Theo Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, tiền tiết kiệm của các hộ gia đình nước này tại các ngân hàng đã lên tới 17.840 tỷ nhân dân tệ (tương đương 2.600 tỷ USD) trong năm 2022.
Trang tin CNN cho biết con số này chiếm hơn 1/3 tổng thu nhập của họ, trong khi trước đại dịch, tỷ lệ tiết kiệm chỉ là 1/5. Do đó, nhiều chuyên gia hy vọng rằng số tiền tiết kiệm kỷ lục này có thể tạo ra làn sóng chi tiêu mạnh mẽ khi Trung Quốc mở cửa.
Tiêu dùng dần hồi phục
Ông Swetha Ramachandran và ông Jian Shi Cortesi - hai giám đốc đầu tư của công ty quản lý tài sản GAM Investments (Thụy Sỹ) - cho biết tiêu dùng của Trung Quốc sau khi hồi phục sẽ là "một câu chuyện thú vị" đối với nhà đầu tư toàn cầu trong năm nay.
"Tiêu dùng Trung Quốc đang bùng nổ với nguồn tài chính dồi dào, các thương hiệu xa xỉ toàn cầu và những ngành hàng không thiết yếu giờ đây sẽ hưởng lợi đáng kể", hai chuyên gia nhận định.
Ngoài ra, theo Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc, hơn 300 triệu du khách đã chi tổng cộng 56 tỷ USD trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2023, tăng 30% so với cùng kỳ 2022. Còn theo Cục Quản lý Thuế, doanh số từ các doanh nghiệp hàng tiêu dùng cũng cao hơn 12% so với năm 2019.
Trong khi đó, công ty du lịch trực tuyến Tongcheng Travel thì cập nhật rằng lượng đặt phòng khách sạn đã tăng hơn 10 lần tại một số điểm hấp dẫn như Tây An và Lạc Dương. Bảo tàng Đội quân đất nung tại Tây An thậm chí còn đông đến mức du khách phàn nàn rằng họ chỉ có thể nhìn thấy đầu người khác chứ không thấy tượng.
Theo một khảo sát khác nữa do Hiệp hội Ẩm thực Trung Quốc công bố tuần trước, các nhà hàng ghi nhận doanh số cao hơn so với trước đại dịch và còn không xoay xở kịp vì nhu cầu tăng quá nhanh. Hơn 1/3 doanh nghiệp trả lời trong khảo sát rằng họ "thiếu nhân lực trầm trọng" trong mùa Tết.
Bên cạnh du lịch, nhiều hoạt động giải trí khác như xem phim cũng bùng nổ trở lại. Theo Cục Điện ảnh Trung Quốc, tổng doanh thu phòng vé nước này trong Tết đạt hơn 1,5 tỷ USD với 129 triệu lượt khách đến rạp phim.
Niềm tin kinh doanh trở lại
Chi tiêu bùng nổ đã thúc đẩy niềm tin kinh doanh trở lại. Sau khi chứng kiến doanh số kỷ lục tại nhiều cửa hàng, Xiabuxiabu - một trong những chuỗi lẩu lớn nhất Trung Quốc - đã mở thêm 34 cửa hàng mới vào tháng trước.
Các thương hiệu xa xỉ toàn cầu cũng đặt nhiều kỳ vọng vào nước này khi LVMH "tự tin" rằng thị trường hàng xa xỉ Trung Quốc sẽ phục hồi trong năm nay. CEO LVMH Bernard Arnault thậm chí còn cho biết các cửa hàng ở Pháp đã sẵn sàng chào đón khách Trung Quốc. Trong khi đó, Burberry cũng nhận thấy những dấu hiệu "rất hứa hẹn".
Từ phía các chuyên gia, ngân hàng BNP Paribas cho biết hoạt động "mua sắm bù" ở Trung Quốc chắc chắn sẽ xảy ra, dù quy mô có nhỏ hơn các nền kinh tế phương Tây khác. "Việc dỡ bỏ các hạn chế thời Covid-19 sẽ giải phóng nhu cầu bị dồn nén. Chúng tôi kỳ vọng động lực lớn nhất cho sự phục hồi năm 2023 là tiêu dùng", BNP Paribas nhận định.
Ngân hàng này đặt mức kỳ vọng tăng trưởng tiêu dùng hộ gia đình tại Trung Quốc sẽ là 9,5% trong năm nay - gấp 3 lần năm ngoái - và giúp kéo tăng trưởng GDP lên trên 5%.
Trong khi đó, Morgan Stanley dự đoán "mua sắm bù" chỉ diễn ra với các hộ gia đình có thu nhập ổn định và tiêu dùng sẽ tăng mạnh vào nửa cuối năm, góp phần vào tăng trưởng kinh tế cả năm là 5,7%.
Tuy nhiên, thị trường nhà đất vẫn khó hưởng lợi kể khi làn sóng chi tiêu trở lại. Theo China Real Estate Information, doanh số bất động sản của 100 hãng địa ốc lớn nhất Trung Quốc đã giảm 32% trong tháng 1. Tại 30 thành phố lớn nhất, doanh số bán nhà chỉ bằng 60% so với năm ngoái.
Tính đến tháng 12/2022, giá nhà mới tại đây đã giảm 16 tháng liên tiếp. "Bất động sản vẫn là lực cản lớn nhất đối với nền kinh tế Trung Quốc", ông Raymond Yeung - Kinh tế trưởng tại ANZ Research - đánh giá.