rẻ, chuyển từ loại trung, cao cấp sang xăng thường và di chuyển ít hơn trong bối cảnh giá xăng tăng mạnh.
Còn ông Jonathan Pertchik - Giám đốc điều hành TravelCenters of America Inc., công ty vận hành các trạm dừng xe tải ở 44 bang - cho biết lượng tiêu thụ dầu diesel vẫn ở mức cao dù giá đi lên.
Tuy nhiên, các tài xế xe chở khách đang chi tiêu ít hơn tại những cửa hàng tiện lợi hay nhà hàng.
"Thành thật mà nói, giá xăng dầu tăng cao khiến tài xế phải tiêu ít hơn cho những thứ khác", ông Pertchik chia sẻ.
Mới đây, nguồn tin của Reuters tiết lộ Tổng thống Biden dự kiến yêu cầu Quốc hội Mỹ thông qua việc hoãn thuế nhiên liệu liên bang 0,184 USD /gallon trong vòng 3 tháng. Tổng thống cũng kêu gọi các bang tạm dừng thu thuế nhiên liệu. Thuế nhiên liệu địa phương thường cao hơn mức liên bang.
Một số công ty cũng đã bắt đầu hỗ trợ tiền xăng cho các nhân viên. First Interstate BancSystem Inc. hỗ trợ tiền xăng 130 USD /tháng đối với những nhân viên có thu nhập dưới 65.000 USD /năm.
"Tôi không muốn các nhân viên cân nhắc tìm công việc khác gần nhà hơn vì chi phí đi lại quá tốn kém", ông Kevin Riley, Giám đốc điều hành của công ty có trụ sở tại Montana - chia sẻ.