Theo thông tin công bố trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE), ông Đỗ Văn Khánh - Phó chủ tịch CTCP Thép Pomina, đồng thời là em trai Chủ tịch Đỗ Duy Thái - đã đăng ký bán toàn bộ 825.240 cổ phiếu POM, tương đương tỷ lệ 0,3%, với mục đích đầu tư.
Giao dịch dự kiến thực hiện trong thời gian 12/1-6/2 theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh.
Với cùng lý do trên, ông Đỗ Ngọc Sang - con trai ông Đỗ Văn Khánh - cũng đăng ký bán toàn bộ 869.929 cổ phiếu của doanh nghiệp ngành thép. Phương thức và thời gian dự kiến giao dịch của ông Sang cũng tương tự người cha đang ngồi ghế phó chủ tịch.
Ước tính theo giá đóng cửa phiên 8/1 là 5.400 đồng/cổ phiếu, các giao dịch có thể mang về cho cha con ông Khánh 9,2 tỷ đồng.
Động thái này xuất hiện trong bối cảnh thị giá POM đã phục hồi dần sau khi tạo đáy vào cuối tháng 10/2023. Tuy nhiên khoảng một tháng trở lại đây, giá POM liên tục duy trì trạng thái tích lũy, đi ngang.
Thực tế kể từ cuối năm 2023 đến nay, người nhà lãnh đạo Thép Pomina liên tục có động thái bán ra cổ phiếu.
Gần nhất, em gái Chủ tịch Đỗ Duy Thái là bà Đỗ Thị Kim Ngọc đăng ký bán 1,63 triệu cổ phiếu từ ngày 8/1 đến 6/2 với mục đích đầu tư, qua đó hạ sở hữu xuống còn 2,35 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 0,84%).
Cá nhân này từng đăng ký bán cổ phiếu vào cuối năm 2023 nhưng chỉ hoàn tất 70,5% lượng đăng ký, tương đương 3,9 triệu cổ phiếu POM trên tổng số 5,53 triệu cổ phiếu, do không đạt được giá kỳ vọng.
Hai người chị em khác của chủ tịch Thép Pomina là bà Đỗ Thị Nguyệt và Đỗ Thị Kim Cúc cũng có động thái thoái hàng triệu cổ phiếu công ty.
Từ ngày 30/6/2023 đến nay, các thành viên trong gia đình chủ tịch Thép Pomina đã bán ra 28,5 triệu cổ phiếu POM, chiếm khoảng 10,17% vốn công ty. Tổng tỷ lệ sở hữu của cả nhóm theo đó điều chỉnh từ 22,31% xuống còn 12,14%.
Trong một diễn biến liên quan, mã POM tiếp tục có mặt trong danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ quý I do HoSE mới công bố hồi đầu năm, do cổ phiếu này vẫn thuộc diện kiểm soát.