Kiều Chinh thuê căn hộ rộng 102 m2 tại quận Thanh Xuân. Mức giá hiện tại chưa bao gồm phí quản lý cùng dịch vụ sinh hoạt.
Nhà sáng tạo nội dung mạng xã hội này tính toán nếu muốn mua căn chung cư khoảng 4 tỷ đồng, cô mất tới 20 năm để tiết kiệm và trả nợ.
Không muốn chịu áp lực này, cô chấp nhận tiêu tốn gần 200 triệu đồng/năm cho việc thuê nhà.
"Muốn mua nhà, tôi cần có tối thiểu 30% giá trị căn hộ, tương đương hơn một tỷ đồng nhằm đủ điều kiện vay thế chấp ngân hàng. Để có số tiền này, tôi chắc chắn phải thắt lưng buộc bụng, sống nhà trọ chật hẹp, kém chất lượng trong nhiều năm. Trong khi đó, giá nhà tăng cao liên tục. Liệu đến lúc chịu khổ và dành dụm đủ tiền, tôi có thể mua nhà đúng dự tính hay không?", cô đặt câu hỏi với Zing.
Khó mua nhà
Tại những đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM, nhiều người trẻ thuộc Millennials và Gen Z khó thực hiện mong muốn mua nhà trước tuổi 35.
Theo báo cáo về thông tin nhà ở và thị trường bất động sản quý I/2022 của Bộ Xây dựng, giá nhà ở và đất đang tăng cao so với thu nhập của người dân. Ở Hà Nội và TP.HCM, hầu như không còn chung cư nào có giá dưới 25 triệu đồng/m2.
Trong khi đó, số liệu từ Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy người lao động có thu nhập trung bình tại Việt Nam cần đến 57 năm tiền lương mới đủ mua căn hộ ở đô thị.
Thậm chí, giấc mơ mua nhà còn trở nên xa vời với những người trẻ có thu nhập tốt.
Trung Hiếu (28 tuổi, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) hiện quản lý 2 dự án kinh doanh tự do. Cùng lúc làm nhiều công việc, anh có thu nhập khá tốt so với bạn bè đồng trang lứa.
Nhưng đối với anh, việc mua một căn hộ tại Hà Nội vẫn rất khó khăn.
"Những căn giá rẻ thường ở vị trí xa trung tâm, không đầy đủ giấy tờ hoặc tiện ích. Tôi mong muốn có một mái nhà tiện nghi, nhưng số tiền tiết kiệm hiện tại không thể đáp ứng. Ngoài ra, tôi còn cần tiền để đầu tư, làm ăn", anh nói.
Trước khi chuyển sang lĩnh vực hiện tại, Hiếu có 3 năm làm nhân viên văn phòng với mức lương hạn chế. Khi đó, việc mua nhà là ngoài khả năng nếu anh chỉ kiếm sống bằng một công việc.
Anh từng thuê những phòng trọ giá 2,5-3 triệu đồng/tháng với dự định tiết kiệm để mua nhà. Nhưng thực tế, số tiền anh dành ra chỉ như muối bỏ biển.
"Một căn hộ 2-3 phòng ngủ ở Hà Nội có giá ít nhất 2- 2,5 tỷ đồng, vị trí đẹp hơn có thể lên đến 3- 4 tỷ đồng. Nếu chỉ làm văn phòng, có lẽ mất nửa cuộc đời tôi mới trả nợ xong căn nhà đầu tiên. Mức giá bất động sản quá cao chính là động lực để tôi cố gắng kinh doanh riêng như hiện tại", Hiếu chia sẻ.
Tương tự, Diệu Linh (27 tuổi, quận 7, TP.HCM) cũng từ bỏ việc mua căn hộ tại TP.HCM.
Cô cho biết mình đi làm từ thời sinh viên. Hiện tại, cô là nhân sự tại một công ty công nghệ với mức lương 20-25 triệu đồng. Ngoài ra, cô có khoản tiết kiệm riêng hơn 500 triệu đồng cùng lời hứa hỗ trợ mua nhà từ cha mẹ.
Tuy nhiên, với cô, việc mua một căn hộ vẫn là điều không tưởng.
"Với sự đồng hành của cha mẹ, tôi từng bắt tay đi tìm mua nhà tại TP.HCM. Nhưng sau đó, tôi bỏ cuộc. Giá chung cư ở một số nơi như quận 2 (TP Thủ Đức), quận 7 hiện chạm mốc 65 triệu đồng/m2. Căn hộ nhỏ chỉ một phòng ngủ, diện tích khoảng 50 m2 cũng có giá gần 3 tỷ đồng. Đây là con số quá khả năng với cả gia đình tôi", Linh thở dài.
Dành tiền thuê nhà tiện nghi
Diệu Linh thừa nhận với giá bất động sản không ngừng tăng lên, cô không thể chờ đợi và tích cóp đủ tiền để sở hữu nhà riêng. Giờ đây, cô quyết định dành 30% thu nhập hàng tháng để thuê một căn hộ tại chung cư cao cấp ở quận 7.
