Số liệu từ Báo cáo Xuất nhập khẩu 2021 do Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương công bố cho thấy các kim ngạch nhập khẩu ngành hàng điện thoại của phần lớn thương hiệu đều tăng. Trong đó, iPhone của Apple là dòng sản phẩm tăng trưởng mạnh nhất, đạt hơn 1,2 tỷ USD .
Báo cáo cũng cho thấy doanh thu xuất khẩu mặt hàng điện thoại nguyên chiếc của Việt Nam gấp 10 lần kim ngạch nhập khẩu. Trong đó, phần lớn sản lượng đến từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nổi bật là Samsung.
Chi hơn 1 tỷ USD để nhập iPhone
Nội dung báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu cho thấy kim ngạch nhập khẩu ngành hàng điện thoại nguyên chiếc tăng cao bởi các dòng iPhone, đặc biệt là iPhone 13 series. Theo đó trong năm 2021, kim ngạch nhập iPhone đạt mức 1,234 tỷ USD , tăng 159% so với năm 2020.
Riêng dòng điện thoại của Apple đã chiếm gần 40% kim ngạch nhập khẩu điện thoại di động của Việt Nam trong năm 2021.
Bất chấp giai đoạn dịch bệnh, ngay sau khi mở bán, iPhone 13 series liên tục cháy hàng tại các đại lý ở Việt Nam và xác lập kỷ lục doanh số. Theo thống kê từ hãng nghiên cứu Counterpoint Research, Apple là hãng smartphone tăng trưởng mạnh nhất tại Việt Nam trong năm 2021. So với năm 2020, doanh số của Táo khuyết trong nước tăng 119%.
Trao đổi với Zing về lý do doanh số Apple tại Việt Nam vượt mặt Xiaomi trong quý IV/2021, ông Ivan Lam, nhà phân tích của Counterpoint Research cho rằng Táo khuyết đã có chỗ đứng trong lòng người dùng Việt.
Theo ông Lam, Apple cũng có những chiến lược phân phối mạnh mẽ hơn như thúc đẩy gian hàng trên sàn thương mại điện tử, khai trương Mono Store hợp tác cùng các nhà bán lẻ. Ngoài ra, sự xuất hiện của nhiều smartphone 5G cũng kích thích doanh số dòng iPhone 13.
Xếp sau Apple trong danh mục nhập khẩu điện thoại nguyên chiếc là Samsung với 863 triệu USD , Oppo 426 triệu USD và Xiaomi 273 triệu USD . Một số thương hiệu khác như Vivo, Nokia, Itel, Masstel, Asus, Sony, Motorola cũng có mặt trong danh sách nhưng kim ngạch khá khiêm tốn.
Ngoài ra, việc iPhone chính hãng ngày càng được ưu chuộng khiến kim ngạch nhập khẩu dòng sản phẩm này tăng cao. Do dịch bệnh, iPhone xách tay khó vận chuyển và nguồn hàng hạn chế, khiến người dùng tìm mua các sản phẩm chính hãng nhiều hơn.
“Trước đây, tỷ lệ iPhone xách tay và chính hãng là 1:1. Hiện tại, phải 9 máy chính hãng được bán ra thì mới có một máy xách tay”, đại diện một nhà bán lẻ lớn tại TP.HCM chia sẻ với Zing.
Đồng quan điểm, chuyên gia Ivan Lam cho rằng khách hàng Việt Nam đang dần ưu tiên các lựa chọn chính hãng vì chính sách giá tốt, thời gian chờ đợi được rút ngắn.
Bên cạnh iPhone, nhiều thiết bị của Táo khuyết cũng bán tốt trong năm 2021. Tổng số sản phẩm Apple bán ra tại Việt Nam năm ngoái là hơn 1,3 triệu đơn vị, gồm máy tính Mac và các phụ kiện như AirPods, Apple Watch…
Xuất khẩu gấp 10 lần nhập khẩu
Dữ liệu từ Báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu cũng cho thấy kim ngạch xuất khẩu điện thoại của Việt Nam trong năm 2021 đạt trên 33,1 tỷ USD , gấp hơn 10 lần số nhập khẩu. Thành tích này cao hơn 14,9% so với năm 2020. Số lượng điện thoại sản xuất trong nước đạt 233,7 triệu chiếc, tăng 7,6% so với năm trước.
“Nhóm hàng điện thoại và linh kiện vẫn phát triển do nhu cầu tiêu dùng gia tăng. Đây là nhóm mặt hàng phục vụ thông tin liên lạc, phương tiện làm việc khi các nước thực hiện chính sách giãn cách xã hội và người lao động bắt buộc phải làm việc tại nhà do dịch Covid-19”, báo cáo cho biết.
Theo đó, kim ngạch xuất mặt hàng điện thoại và linh kiện điện thoại chủ yếu đến từ nhóm doanh nghiệp FDI (vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài), với khoảng 99% trên tổng số. Việt Nam cũng là quốc gia sản xuất điện thoại lớn nhất của Samsung, chiếm 60% tổng lượng điện thoại bán ra của tập đoàn này trên toàn cầu.
Tuy nhiên, việc sản xuất và xuất khẩu mặt hàng điện thoại, linh kiện điện thoại của các doanh nghiệp trong nước cũng gặp khó khăn trong năm 2021 bởi gián đoạn chuỗi cung ứng, thiếu chip bán dẫn toàn cầu.
Theo báo cáo, ngành hàng di động và linh kiện điện thoại có kim ngạch xuất khẩu là 57,5 tỷ USD , chiếm hơn 17,1% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước trong năm 2021. Tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực này ổn định trong nửa đầu năm, nhưng chậm lại ở hai quý sau của năm 2021 bởi tác động của dịch bệnh.
“Điện thoại và linh kiện di động là mặt hàng chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước”, Cục Xuất nhập khẩu nhận định.