Gần bốn mươi năm gắn bó với nghề trồng hành nhưng chưa năm nào chị Nguyễn Thị Lương (thôn Châu Bộ, xã Hiệp Hòa) lại thấy chật vật như năm nay.
Gia đình chị Lương trồng được 5 sào hành, đã thu hoạch và chuyển về nhà được 3 sào; 2 sào còn lại nhổ xong, đang phơi ngoài ruộng thì gặp kèm theo rét đậm kéo dài khiến nhiều củ hành đã rụng khỏi dọc, vỏ hành bị đen, chất lượng và hình thức hành giảm trông thấy…
Vừa luôn tay chọn nhặt, loại bỏ những củ hành xấu, chị Lương vừa buồn bã cho biết: Năng suất hành nhà chị năm nay chỉ đạt khoảng 4 tạ/sào - giảm 3 tạ/sào so với những năm trước.
Kịp thu hoạch hành ngay sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần, tránh được đợt mưa rét kéo dài nhưng giống như chị Lương, bà Nguyễn Thị Tươi (xã Thăng Long) cũng không được vui vì năng suất ruộng hành nhà bà năm nay giảm mạnh. “Năng suất chỉ đạt từ 5-6 tạ/sào, giảm từ 3-4 tạ so với vụ hành trước. Hành thu về chủ yếu là loại 2 và 3 (củ nhỏ), còn củ to, mẩy thuộc loại 1 rất ít” - bà Tươi cho hay.
Theo những người trồng hành ở Kinh Môn, không chỉ có năng suất giảm; trước đó, để phục vụ sản xuất, họ đã phải mua phân bón với giá tăng cao hơn rất nhiều so với những năm trước. Chính vì vậy, vụ hành năm nay “buồn nhiều hơn vui”. "Năm trước, mỗi sào hành gia đình tôi lãi khoảng 7 triệu đồng, còn năm nay chỉ khoảng 3 triệu đồng. Nếu trừ cả công lao động, chăm sóc trong gần 4 tháng trồng hành thì thu nhập còn lại chẳng đáng là bao" - bà Nguyễn Thị Hoa (thôn Miêu Nha, xã Quang Thành) ngao ngán!
Được biết, vụ hành năm nay, thị xã Kinh Môn trồng được 3.587 ha hành - giảm 162,04 ha so với vụ trước. Nếu như những năm trước, cây hành là nguồn thu nhập chính của nhiều gia đình ở Kinh Môn, thì năm nay người trồng hành ở Kinh Môn gặp khá nhiều bất lợi.
Ảnh hưởng của cơn bão số 7, số 8 vào giữa tháng 10/2021 và một số trận mưa kéo dài làm đất bị ướt, nhiều gia đình đã phải lùi thời gian làm đất từ 15-20 ngày so với thông thường, dẫn đến việc gieo trồng hành bị chậm tiến độ. Thêm vào đó, thời tiết lại nắng nóng, ít gió heo may khiến hành khó xuống củ, dẫn đến năng suất giảm.
Khi người trồng hành bước vào cao điểm thu hoạch hành, thời tiết lại nồm ẩm và mưa kéo dài, một sản lượng hành theo đó đã bị thối dọc, chất lượng giảm…
Cụ thể hơn, ông Nguyễn Xuân Hạ - Trưởng Phòng Kinh tế thị xã Kinh Môn - cho biết: Diện tích hành được bà con nông dân thu hoạch trước ngày 5/2/2022 vẫn bảo đảm chất lượng, khoảng 1.300 ha thu hoạch từ ngày 10/2 thì giảm đáng kể về chất lượng và năng suất.
Trước mắt, để chia sẻ khó khăn với người trồng hành, Thị xã Kinh Môn đang thống kê diện tích các cây vụ đông bị thiệt hại (gồm cả hành tỏi) chưa thu hoạch được do bị ảnh hưởng của mưa, nồm ẩm kéo dài nhiều ngày, thu hoạch sau ngày 20/2, để báo cáo, xin được hỗ trợ theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 9/1/2017 của Chính phủ.
Tuy nhiên, về lâu dài, để tăng giá trị cây hành cũng như nhiều loại nông sản khác của Hải Dương, rất cần những nhận định cụ thể, định hướng rõ ràng cho người dân từ phía các cơ quan chức năng. Trong đó có những dự báo về tình hình thời tiết, cùng với khuyến cáo cho người nông dân trong việc lựa chọn cây trồng và thời gian thu hoạch phù hợp.
Được biết, hành tỏi là một trong những cây nông nghiệp mang lại nguồn thu chính cho người nông dân ở Kinh Môn. Nhờ chất lượng cay, nồng, thơm của hành Kinh Môn mà loại nông sản này đã được tiêu thụ rộng trên khắp cả nước, là niềm tự hào của người dân Kinh Môn.
Tuy nhiên cũng giống như người nông dân trồng các loại nông sản khác, người trồng hành ở Kinh Môn luôn phải đối mặt với sự bấp bênh, may rủi về năng suất, giá cả mỗi khi đến mua thu hoạch… Lợi nhuận kiếm được từ công việc trồng hành theo đó vẫn chưa xứng với công sức “một nắng hai sương” của người nông dân.
Trong chuyến công tác về với Hải Dương ngay sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần, chia sẻ với những khó khăn, trăn trở của người nông dân, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh: “Không thể cứ mãi đánh đồng nông nghiệp là thời tiết, là dịch bệnh, là thị trường. Nếu biết cách vượt qua, biết cách giảm rủi ro bằng những giá trị thay thế thì nông nghiệp sẽ không còn bị đeo đẳng bởi lời nguyền “được mùa, mất giá; được giá, mất mùa”. Hải Dương hoàn toàn có thể làm ra được những sản phẩm nông nghiệp mang nhiều giá trị và nông dân sẽ bán giá trị chứ không bán giá cả nông sản”.
Chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan với Hải Dương, có lẽ cần được xem là những gợi ý giá trị và ý nghĩa đối với người trồng hành ở Hải Dương hiện nay. Thay vì chỉ dựa vào chất đất, tiếng tăm của hành Kinh Môn, giờ đây, người trồng hành cần tích cực ứng dụng kỹ thuật vào làm đất, gieo trồng để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, tránh phụ thuộc quá nhiều vào thời tiết như trước đây.
Song song với đó, năng động tìm kiếm thị trường tiêu thụ, chủ động tích hợp những giá trị lịch sử, văn hoá địa phương vào sản phẩm để nâng cao giá trị cho nông sản hành của Kinh Môn – vùng đất vốn được mệnh danh là “kinh đô hành tỏi xứ Bắc”.