Mối quan hệ hai chiều giữa Tesla và Trung Quốc
Trung Quốc có mục tiêu trở thành cường quốc xe điện. Và chính gã khổng lồ Tesla là động lực thúc đẩy sự phát triển của thị trường xe điện Trung Quốc. Nhà máy khổng lồ của Tesla ở Thượng Hải đang hợp tác với các nhà cung cấp địa phương để sản xuất linh kiện phức tạp, qua đó giúp các công ty xe điện Trung Quốc có khả năng cạnh tranh với các công ty Nhật Bản và châu Âu.
Xe điện là trọng tâm trong nỗ lực thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch của chính quyền Tổng thống Joe Biden. Tuy nhiên, Tesla, một công ty có trụ sở chính tại Mỹ, lại ngày càng thân thiết hơn với thị trường Trung Quốc.
Patrick Cheng, CEO NavInfo, một công ty về công nghệ bản đồ và chế độ lái tự động ở Bắc Kinh cho biết: "Trung Quốc đang vượt qua các đối thủ bằng cách chuyển hướng trong cuộc đua ngành ô tô. Động cơ đốt trong từng là yếu tố được quan tâm, nhưng bây giờ là thời của động cơ điện".
Nhiều CEO và kỹ sư tại các công ty ô tô Trung Quốc tin rằng việc chuyển đổi sang các phương tiện sử dụng năng lượng điện mang lại nhiều cơ hội, tương tự sự bùng nổ của thị trường internet trước đây, khi các công ty Trung Quốc tạo ra các nền tảng như WeChat hay TikTok.
Đó là lý do chính phủ Trung Quốc đã mở rộng vòng tay đón nhận Tesla. Họ bán cho công ty của tỷ phú Elon Musk những khu đất với giá rẻ, cung cấp các khoản vay, trợ cấp thuế và nhiều ưu đãi khác. Thậm chí, họ còn cho phép Tesla điều hành nhà máy của riêng mình mà không cần đến đối tác địa phương.
Chính quyền Bắc Kinh đang áp dụng chiến lược kinh doanh đặc biệt, cụ thể là đưa một ông lớn vào để kích thích sự phát triển của các công ty nhỏ cũng như các startup.
Cách tiếp cận này có lợi cho cả hai bên. Trong một cuộc họp vào tháng 10, tỷ phú Elon Musk cho biết nhà máy được xây dựng trong vòng một năm tại Thượng Hải đem lại hiệu quả cao hơn cả nhà máy tại Fremont, California. "Giga Thượng Hải, là nhà máy chất lượng tốt nhất, chi phí thấp nhất", tỷ phú người Nam Phi nhấn mạnh.
Đây cũng là cơ hội lớn cho các nhà cung cấp Trung Quốc. Tesla cho biết nhà máy ở Thượng Hải đã mua 86% linh kiện Model 3 và Model Y được gia công tại Trung Quốc trong quý IV/2020.
Giá cổ phiếu tăng cao giúp giá trị vốn hóa thị trường của Tesla cán mốc 1.000 tỷ USD trong năm nay, sánh ngang những ông lớn như Apple, Microsoft, Amazon,... James Li, một nhà phân tích Trung Quốc nhận định rằng các chiến lược của Tesla tại nước này đóng vai trò quan trọng trong việc giúp công ty đạt giá trị 1.000 tỷ USD.
"Nếu Tesla không xây nhà máy ở Trung Quốc, liệu giá cổ phiếu của hãng có tăng nhiều không? Liệu doanh thu của họ có được cải thiện hay không?", ông James Li nhận định. Ngoài ra, giá cổ phiếu các công ty cung cấp nguyên liệu, linh kiện cho Tesla tại Trung Quốc cũng tăng lên.
Nhiều người lấy Tesla làm động lực, nhiều người lại thấy "ghen tị"
Nhiều hãng xe điện Trung Quốc không hài lòng về những ưu đãi mà nước này dành cho một hãng xe nước ngoài như Tesla. Một số công ty tìm cách cạnh tranh bằng cách tận dụng sự kiểm soát của chính phủ về cách xử lý dữ liệu của nhóm Big Tech.
Một số đối thủ của Tesla tại Trung Quốc gồm 360 và SAIC Motor Corp. Vào tháng 3, 2 công ty này đã đề nghị cơ quan lập pháp Trung Quốc xử lý những lo ngại về an ninh quốc gia liên quan đến hãng xe điện nước ngoài, mục tiêu là Tesla.
Zhou Hongyi, nhà sáng lập của 360 cho rằng Trung Quốc nên áp dụng quy định giảm việc thu thập thông tin người dùng với các hãng xe của nước ngoài.
Một điểm nhức nhối với các đối thủ của Tesla tại Trung Quốc là chính sách khuyến khích sản xuất nhiều xe điện. Tesla là một trong những công ty hưởng lợi từ chính sách này.
Tesla đã sử dụng khoản tiết kiệm nhờ hợp tác với chuỗi cung ứng Trung Quốc để giữ giá xe rẻ, vừa đủ giúp người mua nhận trợ cấp từ chính phủ. Vào tháng 7, Tesla tung ra mẫu xe thể thao Model Y với giá dưới 300.000 tệ (khoảng 47.000 USD) để khách hàng vẫn có thể nhận trợ cấp.
Động thái mới của Tesla gần đây cũng gây ra nhiều thiệt hại cho các nhà sản xuất trong nước. Ngay khi Tesla quyết định giảm giá, người dùng Trung Quốc lập tức hủy đơn hàng với các hãng xe nội địa.
Cụ thể, NIO đã giao 10.059 chiếc trong tháng 10, giảm 7,5% so với tháng trước đó. Li Auto đã bán được 10.052 xe, giảm 13%.
Tuy nhiên, bản thân Musk vẫn nổi tiếng tại Trung Quốc. Các doanh nhân công nghệ Trung Quốc xem Musk là hình mẫu học tập. Một số doanh nghiệp còn đăng ký nhãn hiệu sản phẩm bằng phiên âm tên tiếng Trung của ông - Ma Si Ke.
Vì khó có thể cạnh tranh với Tesla tại chính sân nhà, nhiều hãng sản xuất đã quyết định mở rộng đầu tư ra thị trường quốc tế. Lạm phát hay suy thoái kinh tế đều không thể ngăn cản họ tiến tới với kế hoạch thâm nhập vào lãnh thổ châu Âu.
Các đối thủ của Tesla tại thị trường xe điện Trung Quốc đại lục ồ ạt mở rộng ra quốc tế như NIO, XPeng, BYD, GEELY,... Họ liên tục tung ra các mẫu xe mới, ký hợp đồng với nhiều đại lý bán hàng hơn và xây dựng các cơ sở sạc trong bối cảnh việc sử dụng xe điện ngày càng tăng.
Tham khảo: NYT, WSJ