Trong 6 tháng đầu năm 2022, ngành du lịch Thừa Thiên - Huế ghi nhận sự phục tốt của dòng khách nội địa. Trong đó, lượng khách tháng 6-7 đã tương đương so với năm 2019 (thời điểm trước dịch Covid-19).
Theo sở Du lịch Thừa Thiên - Huế, 6 tháng đầu năm 2022, tình hình du lịch đã có dấu hiệu phục hồi tích cực, nhất là du lịch nội địa. Tổng lượng du khách đạt trên 820.000 lượt, khách nội địa hơn 790.000 lượt, khách quốc tế đạt hơn 26.000 lượt, doanh thu du lịch đạt trên 1.720 tỷ đồng.
Khách quốc tế còn dè dặt
Nhận định về lượng khách đến Huế tăng mạnh, ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế cho rằng lý do người dân đi du lịch nhiều là tâm lý thoải mái sau dịch, đúng thời điểm học sinh được nghỉ hè. Sau 2 năm bị hạn chế do Covid-19 bùng phát, nhiều chương trình gặp gỡ, giao lưu vùng miền cũng diễn ra nhiều.
"Sau đại dịch, người dân có tâm lý bù đắp lại và tổ chức những sự kiện đi xa. Trong đó, Huế là một lựa chọn, một điểm đến lý tưởng", ông Phúc chia sẻ.
Thừa Thiên - Huế là vùng đất sở hữu nhiều di sản văn hóa, di tích thắng cảnh, là một trong những điểm đến thu hút du khách ở miền Trung. Trong đó, khách quốc tế đóng vai trò quan trọng trong chiến lược kinh doanh du lịch của địa phương này.
Trong những tháng đầu năm, địa phương này ghi nhận lượng khách nội địa tăng mạnh nhưng dòng khách quốc tế vẫn đang còn dè dặt. Lý giải vấn đề này, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế cho rằng chủ yếu là do tình hình chung về giao thương quốc tế. Một số khu vực vẫn đang còn hạn chế khoảng cách do dịch bệnh, trong đó có những thị trường lớn của du lịch miền Trung như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc.
Dòng khách quốc tế đến Huế còn ít nhưng riêng thị trường khách Thái Lan khá tốt. Thừa Thiên - Huế đang có dự định tổ chức một số chuyến bay charter thử nghiệm từ Thái Lan qua Huế, đang cân nhắc giữa 2 vùng Udon Thani và Bangkok.
Khách châu Âu, Mỹ cũng bắt đầu quay lại Huế nhưng vẫn còn nhỏ, lẻ chưa đi thành tour như thời điểm trước dịch. Ông Phúc cho rằng có thể chưa đúng thời điểm vì thông thường khách Tây thường đến Việt Nam vào dịp cuối năm.
Hiện khách nước ngoài đến Huế chủ yếu là khách gia đình, khách trẻ hoặc một số hãng du lịch tổ chức đi khảo sát, đánh giá lại các điểm tour tuyến, cách tiếp nhận của địa phương thế nào trước khi tổ chức tour tuyến.
"Tôi nghĩ cuối năm hoặc năm 2023, thị trường khách truyền thống châu Âu, Bắc Mỹ quay lại tham quan cố đô Huế. Ngành du lịch địa phương tiếp tục hợp đồng kết nối các hãng lữ hành quốc tế và quảng bá điểm đến để chuẩn bị đón khách quốc tế quay trở lại", ông Phúc đánh giá.
Chia sẻ về lượng khách quốc tế đến Huế, bà Đinh Thị Xuân Thanh, Giám đốc khách sạn Midtown ở TP Huế, cho biết doanh nghiệp này có dòng khách Thái Lan khá ổn định.
Theo bà Thanh, khách sạn có sự kết nối với các đơn vị lữ hành truyền thống nên có sự ổn định về lượng khách Thái Lan. Việc khách quốc tế quay lại Huế đã giúp các doanh nghiệp dịch vụ du lịch có nhiều lựa chọn và nguồn thu tốt hơn.
Kín phòng vào tháng 7-8
Theo Sở Du lịch Thừa Thiên - Huế, sự phục hồi của ngành du lịch nói chung cùng số lượng khách tăng cao từ đầu năm 2021 đã góp phần thúc đẩy sự phát triển trở lại của các ngành dịch vụ du lịch. Trong đó, sự phục hồi của các cơ sở dịch vụ lưu trú.
Qua khảo sát, trong 2 tháng 7-8, các khách sạn 2-5 sao ở Thừa Thiên - Huế đã được du khách đặt kín phòng. Các khách sạn từ 2 sao, homestay, doanh nghiệp lữ hành nội địa và dịch vụ ẩm thực, điểm đến, vận chuyển, mua sắm phục hồi khá tốt.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp lưu trú nhỏ, phòng ốc tiêu chuẩn thấp thu hút ít khách hơn do nhu cầu và khả năng chi tiêu của khách hiện nay cao hơn.
Đại diện khách sạn Midtown cho biết trong 3 tháng hè, lượng khách đặt phòng ở khách sạn là rất tốt, kín phòng. "Tình hình kinh doanh của các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế khả quan. Đây là tín hiệu đáng mừng cho ngành du lịch địa phương sau hơn 2 năm đại dịch", bà Thanh nói.
Sau đại dịch, phần lớn các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế gặp nhiều khó khăn, đóng cửa, có nguy cơ phá sản. Để duy trì, nhiều đơn vị phải cho nhân viên tạm nghỉ vì không có nguồn thu.
Trước thực trạng này, Sở Du lịch Thừa Thiên - Huế đã phối hợp Sở Kế hoạch đầu tư hướng dẫn các doanh nghiệp du lịch có nhu cầu vay vốn đầu tư phục hồi kinh doanh theo chính sách hỗ trợ lãi suất vay.
Ngoài ra để tăng sự đa dạng trong dịch vụ, ngành du lịch phối hợp các địa phương để tổ chức một số sản phẩm du lịch cộng động, điểm check-in, lễ hội cộng đồng, hoạt động cắm trại để giãn bớt lượng khách từ TP Huế ra vùng ven nhằm kéo dài thời gian lưu trú, trải nghiệm.