“Thịt bò Úc đang ở vị thế rất cao, dẫn đầu trên toàn thế giới về ngành công nghiệp thịt bò”, ông Tony Harman – Tham tán Nông nghiệp Úc tại Việt Nam chia sẻ với chúng tôi bên lề sự kiện ra mắt câu lạc bộ Aussie Beef Mate do Aussie Beef & Lamb (ABL) tổ chức và Đại sứ bò Úc đầu tiên tại Việt Nam dẫn dắt.
Aussie Beef Mate là dự án Đại sứ bò Úc được triển khai trên toàn cầu nhằm tìm kiếm các chuyên gia thực phẩm có sức ảnh hưởng, đam mê và có cam kết tích cực nhằm phát triển danh tiếng toàn cầu cho thịt bò Úc. Câu lạc bộ này giúp các đầu bếp chuyên nghiệp nâng cao kiến thức, mở rộng kết nối cũng như chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm đến cộng đồng yêu bếp.
“Ở thị trường Việt Nam, thịt bò được ưu ái và lựa chọn ngày càng nhiều hơn so với các nguồn protein khác như thịt lợn hay thịt gà”, ông Tony chia sẻ thêm.
Bò Úc đến Việt Nam qua hai đường: Giết mổ tại Úc rồi xuất khẩu sang Việt Nam, hoặc Xuất khẩu bò sống sang Việt Nam và doanh nghiệp Việt giết mổ, phân phối. Ông Tony cho biết tổng kim ngạch nhập khẩu bò Úc năm qua đã lên tới 160 triệu USD.
Tham tán Nông nghiệp Úc tại Việt Nam nhìn nhận thị trường Việt Nam rất tiềm năng, khi lượng tiêu thụ thịt bò chỉ chừng 10% trong khẩu phần bữa ăn. Tại các nước kinh tế phát triển hơn, tỷ lệ sử dụng thịt bò trong bữa ăn cao hơn rất nhiều.
“Khu vực Đông Nam Á đang có tốc độ phát triển kinh tế rất nhanh. Cùng với đó, người tiêu dùng ngày một chú trọng tới vấn đề sức khỏe và ăn nhiều thịt bò hơn. Tôi cũng thấy nhu cầu tìm kiếm các sản phẩm đáp ứng an toàn vệ sinh thực phẩm ở Việt Nam đang gia tăng, và tiêu chuẩn chất lượng là một trong những ưu thế của thịt bò Úc”, ông Tony nói.
Bà Valeska – Quản lý vùng Đông Nam Á Meat & Livestock Australia (MLA) chia sẻ: “Thịt bò Úc luôn được đánh giá cao trên thị trường, cả quốc tế lẫn Việt Nam. Sản phẩm của Aussie Beef & Lamb được sinh ra từ những người nông dân lành nghề qua nhiều thế hệ, được chế biến bởi những người giỏi nhất và chuyển đến các nhà cung cấp đáng tin cậy nhất”.
MLA là một tổ chức phi lợi nhuận chủ yếu được tài trợ thông qua các khoản thuế từ nông dân Úc nhằm nghiên cứu và phát triển thị trường cho ngành công nghiệp thịt đỏ Úc.
“Việt Nam hiện có khá nhiều doanh nghiệp nhập khẩu và họ đều là những doanh nghiệp chuyên nghiệp, nhiều kinh nghiệm, vì cũng đã có thời điểm phải dừng việc nhập bò sống từ Úc vào Việt Nam”, ông Tony nói.
Về tiềm năng tiêu thụ tại thị trường Việt Nam với gần 100 triệu dân, bên cạnh việc người Việt ngày càng chuộng các sản phẩm đảm bảo sức khỏe, ông Tony nhìn nhận giao thương giữa Úc và Việt Nam khá thuận lợi, dễ dàng và tiết kiệm được chi phí logistics nhờ khoảng cách địa lý không quá xa. Bên cạnh đó, việc ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt tham gia khâu giết mổ, sơ chế bò nhập khẩu sống đã thúc đẩy thị trường bán lẻ thịt bò Úc tại Việt Nam phát triển.