Theo Wall Street Journal, trong năm nay, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi tổng cộng 3,75 điểm phần trăm, đưa lãi suất quỹ liên bang lên 3,75-4%, mức cao nhất kể từ tháng 1/2008. Nhưng người gửi tiền tại các ngân hàng lớn nhất nước Mỹ vẫn chỉ được trả lãi rất ít.
Về lý thuyết, chỉ tính riêng trong quý III, người gửi có thể kiếm được 42 tỷ USD nếu chuyển khoản tiết kiệm từ 5 ngân hàng lớn nhất sang các tài khoản trả lãi cao nhất.
Nhưng thực tế phức tạp hơn nhiều. Tổng lợi nhuận của 5 ngân hàng kém xa mức 42 tỷ USD. Và nếu người gửi ồ ạt chuyển tiền sang các tài khoản tiết kiệm được trả lãi cao, những nhà băng này có thể hạ lãi suất.
Chênh lệch lãi suất tiền gửi
5 ngân hàng lớn nhất nước Mỹ - Bank of America Corp., Citigroup Inc., JPMorgan Chase & Co., U.S. Bancorp và Wells Fargo & Co. - trả trung bình 0,4% lãi suất đối với tài khoản tiết kiệm và tài khoản thị trường tiền tệ trong quý III, theo S&P Global.
Còn theo dữ liệu của Bankrate.com, mức lãi trung bình của 5 tài khoản tiết kiệm trả lãi cao nhất là 2,14% cùng kỳ.
5 ngân hàng lớn nhất nước Mỹ nắm giữ 50% tiền gửi tại các ngân hàng thương mại ở nước này. Tỷ lệ này gần như không thay đổi dù những nhà băng khác trả lãi cao hơn.
Các tài khoản tiết kiệm và thị trường tiền tệ được theo dõi bởi Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC). Có 42 tỷ USD tiền lãi bị bỏ lỡ trong quý III là con số cao kỷ lục kể từ khi FDIC bắt đầu thu thập dữ liệu.
Tính từ đầu năm 2019, người Mỹ đã mất ít nhất 291 tỷ USD tiền lãi vì gửi tiền tại các ngân hàng lớn nhất. Số tiền này lên tới 603 tỷ USD trong vòng 8 năm qua.
Cùng kỳ, 5 ngân hàng lớn nhất trả lãi trung bình 0,24%, bao gồm tài khoản thị trường tiền tệ lãi suất cao và tài khoản doanh nghiệp. Còn những tài khoản tiết kiệm truyền thống chỉ được trả trung bình 0,02%.
Cuộc đua giữ chân khách hàng
Theo ông Gary Zimmerman - Giám đốc điều hành của MaxMyInterest, việc mở một tài khoản ngân hàng mới thường tốn thời gian. Trong khi đó, một số khách hàng không biết họ có thể nhận thêm bao nhiêu tiền nhờ chuyển sang ngân hàng khác. Nhiều người thậm chí không quan tâm.
Hơn nữa, nhiều khách hàng của các ngân hàng lớn có khoản tiền gửi rất nhỏ. Việc chuyển sang nhà băng khác không giúp họ lãi thêm bao nhiêu. Chẳng hạn, một người gửi 1.000 USD sẽ chỉ kiếm thêm 20 USD/năm nếu giữ tiền ở những tài khoản trả lãi cao hơn.
Nếu các vị có thể giữ chân khách hàng mà không cần tăng lãi suất, đó chính là yếu tố then chốt của cuộc chơi. Mọi người sẽ muốn thu hút những khách hàng ổn định với chi phí thấp
Ông Nathan Stovall, chuyên gia phân tích về dữ liệu lĩnh vực tài chính tại S&P Global Market Intelligence
Theo ông Nathan Stovall, một chuyên gia phân tích về dữ liệu lĩnh vực tài chính tại S&P Global Market Intelligence, mọi người cũng sẵn sàng trả tiền để đổi lấy sự tiện lợi và đơn giản.
Các ngân hàng đầu tư hàng tỷ USD để phát triển công nghệ thân thiện với người dùng và các dịch vụ ngân hàng dành cho người tiêu dùng. Dĩ nhiên, khoản tiền đó không thấm vào đâu so với số tiền lãi họ phải trả cho khách hàng nếu tăng lãi suất tiền gửi.
"Nếu các vị có thể giữ chân khách hàng mà không cần tăng lãi suất, đó chính là yếu tố then chốt của cuộc chơi. Mọi người sẽ muốn thu hút những khách hàng ổn định với chi phí thấp", ông giải thích.
Cô Alicia Gillum, 45 tuổi, là khách hàng của Bank of America suốt 26 năm. Cô không quan tâm đến các nhà băng mới, dù khoản tiết kiệm hơn 100.000 USD của cô gần như không được trả lãi.
Nhờ vậy, cô Gillum được đưa vào nhóm khách hàng hạng Bạch kim. Ngân hàng trả lãi 0,04% cho tài khoản tiết kiệm của cô thay vì 0,01% như những tài khoản thông thường.
Cô cũng được miễn phí sử dụng các dịch vụ ngân hàng, giảm phí khi vay thế chấp và giảm lãi đối với những khoản vay mua xe và mua nhà. "Tiết kiệm chỉ là việc thứ yếu", cô chia sẻ.