Những chiếc xe xếp hàng dài để được đổ xăng ở Paris, Pháp. Ảnh: Reuters
Thierry, tài xế taxi ở Paris, chờ hơn ba tiếng mới đổ được xăng. Ông đã đi một vòng Paris để tìm chỗ đổ xăng và đợi ba tiếng tại một trạm để chờ xe chở xăng tới.
"Đã hai ngày rồi tôi không thể đi làm ", Thiery cho biết.
"Chúng tôi đã đợi cả tiếng. Dòng xe xếp hàng gần như chẳng nhúc nhích khiến chúng tôi thật sự không biết phải làm gì” - một người lái xe cho biết xe mình đã cạn sạch xăng.
Một nữ tài xế cho hay đã đến 3 trạm xăng nhưng vẫn không mua được. "Tôi đến đó cùng lúc với nhiều người nhưng họ trưng biển thông báo trạm đã hết xăng".
Hình ảnh xe xếp hàng dài ở các trạm xăng hay biển thông báo hết xăng trở nên quen thuộc ở Pháp những ngày gần đây. Ở Haute-Savoie, đông nam nước Pháp, một người đàn ông tầm 30 tuổi phải nhập viện sau khi xô xát với một tài xế khác chỉ vì chen lấn tại trạm xăng.
Theo AFP, tình trạng thiếu hụt, gián đoạn nguồn cung đã ảnh hưởng đến các trạm xăng dầu khắp nước Pháp do các cuộc đình công của công nhân ngành dầu suốt 2 tuần qua. Họ yêu cầu tăng lương trong bối cảnh lạm phát gia tăng.
Bộ Năng lượng cho biết hơn 1/5 các trạm dịch vụ của Pháp đã phải vật lộn với các vấn đề về nguồn cung do các cuộc đình công tại các nhà máy lọc dầu do các công ty dầu khí TotalEnergies (TTEF.PA) và ExxonMobil (XOM.N).
Ba trong số 6 nhà máy lọc dầu đang ngừng hoạt động vì đình công, khiến sản lượng giảm 60%, tương đương 740.000 thùng xăng mỗi ngày. Phần lớn trong số khoảng 3.500 trạm xăng dầu của TotalEnergies, chiếm gần 1/3 tổng số trạm xăng dầu tại Pháp, đang trong tình trạng cạn kiệt nhiên liệu.
Số liệu của chính phủ ước tính chỉ 19% trạm xăng bị ảnh hưởng, tình trạng thiếu hụt xảy ra phần lớn ở phía bắc. Nhưng Dominique Schelcher, chủ tịch chuỗi bán lẻ Système U cho hay chính phủ đã đánh giá thấp sự gián đoạn nguồn cung.
"Chỉ có miền Tây nước Pháp mới có nhiên liệu dự trữ", Schelcher nói, cho biết không thể đặt hàng nhiên liệu ở phía bắc, đông và nam nước Pháp trong tuần này.
Thiếu xăng dầu còn khiến các ngành nghề khác như dịch vụ giao hàng, y tế, hậu cần và taxi rơi vào hỗn loạn.
"Điều khiến tôi lo lắng là chuyện gì sẽ xảy ra với người khuyết tật. Nếu chúng tôi không đổ được xăng sẽ không ai phục vụ việc đi lại cho họ. Xe tôi chỉ còn nửa bình", một tài xế taxi đang đợi đổ xăng ở Paris nói.
Hơn một tuần trước, tổ chức công đoàn CGT của Pháp kêu gọi đình công ở TotalEnergies. Người lao động yêu cầu tăng lương trong bối cảnh chi phí sinh hoạt tăng vọt, còn các công ty năng lượng ghi nhận lợi nhuận tăng mạnh.
Trong quý II, TotalEnergies báo cáo lợi nhuận 5,7 tỷ USD, gấp nhiều lần so với 2,2 triệu USD cùng kỳ năm 2021. CGT kêu gọi đánh thuế khoản lợi nhuận tăng thêm này, đồng thời yêu cầu tăng lương 10% để chống lạm phát và chia sẻ lợi nhuận với người lao động.
Tại nhà máy lọc dầu TotalEnergies ở Feyzin, gần thành phố Lyon, hoạt động sản xuất vẫn được duy trì nhưng việc giao hàng bị đình trệ. Pedro Afonso, đại diện tổ chức công đoàn CGT của Pháp, cho hay: "Bình thường mỗi ngày có khoảng 250-300 xe tải và 30-50 toa xe lửa chở nhiên liệu đi, nhưng bây giờ không xe nào ra được".
Christophe Aubert, đại diện CGT ở ExxonMobil, công ty đối thủ của TotalEnergies, cho hay 70% lao động cũng đình công. TotalEnergies ngày 9/10 đề xuất tổ chức sớm đàm phán tiền lương với điều kiện người lao động chấm dứt đình công, trong khi chính phủ Pháp kêu gọi các bên bình tĩnh.
"Đừng để tình hình biến thành hoảng loạn", Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lên tiếng cuối tuần trước.
Chính phủ Pháp đã can thiệp bằng cách sử dụng kho dự trữ chiến lược, cho phép xe chở nhiên liệu được giao hàng ngày Chủ nhật.