Đầu tuần này, một cuộc khảo sát được thực hiện bởi hãng truyền thông China Newsweek trên nền tảng Weibo cho thấy 92% trong số khoảng 157.000 người được hỏi đã bỏ phiếu phản đối “các ngày đi làm cuối tuần” ở nước này, Sixth Tone đưa tin.
Theo quy định, hệ thống nghỉ lễ của Trung Quốc cho phép công ty cho nhân viên đi làm vào thứ 7, chủ nhật hoặc cả hai, để đổi lấy những ngày nghỉ lễ dài hơn. Nói cách khác, đây là một hình thức đi làm bù.
Tuy nhiên, khi kỳ nghỉ lễ Lao động 1/5 năm nay đến gần, câu hỏi liệu chính sách này có cần thiết và thỏa đáng không lại được đem ra bàn luận rộng rãi, với các luồng ý kiến khác nhau.
Trong khi hầu hết số người tham gia khảo sát của China Newsweek cho rằng việc làm bù cuối tuần là "mệt mỏi", những người ủng hộ lại bày tỏ quan điểm sự linh hoạt này giúp thúc đẩy tiêu dùng và cho phép những người đi làm xa nhà có nhiều thời gian gặp lại gia đình của họ.
Lịch của Trung Quốc có tổng cộng 11 ngày nghỉ mỗi năm (không bao gồm cuối tuần và nghỉ bổ sung) để kỷ niệm 7 ngày lễ lớn, từ những dịp lễ dài như Tết Nguyên đán, kỳ nghỉ Quốc khánh đến các ngày nghỉ ngắn hơn như lễ Thanh minh và Quốc tế Lao động.
Kể từ năm 1999, chính phủ Trung Quốc cho phép người lao động được phép nghỉ lễ dài hơn, bằng cách hoán đổi ngày làm việc với những ngày cuối tuần trước và sau kỳ nghỉ.
Ví dụ, ngày Quốc tế Lao động 1/5 năm nay chỉ được nghỉ một ngày. Nhưng theo quy định hiện tại, một nhân viên có thể nghỉ 5 ngày (từ 29/4 đến 3/5). Trước đó, họ phải đi làm bù vào ngày 22/4 (chủ nhật) và 6/5 (thứ 7).
Chính sách này ra đời nhằm mục đích kích cầu tiêu dùng, mua sắm, nhờ cung cấp một khoảng thời gian dài và liền mạch hơn cho việc đi lại và giải trí.
"Với số lượng ngày nghỉ lễ có hạn, tôi vẫn muốn có một kỳ nghỉ dài hơn để có thời gian về nhà", một người dùng bình luận trên Weibo.
Mặt khác, một bộ phận người lao động, đặc biệt là những nhân viên vốn bị căng thẳng bởi văn hóa làm thêm giờ, cảm thấy tiếp tục làm vào hai ngày nghỉ không có gì xứng đáng.
Sheila Yu (42 tuổi, làm việc tại Thượng Hải), nói với Sixth Tone: “Tôi chỉ muốn nghỉ ngơi sau cả tuần đi làm vất vả, nhưng giờ tôi thấy như cuối tuần của mình bị đánh cắp, dưới sự sắp xếp kỳ nghỉ vô lý của công ty và mang tính tượng trưng như vậy".
“Ý nghĩa của những ngày lễ như vậy không còn nếu nó phá hỏng 2 ngày cuối tuần và phá vỡ nhịp sống bình thường, khiến mọi người mệt mỏi hơn về thể chất và tinh thần”, cô nói và cho biết thêm mình không có kế hoạch du lịch vào kỳ nghỉ sắp tới. Lý do là hầu hết điểm du lịch đều chật kín người.
Những người khác cho rằng sự sắp xếp này không hợp lý ở chỗ làm việc cuối tuần không hiệu quả. Theo khảo sát của China Newsweek, gần 89% trong số 58.000 người được hỏi cho biết họ “quá buồn ngủ để làm việc vào thứ 7, chủ nhật”.
Trong khi đó, việc sắp xếp kỳ nghỉ cho ngày tảo mộ năm nay (5/4) lại nhận nhiều lời khen ngợi vì không có ngày nghỉ bù.
“Tuần có lễ thanh minh là kỳ nghỉ tôi thấy hài lòng nhất trong năm nay. Tôi được nghỉ một ngày sau 2 ngày làm việc và tận hưởng cuối tuần sau 2 ngày làm việc nữa”, một người chia sẻ trên Weibo.