Giống nhiều người trẻ khác, lần đầu Hải Đông biết đến mô hình "blind box" là thông qua những video livestream trên mạng xã hội. Thấy thú vị, anh quyết định mua thử 3 hộp mô hình thuộc series Skull Panda qua hình thức đặt hàng online.
"Cảm giác khui hộp rất hồi hộp và kích thích. Tôi không biết sẽ nhận được nhân vật nào trong series”, tín đồ của đồ chơi nghệ thuật (art toy) chia sẻ về sức hút đặc biệt của những chiếc hộp bí ẩn.
Trong số 3 hộp này, chỉ có một nhân vật mà anh ưng ý. Vì vậy, Gen Z quyết định rao bán lại 2 nhân vật còn lại trên các hội nhóm mua bán mô hình online, dồn tiền mua nguyên một series đầy đủ 12 hộp.
Một góc bộ sưu tập mô hình blind box của Hải Đông. Anh: NVCC.
"Blind box", tức "hộp mù" hay "hộp bí mật", là loại sản phẩm được đóng gói kín, tạo sự bất ngờ cho người mua khi mở ra. Sức hút của chúng đến từ yếu tố bí ẩn, thôi thúc người mua sưu tầm.
Hộp bí mật thường được sử dụng trong ngành công nghiệp đồ chơi và sưu tập, với các sản phẩm như mô hình nhân vật, phụ kiện, thẻ bài...
Mô hình này bắt đầu phổ biến trên toàn thế giới từ năm 2010, đặc biệt nhờ sự thành công của Pop Mart, một trong những nhà sản xuất blind box lớn nhất thế giới, theo Forbes.
"Hộp mù" đồ chơi nghệ thuật được du nhập vào thị trường Việt Nam từ lâu. Nhưng gần đây, những "hộp mù" đồ chơi nghệ thuật đã nhanh chóng trở thành cơn sốt trong giới trẻ.
Theo ghi nhận của Tri Thức - Znews, trào lưu sử dụng đồ chơi nghệ thuật làm phụ kiện túi xách đã góp phần không nhỏ vào sự bùng nổ này.
Đặc biệt, nhân vật Labubu của Pop Mart đã trở thành mô hình blind box được săn đón hàng đầu sau khi xuất hiện cùng Lisa (BlackPink) vào đầu năm nay. Điều này đã khiến series blind box Labubu nhanh chóng cháy hàng tại thị trường Việt.
Cơn sốt ‘hộp bí mật'
Hải Đông (TP Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk) từng chi 700.000 đồng để sở hữu một hộp bí mật thuộc series Labubu.
"Trước đây, giá của một mô hình Labubu chỉ khoảng 380.000 đồng. Nhưng sau khi được Lisa chia sẻ hình ảnh trên mạng xã hội, sản phẩm này trở nên cực kỳ khan hiếm. Mức giá bị đẩy lên gấp đôi trên thị trường thứ cấp, thậm chí có nơi còn bán gần 1 triệu đồng", chàng trai cho biết.
Hiện rất khó để tìm mua món đồ chơi này ở thị trường Việt Nam, từ cửa hàng chính hãng, đại lý phân phối đến các sàn thương mại điện tử.
Quốc Hùng tìm mua Labubu để làm phụ kiện balo, túi xách. Ảnh: NVCC.
Khoảng đầu năm nay, sau khi xem các KOL trên TikTok "đập hộp" Labubu, Quốc Hùng (26 tuổi, quận 10, TP.HCM) quyết định tìm mua "quái vật thỏ" để làm móc khóa balo.
Tuy nhiên, cũng giống như Hải Đông, anh gặp khó khăn trong việc tìm mua mô hình tại các cửa hàng chính hãng.
"Nếu không được bạn tặng, tôi sẽ không chi hơn 700.000 đồng chỉ để mua một móc khóa đang xu hướng", Hùng chia sẻ. Dù vậy, anh vẫn rất hài lòng với chất lượng sản phẩm khi nhận được món quà này.
