Người trẻ bị tật khúc xạ lựa chọn mổ mắt ngày càng nhiều. Ảnh minh họa: Chí Hùng.
Bị cận thị nặng từ những năm đầu tiểu học, Phạm Quang, 27 tuổi, ngụ Đà Nẵng lớn lên với chiếc kính dày. Cận thị đến 11 độ, Quang gần như không thấy gì nếu không mang kính. Lo lắng mắt sẽ cận nặng hơn, gia đình đã thúc ép Quang đi mổ cận.
"Tôi sợ máu, sợ mổ xẻ nên không đủ can đảm cho ca phẫu thuật ở mắt, đành chấp nhận mang kính. Nhưng mỗi lần nhìn vào gương, thấy mắt vừa lồi, vừa lờ đờ nên tôi quyết định mổ mắt", Quang nói.
Từ Đà Nẵng, Quang vào TP.HCM thăm khám để mổ cận bằng phương pháp Smile, chi phí dự kiến là 80 triệu đồng. Tuy nhiên, bác sĩ yêu cầu theo dõi mắt của Quang trong vòng một năm mới có thể mổ vì độ cận quá cao.
Chịu chi để từ bỏ kính cận
Tại Hội thảo khoa học về ứng dụng laser do Liên Chi hội laser y học và laser ngoại khoa TP.HCM tổ chức, bác sĩ chuyên khoa II Trương Công Minh, Giám đốc Bệnh viện Mắt Sài Gòn II, thành viên Liên chi hội nhãn khoa TP.HCM, cho biết bệnh nhân là người trẻ đến khám nhiều nhất do cận thị và loạn thị.
"Người trẻ hiện nay có xu hướng đến các bệnh viện mắt để xoá cận, họ chủ động tìm hiểu các phương pháp và khám nhãn cầu để xác định khả năng phẫu thuật", bác sĩ Minh chia sẻ.
Lý giải về nguyên nhân người trẻ có xu hướng mổ mắt ngày càng nhiều, bác sĩ Minh cho hay đeo kính cận có những hạn chế như tầm nhìn ngoại biên bị méo mó, hiệu ứng bị phóng đại, kính có độ càng cao thì tầm nhìn ngoại biên ảnh hưởng càng nhiều. Chính sự bất tiện của việc mang kính khiến người trẻ lựa chọn mổ mắt.
Bên cạnh đó, nhiều người mổ mắt do yêu cầu của nghề nghiệp như tiếp viên hàng không, công an hoặc nghề phải hoạt động nhiều. Thêm nữa, người trẻ muốn mổ mắt để tăng tính thẩm mỹ, họ nhận thấy khuôn mặt không hợp để đeo kính hay mắt bị lờ đờ khi đeo kính.
Bác sĩ Trương Công Minh thực hiện ca mổ mắt xoá cận cho người bệnh. Ảnh: BSCC.
Công nghệ mổ mắt ở Việt Nam hiện đạt nhiều tiến bộ về máy móc, kỹ thuật. Trong điều trị tật khúc xạ, ở Việt Nam sử dụng chủ yếu 2 loại laser là Excimer Laser (bào mòn bề mặt) và Femtosecond Laser (cắt mô sâu), với 3 loại phẫu thuật chính là Smile, Femto lasik, Laser bề mặt không chạm.
"Một cuộc mổ mắt chỉ diễn ra trong 2 phút, bệnh nhân có thể sinh hoạt và làm việc bình thường ngay ngày hôm sau. Tỷ lệ tái cận rất thấp, chỉ từ 1-2%, nếu người bệnh bị tái cận thì độ sẽ không cao và có thể phẫu thuật lại nếu độ dày giác mạc đủ", bác sĩ Minh phân tích.
Chia sẻ thêm, bác sĩ Minh cho hay trong số các bệnh nhân đến tư vấn và thực hiện xóa cận mà ông tiếp nhận, độ tuổi trung bình từ 18 đến 44, độ cận thấp nhất là 0,75 và cao nhất là 11,5 độ. Người bệnh mổ mắt chủ yếu là nữ giới, tất cả đều trẻ.
Chi phí xóa cận tại Việt Nam rẻ, hiệu quả cao
Theo bác sĩ Minh, dùng laser trong điều trị khúc xạ tại Việt Nam đã có bước tiến vượt bậc trong vòng 30 năm qua. Từ năm 1996, laser chỉ chiếu trên bề mặt của mắt, đến năm 2000 thì phẫu thuật lasik ra đời, Việt Nam là nước cập nhật rất sớm để điều trị tật khúc xạ bằng laser.
Đến nay, máy laser ngày càng hiện đại, tốc độ chiếu laser trên mắt bệnh nhân đã đạt đến mức gần như hoàn hảo, chỉ cần 10 giây đã chiếu xong.
Sử dụng laser để điều trị tật khúc xạ là phương pháp tối ưu, nhưng bác sĩ Minh cho rằng không phải phù hợp với mọi người. Có những người độ cận hoặc viễn thị quá cao, giác mạc mỏng, có bệnh lý nền... thì không thực hiện được phương pháp này.
Hiện tại, kỹ thuật mổ mắt bằng laser ở Việt Nam đã sánh ngang với các nước trong khu vực, thậm chí có những máy móc vừa mới ra, nước ta đã sở hữu ngay.
Người trẻ mắc tật khúc xạ, đặc biệt cận thị ngày càng nhiều hơn. Ảnh minh họa: Khương Nguyễn.
Thị trường mổ mắt ở Việt Nam cũng đang rất phát triển, thu hút người nước ngoài, Việt kiều và du học sinh bởi chi phí rẻ hơn các nước khác khoảng 50%. Thêm nữa, việc hẹn mổ ở Việt Nam cũng đơn giản hơn rất nhiều, có thể khám và mổ trong ngày hay 1-2 ngày. Còn ở các nước khác, phải chờ đợi có khi là vài tuần hoặc vài tháng.
"Điều trị tật khúc xạ ở Việt Nam với những kỹ thuật, công nghệ cao nhưng chi phí thấp là cơ hội để người có tật khúc xạ bỏ kính một cách dễ dàng", bác sĩ Minh chia sẻ.
Chuyên gia của Liên chi hội nhãn khoa TP.HCM cho biết mỗi năm, số lượng người bị tật khúc xạ ngày càng tăng, chủ yếu là người trẻ và trẻ em. Nguyên nhân là người trẻ làm việc và học tập với máy tính nhiều, ánh sáng không đủ, khoảng cách ngồi quá gần... làm mắt mỏi và tổn thương.
Để hạn chế mắc tật khúc xạ, phụ huynh nên cho trẻ sinh hoạt nhiều ngoài trời hơn là tiếp xúc với màn hình điện tử. Những người làm việc thường xuyên với máy tính cần thực hiện các bài tập thể dục cho mắt.
Ngoài ra, bác sĩ Minh khuyến các người dân không nên sử dụng thực phẩm chức năng, thuốc bổ mắt một cách vô tội vạ. Vì thực tế, các loại thực phẩm chức năng không có quá nhiều tác dụng giúp bổ mắt hay sáng mắt. Nếu sử dụng, người dân nên sử dụng từng đợt, không nên uống liên tục.