Joana Cheong, Giám đốc điều hành 26 tuổi một công ty giải pháp kỹ thuật số ở Singapore, tự nhận mình là một trong những người may mắn nhất. Khi cô chuyển từ căn hộ gần trung tâm đến một nơi xa hơn vào tháng 8 năm ngoái, tiền thuê nhà của cô chỉ tăng gấp đôi.
Nhiều người bạn của cô trong cộng đồng người nước ngoài ở Singapore đã phải đối mặt với sự tăng giá nhà thậm chí còn lớn hơn trong những tháng gần đây. Lý do là nhu cầu về bất động sản tăng cao khi dòng người giàu có từ các nước khác đổ xô về quốc đảo sư tử, theo Nikkei Asia.
Giá nhà tăng cao
Theo Cheong, việc tiền thuê nhà tăng cao sẽ cản chân những người trẻ tài năng chuyển đến Singapore làm việc.
"Nhiều người đã mua hoặc thuê các căn hộ nhỏ hơn, chất lượng thấp hơn và họ vẫn tiếp tục phàn nàn về tiền thuê nhà. Một số người nước ngoài đã trở lại quê hương hoặc chuyển đến một quốc gia khác”, Cheong chia sẻ.
Việc nhiều dự án không hoàn thành kịp tiến độ trong thời kỳ đại dịch đã khiến nguồn cung căn hộ ở Singapore trở nên khan hiếm. Giá bán và giá thuê cũng vì thế mà tăng lên trong những năm qua. Kể từ năm 2017, giá bán căn hộ chung cư đã tăng gần 40%, trong khi giá thuê tăng vọt hơn 50%.
Chính phủ Singapore cũng đã bày tỏ lo ngại về chi phí nhà ở. Từ ngày 27/4, giới chức nước này đã tăng thuế trước bạ bất động sản đối với người mua nước ngoài lên gấp đôi, từ 30% lên 60%, để “hạ nhiệt” thị trường.
Bên cạnh đó, các nhà chức trách tin rằng thị trường cho thuê có thể sớm được điều tiết ổn định trong năm nay khi nhiều dự án mới xuất hiện trong tương lai gần.
Mức thuế 60% không dành cho tất cả
Giới chuyên gia đang có những quan điểm trái chiều về tác động của việc tăng thuế suất.
Một số người gọi đó là "quyết định thay đổi cuộc chơi" khi quy định này sẽ làm giảm nhu cầu mua nhà của người Trung Quốc tại Singapore và có thể kìm hãm xu hướng tăng giá bất động sản nhà ở.
Những người khác lại nghĩ rằng nhu cầu sở hữu nhà tiếp tục tăng lên bởi công dân của một số quốc gia sẽ không thuộc diện áp dụng quy định.
Sẽ không ngạc nhiên nếu lượng người Mỹ mua nhà tăng vọt trong vài tháng tới
Ông Lee Sze Teck, Giám đốc nghiên cứu cấp cao của Công ty bất động sản Huttons
Theo cơ quan thuế Singapore, công dân Mỹ, Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sĩ được hưởng mức thuế suất mua nhà tương tự người dân Singapore do tác động của các hiệp định thương mại tự do.
Đây là một sự tương phản rõ rệt đối với mức thuế 60% mà những người nước ngoài khác, bao gồm cả người Trung Quốc, đang phải gánh chịu.
“Trong số những người nước ngoài được áp dụng thuế suất tương tự như công dân Singapore, Mỹ là quốc gia nổi bật nhất. Sẽ không ngạc nhiên nếu lượng người Mỹ mua nhà tăng vọt trong vài tháng tới”, ông Lee Sze Teck, Giám đốc nghiên cứu cấp cao của Công ty bất động sản Huttons, nhận định.
Số lượng người Mỹ mua bất động sản nhà ở đã tăng từ 110 người vào năm 2019 lên khoảng 250 người vào năm ngoái, theo cổng thông tin bất động sản ở Singapore. Ngược lại, người mua từ Trung Quốc đã giảm từ khoảng 340 người xuống còn 270 trong cùng thời điểm.
Trước đó, người Trung Quốc đã liên tục đứng đầu danh sách nhóm người nước ngoài mua nhà nhiều nhất tại Singapore. Nhiều người trong số họ đã đăng ký hộ khẩu thường trú tại quốc đảo sư tử trước khi mua nhà để tránh các khoản thuế bất động sản khổng lồ.
Nếu tính cả những người thường trú, số lượng công dân Trung Quốc mua nhà riêng ở Singapore đạt tổng cộng 1.390 người vào năm 2022. Con số này đối với người Mỹ chỉ là 310 người.
Dẫu vậy, bất chấp các loại thuế quan mới, các nhà đầu tư Trung Quốc vẫn mạnh tay chi tiền vào bất động sản tại Singapore.
“Sự quan tâm của người nước ngoài đối với những căn nhà sang trọng không thuyên giảm nhiều, sau khi chính phủ áp dụng các biện pháp “hạ nhiệt”. Số lượng người nước ngoài hẹn đi xem nhà ở phân khúc cao cấp vẫn rất lớn”, ông Lee Sze Teck cho biết.
Khi thoát ra khỏi đại dịch, giới nhà giàu Trung Quốc đã đẩy mạnh việc chuyển tài sản ra nước ngoài. Họ đang ngày càng lo ngại trước các chính sách thu hẹp bất bình đẳng tài chính ở quê hương. Đồng thời, Singapore lại trở thành một điểm nóng đối với dòng vốn từ Trung Quốc khi Bắc Kinh thắt chặt kiểm soát Hong Kong.