Do một số bộ phận của mô hình dễ bám bụi và khó làm sạch, Hùng đã phải mua thêm túi nhựa trong suốt để bảo quản đồ chơi. Không chỉ vậy, anh còn đầu tư thêm vào các phụ kiện cho Labubu như quần áo, mũ, túi, giày...
"Trên các sàn thương mại điện tử có rất nhiều món đồ dành cho mô hình, giống như đồ chơi búp bê. Tôi đã mua một cái yếm với giá 80.000 đồng cho nhân vật", chàng trai chia sẻ.
Đơn hàng tăng vọt
Huyền Trang (27 tuổi, quận 7, TP.HCM), chủ của một cửa hàng trực tuyến, bắt đầu nhận các đơn đặt hàng mô hình đồ chơi nghệ thuật và "hộp mù" từ năm ngoái.
Chia sẻ với Tri Thức - Znews, cô cho biết lượng đơn hàng tăng đột biến từ đầu năm nay. Đỉnh điểm là vào tháng 5 và 6 vừa qua, chủ shop bị quá tải.
“Trung bình tôi chỉ nhận dưới 100 đơn/tháng, nhưng trong 2 tháng cao điểm đó, con số thậm chí tăng gần gấp 3 mỗi tháng”, Huyền Trang chia sẻ.
Phần lớn đơn đặt hàng chủ yếu là nhân vật Labubu và một số mẫu hot tại thị trường Việt Nam như Skull Panda, Cry Baby.
Đáng chú ý, nhiều khách hàng sưu tầm chấp nhận chi trả thêm chi phí để mua đúng nhân vật trong series "hộp mù" mà mình yêu thích. Đáp ứng nhu cầu này, Huyền Trang cũng như một số người bán khác đã áp dụng chính sách khui đáy hộp trước. Dịch vụ này thường đi kèm với mức giá cao hơn, thêm khoảng 100.000-150.000 đồng/hộp.
"Quái vật thỏ" Labubu hiện là món art toy được giới trẻ săn mua. Ảnh minh họa: @_dqwnn/IG.
Dù doanh thu tăng cao trong thời gian gần đây, chủ shop cũng bày tỏ lo ngại về tình trạng hàng giả, hàng nhái Labubu đang tràn lan trên thị trường.
"Vì sản phẩm được đóng gói kín, ngay cả người bán như chúng tôi cũng khó kiểm soát được chất lượng", cô chia sẻ.
Bên cạnh đó, việc ngày càng nhiều người đổ xô kinh doanh Labubu cũng khiến nguồn hàng trở nên khan hiếm và thời gian đặt hàng kéo dài hơn, gây khó khăn cho cả người bán lẫn người mua.
Không chỉ gặp khó khăn về nguồn hàng và sự cạnh tranh khốc liệt, những người bán blind box còn phải đối mặt với những biến động khó lường của thị trường.
Ngoài sưu tập, Hải Đông cũng từng có thời gian bán mô hình blind box. Anh cho rằng “những người bán nhập được hàng với giá tốt thì mới hiệu quả về doanh thu”.
"Có thời gian, một set Hirono giao động 2,8-3 triệu đồng. Nhưng sau khi nhà sản xuất thông báo series này sẽ không sản xuất nữa, những người bán đã tăng mức giá lên gần 7 triệu đồng/set. Tuy nhiên, chỉ được một thời gian ngắn, mức giá lại trở về bình thường khi nhà sản xuất thông báo mở bán trở lại. Những ai lỡ 'ôm hàng' trong mùa cao điểm thậm chí phải bán giá lỗ", Đông cho biết.
Lisa (BlackPink) được cho là người "thổi bùng" trào lưu sưu tầm đồ chơi nghệ thuật Labubu. Ảnh: @lalalalisa_m, Pop Mart.