Căn cô ở có 3 phòng ngủ, rộng 80 m2, có giá thuê gần 20 triệu đồng/tháng bao gồm đầy đủ nội thất và tiện ích nội khu như siêu thị, công viên, bể bơi và phòng tiếp khách công cộng. Linh cùng 2 người bạn của mình dành tiền thuê chung.
"Tôi chỉ nghĩ rằng nếu không thể mua nhà, chi bằng mình thuê nhà đẹp ở cho thoải mái", cô bày tỏ.
Tương tự, Trung Hiếu cũng chi 10 triệu đồng, chiếm 6-8% thu nhập tháng, để thuê một căn hộ 34 m2 nằm trong khu chung cư cao cấp, sinh sống một mình. Giá nhà đất liên tục tăng cao, anh hiện gác lại hoàn toàn kế hoạch sở hữu bất động sản trước tuổi 35.
"Nếu phải đánh đổi 5-10 năm ở chật chội để kiếm thêm tiền mua nhà, tôi chọn thuê nhà xịn ngay từ đầu, ở luôn cho sung sướng", anh cho hay.
Hiếu khẳng định việc thuê một căn hộ tiện nghi giúp đời sống vật chất và tinh thần của mình tốt lên. Anh làm quen những cư dân sống cùng khu, thường hẹn họ trò chuyện để mở rộng góc nhìn cũng như cơ hội làm việc.
"Từ khi chuyển về sinh sống tại đây, tôi cố gắng làm việc hơn để duy trì mức sống. Sau này, khi lập gia đình, tôi vẫn sẽ thuê một căn hộ tốt thay vì vội vã mua nhà", Hiếu nói.
Kiều Chinh cũng có suy nghĩ tương tự. Thay vì áp lực mua nhà sớm như trước đây, cô muốn tận hưởng không gian cao cấp ngay khi còn trẻ. Cô chi hàng trăm triệu đồng để trang trí căn hộ, thoải mái mời gia đình và bạn bè đến chơi.
"Tôi thích cảm giác mọi người ghé chơi và khen nhà mình đẹp. Tôi từng sống tiết kiệm trong các phòng trọ nhỏ hoặc đi thuê chung với bạn bè. Nhưng hiện tại, tôi hài lòng với căn nhà thuê của mình", Chinh nói.
Người trẻ gặp khó
Theo ông Phan Công Chánh, chuyên gia bất động sản cá nhân, Gen Z và Milennials trẻ tuổi là thế hệ không còn đặt nặng chuyện mua nhà. Thay vào đó, họ chuyển hướng thuê nhà bởi ưu tiên trải nghiệm sống tiện nghi.
"Theo tôi, người trẻ không nên quá lo lắng nếu chưa mua được nhà trước 30-35 tuổi. Bởi thời điểm này, họ cần tích luỹ kinh nghiệm và đầu tư vào bản thân. Càng về sau, khi công việc tốt lên, chuyện mua nhà sẽ dễ dàng hơn", ông trao đổi với Zing.
Chuyên gia này cũng cho rằng nếu Gen Z và Milennials đặt mục tiêu mua nhà, họ phải có kế hoạch quản lý tài chính cá nhân, hiểu được sự cân đối giữa thu nhập, chi tiêu và đầu tư. Đây là 3 kiến thức phải tích luỹ song song với nghiệp vụ nghề nghiệp.
Ông lưu ý 3 yếu tố cần thiết trước khi một người quyết định sở hữu bất động sản, đó là phải có quá trình tích luỹ vốn, có thu nhập hàng tháng đủ lớn để chi trả, đồng thời suy xét chọn căn nhà phù hợp với khả năng tài chính.
"Tôi luôn khuyên mọi người mua nhà càng sớm càng tốt nếu điều kiện cho phép. Tuy nhiên, tỷ lệ vay và nợ không nên quá 50%", ông Chánh nhấn mạnh.
Không chỉ ở Việt Nam, người trẻ trên khắp thế giới cũng đang buông xuôi với kế hoạch mua nhà, đặc biệt ở các quốc gia phát triển.
Theo Make It, đại dịch Covid-19 đã khiến giá nhà ở Mỹ tăng kỷ lục, lên đến 34%. Điều này càng làm người trẻ khó khăn trong việc sở hữu nhà riêng, dần chấp nhận phương án dễ dàng hơn là thuê nhà.
Theo Business Insider, hơn 12% người trẻ tại Mỹ có ý định thuê nhà mãi mãi. Gen Z được dự đoán sẽ chi ra 226.000 USD tiền thuê nhà trong suốt cuộc đời - tăng hơn 24.000 USD so với thế hệ trước.
Cuộc khảo sát vào tháng 3/2022 do YouGo thực hiện cho thấy: Hầu hết Gen Z và Millennials mong muốn mua nhà, thậm chí mua nhà sớm nhất có thể. Trong đó, 65% Millenials và 58% Gen Z coi ngôi nhà là thành công đầu tiên.
Tuy nhiên, theo Independent, khả năng mua nhà của người trẻ ngày nay chỉ bằng một nửa so với thế hệ trước đó. Millenials bắt đầu tiết kiệm mua nhà từ độ tuổi 20 - sớm hơn một thập kỷ so với cha mẹ họ, nhưng tỷ lệ có trong tay bất động sản riêng là rất thấp.