Theo nghiên cứu của công ty phân tích dữ liệu mạng xã hội YouNet Media, người tiêu dùng trong nước đang có cái nhìn tiêu cực về bảo hiểm nhân thọ (BHNT) sau khi lùm xùm hợp đồng bảo hiểm giữa diễn viên Ngọc Lan và MVI Life, cùng các vụ việc liên quan gây ra cuộc khủng hoảng ngành bảo hiểm.
Cụ thể, đơn vị này đã ghi nhận 846.000 thảo luận trên các nền tảng mạng xã hội xung quanh sự vụ của diễn viên Ngọc Lan và câu chuyện liên quan. Cuộc khủng hoảng kéo dài liên tục 19 ngày và trung bình có 44.500 thảo luận/ngày.
Mặt khác, trong 16 cuộc khủng hoảng diễn ra trong 3 năm 2020-2022, YouNet chỉ ghi nhận tổng cộng 410.500 thảo luận, bình quân 25.600 thảo luận/ngày và kéo dài 13 ngày.
Trong số 846.000 thảo luận kể trên, có 79,37% công khai bày tỏ thái độ chỉ trích công ty bảo hiểm và ngành BHNT nói chung. Bên cạnh đó, 4,5% thảo luận là từ các khách hàng đã mua BHNT bày tỏ sự lo lắng, mong muốn xem lại hợp đồng đã ký. Ở chiều ngược lại, chỉ 16,14% có thái độ ủng hộ đối với BHNT.
Không chỉ mang sắc thái tiêu cực mà phản ứng của người dùng Internet với sự vụ lần này còn đặc biệt kéo dài.
Bắt nguồn từ một buổi livestream của diễn viên Ngọc Lan diễn ra vào ngày 7/4, nhưng đến tận 25/4, tức gần 3 tuần sau đó, sự chú ý của cộng đồng mạng với sự vụ mới lắng xuống.
Ngay cả sau khi các bên có hành động giảng hòa thì lượng thảo luận mang sắc thái tiêu cực của người dùng Internet vẫn rất cao, đạt 27.900 thảo luận tiêu cực riêng trong ngày 20/4. Đây cũng là thời điểm công ty bảo hiểm MVI Life và diễn viên Ngọc Lan tổ chức buổi gặp gỡ báo chí và thống nhất tiếp tục hợp đồng bảo hiểm.
Các số liệu của YouNet cho thấy khủng hoảng lần này của ngành BHNT nhiều khả năng không dừng lại ở một sự vụ riêng lẻ mà sẽ để lại hệ lụy kéo dài cho uy tín của ngành.
Sau khi phân loại các thảo luận liên quan thành nhiều nhóm chủ đề giai đoạn 7-25/4, hãng nghiên cứu cho biết có 3 chủ đề của ngành BHNT nhận nhiều phản hồi tiêu cực là uy tín của ngành BHNT, kênh bancassurance (bảo hiểm phân phối qua ngân hàng) và các đại lý bảo hiểm.
Cụ thể, 97% tổng số thảo luận về kênh bancassurance mang sắc thái tiêu cực. Phần lớn người dùng phàn nàn về tình trạng bị nhân viên ngân hàng ép mua bảo hiểm khi vay vốn, không được tư vấn đúng về bản chất của BHNT hoặc bị tư vấn nhập nhằng giữa gửi tiết kiệm và mua bảo hiểm.
Đối với các đại lý, 90% tổng số thảo luận phản ánh các vấn đề về tinh thần trách nhiệm và kỹ năng tư vấn kém.
Đáng chú ý, có đến 72.318 thảo luận, tương đương 94% tổng số thảo luận liên quan, trên mạng xã hội đánh giá tiêu cực về uy tín của ngành BHNT.
Trên thực tế, tại buổi làm việc với báo chí ngày 24/4, Phó tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam Ngô Trung Dũng cũng nhấn mạnh giai đoạn vừa qua là đợt khủng hoảng lớn nhất ngành BHNT về mặt niềm tin kể từ khi thị trường được hình thành vào năm 1996.
Lũy kế đến hết tháng 3, cả thị trường có khoảng 13,69 triệu hợp đồng BHNT. Bên cạnh đó, thị trường cũng ghi nhận 730.000 đại lý bảo hiểm chính thức, gồm cá nhân lẫn tổ chức. Trong đó, bancassurance đang là kênh mang về nguồn thu lớn. Riêng năm 2022 đã có 995.400 hợp đồng BHNT được phân phối qua kênh liên kết với ngân hàng, chiếm 46% doanh số khai thác mới.
Trước những ảnh hưởng nặng nề, ông Dũng tin rằng doanh nghiệp khó tồn tại và phát triển nếu không có sự điều chỉnh. Doanh nghiệp trong đó cần đảm bảo quy trình, nghiệp vụ và tăng cường đào tạo đại lý.
Về phía cơ quan quản lý, gần đây, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước rà soát, làm rõ phản ánh về tình trạng ép buộc, lôi kéo khách hàng của ngân hàng tham gia bảo hiểm.
"NHNN phải có biện pháp chấn chỉnh, không để tạo dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành ngân hàng và quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của khách hàng. Phối hợp với Bộ Tài chính trong việc thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua ngân hàng", Phó thủ tướng chỉ đạo.