Cuộc khảo sát có sự tham gia của 9.069 người tiêu dùng trên 25 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam.
Theo kết quả khảo sát của PwC, hơn một phần ba, 37% người tiêu dùng nói rằng họ sẽ đến các cửa hàng khác nhau để mua hàng hoặc chuyển sang mua sắm trực tuyến . Gần một phần ba, 29% người mua sắm trực tuyến nói rằng sẽ chuyển sang tìm sản phẩm ở cửa hàng bán lẻ và 40% sẽ sử dụng các trang web so sánh để kiểm tra sản phẩm sẵn có.
Tình trạng bất ổn trên toàn cầu và các vấn đề chuỗi cung ứng đang khiến nhiều người tiêu dùng dành nhiều sự quan tâm hơn đối với thị trường trong nước. 8/10 người được khảo sát bày tỏ ý định sẵn sàng trả giá cao hơn mức trung bình cho các sản phẩm địa phương hoặc nội địa.
Cho đến nay, phần lớn người tiêu dùng đang phải đối mặt với mức lạm phát cao hơn. Trên 75% dự kiến sẽ duy trì hoặc tăng mức chi tiêu hiện tại trên hầu hết các danh mục trong 6 tháng tới. Đặc biệt, 47% người được hỏi mong muốn chi tiêu nhiều hơn cho hàng nhu yếu phẩm.
PwC cũng đưa ra một thông tin đáng chú ý cho tương lai mua sắm, có hơn một phần tư người tiêu dùng có kế hoạch giảm chi tiêu trong một số ngành hàng, bao gồm hàng xa xỉ/cao cấp (37%), ăn uống (34%), nghệ thuật, văn hóa và thể thao (30%); và thời trang (25%).
Nhìn chung, sự gia tăng giá của mặt hàng nhu yếu phẩm là vấn đề phổ biến nhất tác động đến trải nghiệm mua sắm, được dẫn chứng bởi số lượng người tiêu dùng mua sắm tại cửa hàng (65%) và trực tuyến (56%). Hơn một nửa số người tiêu dùng toàn cầu (57%) nói rằng họ hầu như luôn luôn hoặc thường xuyên gặp phải tình trạng giá hàng tạp hóa tăng cao.
Số liệu này ở Mỹ và Canada là 69%, theo sau Nam Phi (76%) và Brazil (74%) là các quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất về tình trạng lạm phát giá cả hàng hóa. Trong khi đó, tại Việt Nam, kết quả báo cáo trong mua sắm tại cửa hàng và trực tuyến đều cũng cao hơn một chút so với mức trung bình toàn cầu.
Các vấn đề về chuỗi cung ứng có ảnh hưởng đến trải nghiệm mua sắm trên toàn cầu, đáng chú ý nhất là việc không thể mua sản phẩm do hết hàng (43% trực tuyến và 37% tại cửa hàng). Người tiêu dùng cũng cho biết thời gian giao hàng lâu hơn đối với mua hàng trực tuyến (42%) và phải xếp hàng dài hơn do đông khách hơn ở các cửa hàng bán lẻ (36%).
Sự gián đoạn chuỗi cung ứng cho thấy tác động lớn hơn đến người tiêu dùng Việt Nam so với mức trung bình toàn cầu với thời gian giao hàng lâu hơn cho 48% người mua sắm trực tuyến và 24% với mua sắm tại cửa hàng.
Riêng tại Việt Nam, ông Mohammad Muddaser, Giám đốc, Dịch vụ Tư vấn Thương Vụ, PwC Việt Nam, cho biết, người tiêu dùng Việt Nam đang áp dụng những cách thức mua hàng mới, đặc biệt là ở các đô thị loại 1. Trong bối cảnh chuỗi cung ứng bị gián đoạn và lạm phát, khách hàng đã nhanh chóng điều chỉnh hành vi mua sắm của mình.
“Họ không thỏa hiệp với chất lượng sản phẩm, lựa chọn và dịch vụ thấp hơn mà tích cực chuyển đổi giữa các kênh mua hàng để đảm bảo trải nghiệm mua sắm phù hợp. Sự gián đoạn chuỗi cung ứng mang lại cơ hội cho các doanh nghiệp khi tận dụng những chỗ trống trong cung cấp dịch vụ. Đây sẽ là bài kiểm tra sự nhạy bén và sức bền của doanh nghiệp; đảm bảo giải quyết tình trạng gián đoạn, đáp ứng kỳ vọng và duy trì mối quan hệ với khách hàng” - ông Mohammad Muddaser nói.
Những thói quen tiêu dùng mới đang chiếm ưu thế
Người tiêu dùng đã thay đổi lối sống và thói quen mua hàng do tác động của dịch Covid-19. Nhiều thói quen này đã ăn sâu và có thể sẽ duy trì trong 6 tháng tới.
