Theo dữ liệu từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), giá trị tài sản ròng của các hộ gia đình và tổ chức phi lợi nhuận ở nước này đã giảm khoảng 400 tỷ USD xuống còn 143.300 tỷ USD trong quý III.
Tổng giá trị cổ phiếu của các hộ gia đình này cũng giảm khoảng 1.900 tỷ USD, trong khi giá cả thị trường của các bất động sản mà họ nắm giữ tăng thêm 700 tỷ USD.
Trước đó, vào quý II năm nay, giá trị tài sản ròng của người Mỹ còn giảm tới hơn 6.000 tỷ USD và nguyên nhân cũng là thị trường lao dốc.
Theo CNN, trong 3 tháng kể từ tháng 7, chỉ số S&P 500 đã giảm tới hơn 5%, và nếu tính từ đầu năm thì con số này là 14,6%. Trong khi đó, giá nhà chỉ tăng khoảng 0,1% so với quý trước.
Tổng nợ hộ gia đình đã tăng 6,3% trong quý III năm nay - tốc độ này là chậm hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Nợ thế chấp để mua nhà cũng tăng khoảng 6,6%, trong khi con số này ở nợ tín dụng tiêu dùng là 7%.
Tình hình tài chính tốt hơn trước đại dịch
Đây là sự thay đổi đáng chú ý so với đà tăng mạnh của giá trị tài sản bắt đầu từ giữa năm 2020, nhờ giá nhà và cổ phiếu tăng vọt. Giá trị tài sản ròng của người Mỹ vào cuối năm 2021 là 150.100 tỷ USD nhưng sau đó đã giảm liên tiếp trong 3 quý vừa qua.
Bất chấp sự sụt giảm tài sản, bà Kathy Bostjancic - nhà kinh tế trưởng tại công ty dịch vụ tài chính và bảo hiểm Nationwide - cho biết rằng nhiều người Mỹ thuộc tầng lớp trung lưu hay thượng lưu đang có khả năng tài chính tốt hơn nhiều so với thời điểm trước đại dịch.
Tổng giá trị tài sản ròng của các hộ gia đình và tổ chức phi lợi nhuận hiện cao gấp gần 8 lần so với tổng thu nhập khả dụng của họ, lớn hơn mức 7 lần của năm 2019. Điều này cho phép họ chi tiêu thoải mái kể cả khi lạm phát đã đẩy giá cả lên cao. Và theo bà Bostjancic, khả năng tài chính của những hộ gia đình trung lưu này sẽ giúp nước Mỹ không rơi vào tình trạng suy thoái sâu.
Ngay cả trong thời kỳ thị trường chứng khoán hỗn loạn và bất động sản suy thoái như năm nay, tổng tài sản của các hộ gia đình và các nhóm phi lợi nhuận cũng chỉ thiệt hại khoảng 7.000 tỷ USD - ít hơn nhiều so với mức 110.800 tỷ USD trong quý đầu tiên của năm 2020, khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Do đó, giáo sư Brian Bethune - nhà kinh tế học tại Đại học Boston - cho rằng thị trường chứng khoán hiện tại chưa có tác động lớn đến giá trị tài sản ròng.
Quan điểm trái chiều về tài chính cá nhân
Tuy nhiên, trái ngược với những chuyên gia, nhiều người Mỹ không cảm thấy hài lòng với tình hình tài chính của họ.
Trong cuộc thăm dò mới nhất của CNN, 50% số người được khảo sát cho biết tình hình hiện tại tệ hơn so với một năm trước, còn 30% thì cho rằng tình hình tài chính giữa 2 năm là tương đối giống nhau. Chỉ 16% người được hỏi cảm thấy mình khá giả hơn trong năm 2022.
Khoảng 93% những người tham gia cuộc khảo sát này cho biết họ có nhiều lo lắng về chi phí sinh hoạt hiện tại, trong đó có 63% chia sẻ rằng họ đã phải cắt giảm một phần chi tiêu vì vật giá leo thang quá nhanh.
Ngoài ra, cũng có hơn 50% người dân tin rằng tình hình nền kinh tế đang tiếp tục xấu đi và khoảng 30% người cho rằng kinh tế đã ổn định trở lại. Chỉ có 17% người dân hy vọng rằng nền kinh tế đang tốt lên.
Còn trong cuộc khảo sát của CNN vào tháng 12 năm ngoái, chỉ 30% người tham gia cảm thấy tình hình tài chính của mình hạn hẹp hơn năm trước.