Do đại dịch, 63% người tiêu dùng toàn cầu được khảo sát cho biết, họ đã tăng cường mua sắm trực tuyến, trong khi 42% giảm mua sắm tại các cửa hàng. Một nửa số người được hỏi đã nấu ăn ở nhà nhiều hơn và 50% đã tăng các hoạt động giải trí/thư giãn tại nhà.
Trong tương lai, những người tiêu dùng này cho thấy rằng họ sẽ tiếp tục: 50% mong muốn mua sắm trực tuyến nhiều hơn - tỷ lệ này cao nhất ở thế hệ Millennials nòng cốt (58%), thế hệ Millennials trẻ (57%) và thế hệ Z (57%); trong khi đó, con số này thấp hơn ở thế hệ Baby Boomers (32%) và Gen X (42%). Có 39% số người được khảo sát mong đợi tiếp tục mua sắm trực tuyến ở mức hiện tại; 46% có kế hoạch nấu ăn nhiều hơn ở nhà; 41% sẽ thực hiện nhiều hoạt động giải trí/thư giãn ở nhà hơn; 41% sẽ mua sắm nhiều hơn từ các nhà bán lẻ cung cấp dịch vụ giao hàng/vận chuyển hiệu quả; 22% sẽ mua sắm ít hơn tại các cửa hàng; chỉ 33% sẽ tăng cường mua sắm tại cửa hàng.
Các yếu tố ESG cùng với bảo mật dữ liệu ảnh hưởng mạnh mẽ đến niềm tin thương hiệu
Theo PwC, các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị (ESG) tiếp tục ảnh hưởng đến nhận thức của người tiêu dùng. Khoảng một nửa số người tiêu dùng được khảo sát cho biết các hành động của thương hiệu liên quan đến ESG sẽ là nhân tố quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến niềm tin của họ và là yếu tố để họ chia sẻ, giới thiệu về thương hiệu với những người khác.
Trong số 25 quốc gia hoặc vùng lãnh thổ tham gia cuộc khảo sát, các yếu tố ESG có ảnh hưởng nhiều nhất đến hành vi mua sắm ở Ấn Độ, Philippines và Việt Nam, và ít có khả năng ảnh hưởng nhất ở Nhật Bản, Pháp và Hồng Kông (Trung Quốc).
Đối với việc cân nhắc mua hàng của người tiêu dùng Việt Nam, các yếu tố quản trị (59%) và xã hội (51%) vượt trội hơn cam kết môi trường (46%).
Các yếu tố ESG có ý nghĩa lớn hơn đối với thế hệ Gen Z và những người trẻ thuộc thế hệ Millennials, và ít hơn đối với thế hệ Gen X và Baby Boomers.
Các yếu tố quan trọng nhất để thương hiệu nuôi dưỡng và xây dựng niềm tin xoay quanh ESG là bảo mật dữ liệu và trải nghiệm khách hàng. Bảo mật dữ liệu cá nhân được xếp hạng đầu (58%) có tác động lớn đến niềm tin thương hiệu - đã tăng 11 điểm trong sáu tháng qua. "Luôn luôn đáp ứng kỳ vọng” và "Cung cấp dịch vụ khách hàng xuất sắc" cũng được đánh giá cao bởi hơn một nửa số người tham gia khảo sát (lần lượt là 53% và 52%).
Ông Mohammad Muddaser cho biết, việc đo lường hiệu quả tiêu dùng bằng các tiêu chí ESG sẽ không còn là tùy chọn mà trở thành yêu cầu cần thiết trong thời gian tới. ESG sẽ là một tiêu chí đánh giá trong phễu lọc doanh nghiệp, tạo nên sức bền của doanh nghiệp và là động lực tạo và thúc đẩy giá trị.
Các nhà đầu tư kêu gọi cần có thêm cái nhìn sâu hơn vào rủi ro và thực thi ESG, và các chính phủ các quốc gia đang xem xét ESG như các tiêu chuẩn báo cáo phi tài chính phổ biến. Chính phủ Việt Nam gần đây đã thể hiện cam kết mạnh mẽ về ứng phó biến đổi khí hậu tại COP26 và đang tiến hành các dự thảo luật.
“Những thay đổi này sẽ tác động đến tất cả các ngành, đặc biệt là tới cách vận hành, cách lựa chọn sản phẩm để phát triển và đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng của các ngành hàng tiêu dùng và bán lẻ tại Việt Nam. Lạm phát dự kiến sẽ tiếp tục khiến giá cả tăng lên và là một trong những thách thức cho người tiêu dùng đối với các yếu tố ESG trong ngắn hạn và trung hạn” - ông Mohammad Muddaser chia sẻ.